Những ngày giỗ tập thể và ký ức bi tráng của Hà Nội năm1972

ANTD.VN - Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Giang Quân sống ở phố Khâm Thiên, đêm 26-12-1972, hiệu sách nhà ông bị sức công phá của bom B52 thổi bay, sách, truyện bẩn nát tả tơi khắp phố. Trong một bài viết đăng Báo Hà Nội mới nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ông  viết: “Trong thời chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc, không ở đâu có nhiều ngày giỗ tập thể như ở Hà Nội,  trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 là 12 ngày giỗ tập thể”.  

Những ngày giỗ tập thể và ký ức bi tráng của Hà Nội năm1972 ảnh 1

Vào khoảng 22h đêm 26-12-1972, 30 máy bay B52 ném bom rải thảm xuống đường phố Khâm Thiên, khiến con phố của trung tâm thành phố chìm trong biển lửa và sau một đêm trở thành đống đổ nát (Ảnh tư liệu)

Ngày 18-12-1972, ngày đầu tiên trong chiến dịch Lineker 2 dùng máy bay đánh phá các tỉnh miền Bắc và Hà Nội, trong đêm 18 rạng ngày 19, bom B52 của Mỹ đã ném xuống các xã  Uy Nỗ, Lỗ Khê (huyện Đông Anh), Mai Dịch (huyện Từ Liêm)… Tại xã Mai Dịch, bom đã cướp đi sự sống của nhiều người nhưng đau đớn nhất là vợ chồng thầy Chu Bá Thước, giáo viên trường cấp II Mai Dịch cùng 4  con nhỏ đã chết.

Dù chính quyền Mỹ tuyên bố họ chỉ ném bom các công trình quân sự, cầu phà, các nhà máy trọng điểm, không ném bom vào khu dân cư, trường học, bệnh viện nhưng sự thực không phải như vậy. Đêm 21 rạng ngày 22, Mỹ đánh bom khu dân cư lao động An Dương (nay thuộc quận Tây Hồ), nhiều sinh linh vô tội đã chết nhưng thiệt hại lớn nhất là gia đình bà Nguyễn Thị An.

Một quả bom rơi vào nhà bà An đã cướp mất 5 người thân của bà, trong đó có cha mẹ chồng, 2 con và cô em chồng. Đêm đó vì số người chết bom quá nhiều nên thành phố không đủ quan tài khiến bà con khối phố và gia đình thắt lòng chôn 4 người trước và hôm sau khi có quan tài, gia đình mới làm lễ chôn cất cô em. Vì số người chết quá nhiều, thành phố không đủ quan tài nên gia đình, chòm xóm đành phải chôn 4 người trước và hôm sau khi người ta chở quan tài đến gia đình mới chôn nốt cho cô em.

Trong đêm 22 rạng ngày 23, bom Mỹ đã đánh sập khoa Tai Mũi Họng, khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai nhưng nặng nhất là khoa Da liễu, những tảng bê tông lớn chặn lối xuống hầm C3. Thi thể của chị Hoàng Thị Thoa chắn lối xuống hầm khiến Giám đốc bệnh viện khi đó là bác sĩ Đỗ Doãn Đại ra lệnh trong nước mắt: Cắt thi thể của chị để mở đường xuống hầm cứu mấy chục cán bộ nhân viên, bệnh nhân đang thiếu không khí và lấy chỗ tiếp sữa, nước trong khi chờ đội cứu hộ của thành phố.

Hai ngày sau, bác sĩ Đỗ Doãn Đại phải chứng kiến cái chết của học trò là Đinh Thị Thúy mà không thể cứu được vì chị bị thương quá nặng. Trước khi tắt thở, chị Thúy chỉ nói được một câu: “Em chào thầy em đi”. Khi chúng tôi làm bộ phim tài liệu “Ký ức một thời” về 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 năm 2013, khi phỏng vấn, bác sĩ Đỗ Doãn Đại giọng vẫn ngậm ngùi kể rằng, dù ghép lại xác của chị Thoa và liệm vào quan tài nhưng đó là quyết định khó khăn và đau đớn nhất trong cuộc đời làm nghề y của ông.

Khi làm phim chúng tôi cũng đã tìm được thiếp mời cưới chị Đào Thị Khuyến, nhà ở phố Hàng Khoai là kỹ thuật viên khoa Da liễu. Đêm đó, chị mang tập thiếp cưới đến bệnh viện tranh thủ giờ rảnh rỗi viết thiếp mời khách tới dự đám cưới của mình tổ chức vào ngày 2-1-1973. Nhưng bom Mỹ đã cướp đi quyền được làm cô dâu của chị.

Mỹ tuyên bố không ném bom miền Bắc Việt Nam đêm Noel nhưng chưa đến 1 ngày, đêm 26-12, vệt bom B52 rơi xuống phố Khâm Thiên hủy diệt hoàn toàn các khối 42, 43, 46, 47, nhà trẻ, mẫu giáo, đình Tương Thuận, cơ sở y tế bị san phẳng. Cho đến ngày hôm nay, mỗi khi kể lại chuyện đêm  26-12-1972, ông Nguyễn Văn Cầu không thể nào cầm được nước mắt vì bom Mỹ đã cướp đi vợ, con ông và gia đình người em ruột cùng 2 cháu bé.

Đau đớn là vợ ông chỉ còn có nửa thi thể và đứa con chỉ còn một chân, ông Cầu nhận ra vì cháu có vết sẹo do bị bỏng từ bé. Trận bom đó khiến  278 dân thường thiệt mạng, 290 người bị thương, 178 đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi trong đó có rất nhiều trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong những cảnh quay phỏng vấn ông Giang Quân, của phim “Ký ức một thời”  rằng ngay trong đêm đó, đội cứu hộ của thành phố, bà con khối phố  bới từng mảng tường, gỡ gỗ đá tìm xác người và trong ngày giỗ đầu dân phố Khâm Thiên ai ai cũng khóc.

Những ngày giỗ tập thể và ký ức bi tráng của Hà Nội năm1972 ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội 1930-2000”, phần về 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã viết: “Không quân Mỹ đã ném khoảng 40.000 tấn bom, nhiều hơn số bom Mỹ ném xuống miền Bắc từ năm 1969 đến năm 1971. Bom, rốc-két Mỹ đã trúng vào 39 khối nội thành: Giáp Bát, Làng Tám, Tương Mai, Phương Liệt, Mai Hương… thuộc 4 khu phố Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; 3 thị trấn ngoại thành gồm: Đông Anh, Gia Lâm và Yên Viên; 78/102 xã ngoại thành trong đó có nhiều nơi bị san phẳng  hoặc bị đánh đi đánh lại như cột phát sóng Mễ Trì của Đài Tiếng nói Việt Nam, xã Uy Nỗ, Giáp Bát… Xã Uy Nỗ bị bom cày xới trong 11 ngày đêm, bà con đã đi sơ tán nên số người thiệt mạng không nhiều nhưng 80% nhà cửa bị phá hủy, 70% diện tích đất trồng trọt có hố bom.

Trong 12 ngày đêm, bom Mỹ đã giết hại 2.830 người, làm bị thương 1.355 người trong đó có nhiều trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong phim “Ký ức một thời” chúng tôi đã đưa vào một đoạn phim tư liệu về lễ Noel ở Nhà thờ Lớn Hà Nội năm 1972, tiếng thánh ca vang lên với mong muốn chấm dứt chiến tranh và mong muốn hòa bình. Vâng cái giá của chiến tranh là rất đắt, hãy cố gắng giữ gìn hòa bình, mong thế giới đừng bao giờ có những ngày giỗ tập thể như Hà Nội.