"Những hạt bùn vạn dặm" - Tập tản văn về miền đất bao la sông nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tập tản văn “Những hạt bùn vạn dặm” của tác giả Lê Quang Trạng được viết nên từ tình cảm sâu đậm của tác giả với quê hương miền Tây Nam Bộ, một miền đất bao la sông nước, là nơi hội tụ của những dòng lưu dân khắp tứ xứ.

Những con người chân chất, hào sảng ấy đã hình thành nên một cộng đồng đậm đà tình làng nghĩa xóm và một nền văn hóa đa dạng tựa như những cánh đồng miền Tây Nam Bộ trù phú được những dòng phù sa bao đời bồi đắp.

Sinh ra và lớn lên ở huyện cù lao Chợ Mới (tỉnh An Giang), một dãy cù lao dài và rộng nằm giữa sông Tiền và sông Hậu với biết bao ưu đãi của thiên nhiên và bề dày lịch sử văn hóa, nên Lê Quang Trạng được tắm mình trong cái không gian đặc sệt văn hóa miệt vườn, sông nước… Những trang viết của anh được ươm lên từ chính mảnh đất “bùn” mỡ màu phù sa, mà xanh tươi như cây trái xứ vườn Nam bộ.

Cuốn sách "Những hạt bùn vạn dặm" của Lê Quang Trạng

Cuốn sách "Những hạt bùn vạn dặm" của Lê Quang Trạng

Đọc tập tản văn "Những hạt bùn vạn dặm”, độc giả có cảm giác những gì Lê Quang Trạng cảm nhận đã hóa thành tâm hồn, tác giả nhớ và ghi lại như thay lời của đất, của dòng sông xứ sở quê anh gửi tới bạn đọc. Cũng bởi tập sách chất chứa rất rất nhiều hình ảnh ký ức khó quên, nên tác giả cho là mình viết như đang “lạc trong ký ức của mình”.

Phù sa tạo ra đồng bằng phì nhiêu, xóm làng tạo ra thứ mà người ta hay gọi là văn minh lúa nước, văn minh miệt vườn… Nhưng văn minh miệt vườn ở tản văn của Trạng không đóng khuôn với lũy tre, bến nước, sân đình làng như những miền quê khác, mà nó luôn năng động và mở rộng. Chỉ vì đồng bằng miền Tây quá rộng lớn, những cánh đồng cứ tiếp nối nhau dài mênh mông, sự mênh mông của những nét đẹp, nếp văn hóa trên cánh đồng, mùa gặt, cây lúa và mồ hôi nước mắt, nỗi nhớ của người nông dân đã làm cho những cánh đồng trong tản văn của Trạng gần như bất tận.

Postcard của cuốn sách

Postcard của cuốn sách

Qua tập sách này, bạn đọc sẽ tò mò thích thú, có dịp sẽ muốn đi miền Tây Nam bộ để coi nước, coi cất vó, coi mùa cá linh với những hàng bông điên điển vàng mút mắt; hay coi những chiếc ghe hàng chạy dài theo sông, coi nhà lá, Tết trâu, lễ cúng việc lề…. thú vị đến dường nào. Những tản văn trong tập sách sẽ là những hạt bùn lấp lánh, không chỉ mở ra một miền đất Tây Nam Tổ quốc trù phú xanh tươi với bao điều vừa thân quen vừa độc lạ, mà chúng còn theo độc giả đến “vạn dặm” của nỗi nhớ về một miền đất hào sảng, nghĩa tình.