Những người đàn ông đem lại hạnh phúc cho nhau

ANTD.VN - Có một dạo hồi còn bao cấp, người ta thường khinh khi thương cảm khi nhỡ phải nhắc tới những đàn ông yêu đàn ông. “Người đồng tính” bị cả một đám đông cuồn cuộn ấu trĩ không tôn trọng. 

(Ảnh: Maika Elan)

Vài hôm trước, cộng đồng mạng xã hội có nổi sóng vì một clip mà nhiều người dút dát mệt mỏi sợ hãi gọi là “bạo lực học đường”. Đại loại nó kể, một nam sinh ở tuổi trung học bơ vơ bất lực cúi gằm mặt xuống bàn khi bị khá đông các bạn cùng lớp xúm vào thô bạo chế giễu, đương nhiên ngoài “động khẩu” thì bọn trẻ lúc bốc đồng lên có “động thủ”. Cậu bé mềm mại đấy chẳng có lỗi gì, chỉ bất hạnh trót bị các bạn phát hiện là “gay”. 

“Nó óng ánh lắm”. Đó là cái cách mà đám vô tư “teen” phổ thông hôm nay gọi mấy thằng bạn trai có khí chất hơi eo éo một tý. Hà Nội hồi chưa xa, khi giáo dục trung học còn chia thành ba cấp, thì thỉnh thoảng ở những lớp cuối cấp 3, rất dễ thấy những thằng bé mang khí chất đó. Tất nhiên, vẻ ngoài nó cũng bình thường như các nam sinh khác. Ngoan ngoãn, học trung bình khá, rất hiếm đứa học giỏi.

Có điều, nó chơi chuyền hay chơi nhảy dây thì tuyệt vời. Chơi chuyền khó nhất là ở bàn cuối. Đại khái, bọn chơi phải cầm cả bó que chuyền, xoay ba bốn vòng đồng thời tung quả bưởi non nhờ nhỡ hơn quả chanh để làm sao vừa xoay vừa bắt được quả bưởi không cho rơi xuống đất. Quả bưởi tung càng cao thì càng đủ thời gian cho một lần xoay bốn hoặc năm vòng cả bó que chuyền.

Nhiều đứa con gái hay “chết” ở bàn ấy. Đến lượt thằng bé “óng ánh”. Cả lớp nín thở nhìn theo quả bưởi được tung cao vút. Còn thằng bé mắt long lanh ngước, mồm dẻo quẹo đọc lời đồng dao “Chuyền từ tư đôi… Chuyền nằm năm đôi… tráng tay qua, ra bàn 1”. Cái tay nó khéo như thế, thảo nào đến lúc trưởng thành, nó theo nghề cắt tóc nữ hay làm trang điểm cô dâu thì cửa hàng của nó lúc nào cũng đông nghịt khách.

Bây giờ, mấy thằng bé này cũng vậy thôi, vẫn thích chơi với các bạn nữ. Khi trốn tiết đánh bài “tá lả” chẳng hạn, lúc “chốt hạ” xuống cây độc thường kèm theo câu “cho biết sự lợi hại của bản cô nương nhé”. Rồi mấy thằng bé đó lớn lên. Chúng thích học múa, thích đọc truyện ngôn tình, vài đứa đam mê hát nhạc Bolero.

Hoặc nếu quá cao to xinh giai, đa phần bọn học dốt sẽ thành những õng ẹo nam người mẫu. Phần đông chúng đều thích mặc những bộ đồ màu rực rỡ lóng la lóng lánh. Rồi chúng tiếp tục lớn lên nữa. Vẫn thân với các bạn gái nhưng hoàn toàn chỉ trong sáng bạn bè. Còn đâu chỗ tận cùng sâu thẳm của trái tim, hình như chúng chỉ chân thành rung động trước những người cùng giới.

Và bất hạnh thay, cho đến tận ngày nay, những thằng bé “óng ánh” này vẫn bị cái đám đông có bọn đàn ông dung tục nói giọng ồm ồm lẫn với bọn đàn bà thuần túy giả dối giọng thánh thót ra sức ghét.

Có lẽ vì thế mà có một dạo hồi còn bao cấp, người ta thường khinh khi thương cảm khi nhỡ phải nhắc tới những đàn ông yêu đàn ông. “Người đồng tính” bị cả một đám đông cuồn cuộn ấu trĩ không tôn trọng. Ngay như ở vỉa hè thì dân dã thường gọn lỏn gọi, “ái nam ái nữ” hoặc “đồng cô”. Trước các cụm từ định danh này, những đanh đá thị dân hay thêm chữ “thằng”.

Tất nhiên, chẳng hẳn là miệt thị, nó chỉ là thói quen đường phố của một thời vô tư khẩu ngữ khi người ta vừa ngây thơ vừa mỏi mệt phải trực diện đương đầu với man rợ chiến tranh. Làm gì có “ông” hay “ngài”, chỉ có “thằng Giôn Sơn” “thằng Ních Sơn”. Mà chữ “thằng” cũng không hề quá quắt như cách hiểu của trắng trợn hậu chiến hôm nay. Nó là thứ hồn nhiên văn hóa của một thời nhọc nhằn trong trắng.

Ở cái hồi tuyệt nhiên chưa có phim ứa nước mắt “Brokeback mountain” mà Google dịch là “Chuyện tình sau núi” của đạo diễn Lý An, tuyệt nhiên chưa có công khai những bộ sách ảnh hồng hồng nhân văn như “the Pink Choice” của NXB Hội Nhà văn 2013, thì chuyện đàn ông yêu đàn ông là tuyệt đối tù mù khó hiểu, chun chút nhuốm màu bệnh hoạn. Người ngoài thì chẳng biết đằng nào mà chia sẻ, còn người trong thì giấu biệt.

Tuy thế, loanh quanh vài ba phố cổ kề nhau chắc chắn sẽ có một “thằng đồng cô”. Bọn họ thường thẩn thơ một hoặc hai mình, cô đơn ngồi góc khuất quán cà phê vắng, đôi khi hút thuốc. Nói chung, bọn họ ăn mặc khá lòe loẹt. Má đánh ít phấn, môi bôi tý son, dịu dàng với những sơ mi có “chiết ly” ngực, những quần bó mông cho dù người ngợm trước sau phẳng dí.

Trên khuôn mặt hiền lành phảng phất nét nhẫn nhịn cay đắng là cặp kính râm thật to. Chịu, không biết ánh nhìn của họ như thế nào, nhưng có lẽ là buồn bã. Tất nhiên, trên một mặt bằng thuần hậu tử tế của những năm tháng đó, những anh chàng “ai ái” cũng chưa “gay” dữ dội như theo mốt bây giờ.

Ngoài một số ít được ăn được học mà đa phần bọn họ đều giỏi ngoại ngữ, tiếng Pháp tiếng Nga veo véo thì phần đông những “đồng cô bóng cậu” thường đảm buôn đảm bán. Có lẽ là nhờ ở cái tính kỹ càng găn gắt chanh chua nhưng đẫm đầy sắc sảo tinh tế. Nếu hành nghề cắt may, bọn họ lừng danh là tay tổ.

Công có hơi đắt nhưng chẳng bao giờ ăn bớt vải. Còn nếu tần tảo chỉ làm gánh hàng rong bán vỉa hè, thì bán bún bát miến của họ cũng đạt tới tầm bậc thầy của ẩm thực đường phố. Quán bún mọc khét tiếng Hàng Hành, giờ đây vẫn còn đang bán, chính là truyền thừa từ tay của một đàn ông “óng ánh”.

Phố Hà Nội sẽ nhạt hơn, sẽ đơn điệu hơn khi vắng đi những người độc đáo ấy.