Những người đi tìm cái đẹp
(ANTĐ) - Những ngày cuối năm, khi đất trời và con người cùng rạo rực đón chờ khoảnh khắc giao mùa, năm cũ qua đi, năm mới đang đến, thì dân chơi ảnh lại lục tục lo đi săn tìm cái đẹp để dâng hiến cho đời. Họ “nhấp nhổm” không yên, í ới gọi nhau xem: Sẽ đi chụp ở đâu? Vùng đất nào đẹp? Nơi nào có nhiều hoa đào, hoa mai, hoa mận? Tục lệ đón Tết của dân tộc nào còn giữ được bản sắc văn hóa?...
Bắc Hà (ảnh: Bùi Hỏa Tiễn) |
Ai thích vui thì tập hợp thành nhóm 5, 7 người, còn không, “một mình một ngựa” rong ruổi khắp nơi với một ba lô nặng máy ảnh và ống kính, bỏ lại sau lưng nỗi lo chuẩn bị Tết đang ập đến phía sau. Không phải họ là những người ham vui, mà chỉ vì trót lỡ… mê nhiếp ảnh, mê cái đẹp!
Các tỉnh miền núiphía Bắc luôn là địa danh mà nhiều nhà nhiếp ảnh “nhắm” tới, bởi nơi đây có thiên nhiên tươi đẹp với những triền núi xanh ngắt, có dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phan Xi Păng hùng vĩ, với những rừng đào khẳng khiu trong cái lạnh buốt giá của mùa đông nhưng vẫn ẩn chứa sức sống mãnh liệt bừng khoe sắc thắm gọi mùa xuân về, những rừng mận khoác trên mình chiếc áo choàng trắng tinh khiết tựa như cô bé con lớn bổng lên thành thiếu nữ căng tràn nhựa sống.
Các nhà nhiếp ảnh còn mê nơi đây bởi Tây Bắc còn là vùng đất có đông đồng bào các dân tộc sinh sống, cùng nhiều phong tục, truyền thống với những nét bản sắc văn hóa độc đáo… và đặc biệt là mùa xuân “hiện lên” ở nơi này rõ nét nhất: núi rừng, cỏ cây, chim muông, hoa lá như bừng tỉnh dậy sau giấc ngủ đông lạnh giá: Mặt trời xuất hiện, xua tan u ám, trời xanh trong hơn, ánh nắng ấm áp, hoa khoe sắc thắm, người người rủ nhau mặc quần áo đẹp đi chơi chợ phiên…
Rồi Tây Nguyên, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long… đâu đâu cũng tràn ngập không khí Tết. Người ta nhận thấy Tết đến thật gần trong dáng vẻ tất bật của mọi người, khi đường phố được trang hoàng đẹp đẽ, những cội mai già được tuốt lá chỉ còn lại những nụ hoa be bé.
Đà Lạt, Huế, Hội An, Đồng Tháp… đều có những làng hoa với muôn vàn loài hoa khoe sắc thắm, dường như chỉ đợi Tết đến, xuân về là bừng nở, những thuyền hoa trên dòng Cửu Long cứ rực lên trong nắng bởi màu vàng ấm áp của những giò hoa vạn thọ, cúc đại đóa, các chợ nổi miền Tây thì thuyền ghe tấp nập ngược xuôi oằn mình chở nặng cây trái miệt vườn: Dừa, đu đủ, xoài, mãng cầu, dưa hấu….
Tuy nhiên, nếu không có điều kiện đi xa, vẫn có thể có được những bức ảnh đầy sắc xuân, hương Tết… bởi xuân đến muôn phương, Tết đến muôn nhà. Có những nghệ sĩ nhiếp ảnh, ngày 28, 29 Tết còn có mặt ở các chợ nổi miền Tây chụp cảnh tấp nập mua bán Tết trên sông, ngày mùng 2 Tết đã có mặt tại Sa Pa, Lào Cai để bắt kịp những rừng đào, rừng mận đua nở, những phiên chợ đầu xuân với rực rỡ sắc màu thổ cẩm, những đôi má hồng thiếu nữ, những nụ cười ấm áp, ánh mắt long lanh của trẻ thơ…
Chọn váy |
Có những chuyến đi như vậy để rồi, nhiếp ảnh Việt Nam thỉnh thoảng lại được báo một tin vui: khi thì Cúp Vàng tại cuộc thi này, khi thì Huy chương của cuộc thi kia… hay những lời chúc mừng cho người nhận được 23 giải thưởng lớn nhỏ tại các cuộc thi trong và ngoài nước (Lý Hoàng Long - Đà Lạt), người nhận tròn 20 giải (Vương Quốc Kim - Đắc Lắc), có người ít cũng được hơn 10 giải rồi (Nguyễn Vinh Hiển - Vĩnh Long)... có người lại không nhớ chính xác nhưng tập hợp lại cũng dễ đến 60 giải (Hoàng Quốc Tuấn - TP. HCM)…
Không phải ai cầm máy cũng có được kết quả tốt đẹp đó! Nhưng dù thế nào họ cũng chính là những người đi đến những vùng đất xa xôi nhiều gian khó chắt lọc lấy những vẻ đẹp của cuộc sống. NSNA Hoàng Thế Nhiệm - người được coi là “vua” ảnh phong cảnh bởi anh là người đã đặt chân tới hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, còn Sa Pa - Lào Cai thì đã đến mấy chục lần đủ cả 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, và vẫn còn chưa thôi ý định đến với nơi này.
Như đã thành lệ, thành thói quen, thành những lịch trình đặt sẵn, mỗi khi xuân về, các nhà nhiếp ảnh lại lên đường… Dường như, mùa xuân luôn là điểm khởi đầu để những người chơi ảnh “khai máy” - như các nhà báo, nhà văn, nhà thơ “khai bút” vậy!
Chu Thu Hảo