Những cung điện kỳ vĩ ở Istanbul

ANTD.VN - Istanbul có thể là thành phố nhiều thánh đường nhất mà tôi từng biết. Riêng trong quận Sultanahmed và vài cây số dọc eo Sừng Vàng đã có tới vài chục Thánh đường Hồi giáo mà công trình nào cũng tráng lệ. Những chuyến đi ngắn ngày thường chẳng bao giờ cho ta cơ hội sục sạo bằng hết thành phố nên khách viễn du thường chỉ ghé vào thánh đường nổi tiếng nhất là Sultanahmed hay còn gọi là Giáo đường Xanh. 

Đây cũng là khu vực nhộn nhịp nhất Istanbul, thu hút toàn bộ khách du lịch tụ tập ở quảng trường nằm giữa Giáo đường Xanh và Bảo tàng Hagia Sophia, nơi những người bán mũ Thổ, những anh chàng rao kẹo mạch nha màu và hạt dẻ tụ tập đông đúc. 

Những cung điện kỳ vĩ ở Istanbul ảnh 1Đầu Medusa khổng lồ lộn ngược trong Yerebatan

1. Hôm ấy đột ngột trời đổ mưa to. Chỉ trong nháy mắt, những đoàn người ùn ùn đổ về Sultanahmed biến mất sạch, chỉ còn lại mấy bác già đứng bán ô rong giữa quảng trường vắng tanh, sũng nước. Ô trắng trong suốt, rất đẹp, chúng tôi mua mỗi người một chiếc với giá 5 Lira, nhưng chiếc ô bé tí không ngăn được cơn mưa đang xối xả như trời bão. Đành vào trong Giáo đường Xanh vừa trú tạm, vừa tranh thủ tham quan luôn. Dòng người xếp hàng vào giáo đường vẫn không thưa bớt. Họ chen chúc nhau trong sảnh lễ, ai nấy ướt lướt thướt và tôi không tìm được góc nào vãn người để mà chụp ảnh. Tình trạng này giống hệt như trong Tòa thánh Vatican hay lăng mộ Taj Mahal. 

Vẻ đẹp của những Vương cung Thánh đường rộng thênh thang với sự u hoài tịch mịch đã biến mất. Người ta không thể lặng ngắm những mái vòm rực rỡ sắc màu và các tấm thảm mosaic ngút tầm mắt trong khi luôn bị che khuất bởi đầu người lố nhố. Nhìn đâu cũng thấy người, như đứng trong đại siêu thị hay nhà ga vậy. Thứ còn lại duy nhất để ngắm là ngửa cổ nhìn trần nhà. Gọi là Giáo đường Xanh bởi nó được dát đá xanh bên dưới mái trần. Nhưng không chỉ có màu xanh.

Đứng giữa tâm sảnh lễ, bạn sẽ thấy như mình đang ở trong một ô kính vạn hoa khổng lồ với muôn ngàn sắc màu rực rỡ. Người Thổ ưa màu sắc, điều này khác với các quốc gia Phật giáo, Cơ đốc giáo hay Hồi giáo khác. Màu sắc vì thế ngập tràn khắp nơi như huyền thoại Nghìn lẻ một đêm. Đại thánh đường mang tên Sultan Ahmed vì nó được vua Ahmed Đệ Nhất xây dựng vào quãng đầu thế kỷ 17. Kiến trúc giáo đường đẹp ở nội thất hơn là bề ngoài, là đỉnh cao của sự kết hợp giữa kiến trúc nhà thờ Hồi giáo và nhà thờ Thiên Chúa giáo Byzantine, chưa kể pha trộn cả trường phái Rococo với những cửa sổ kính màu lộng lẫy. 

2. Cách Sultanahmed chừng 200m là Giáo đường dưới lòng đất Yerebatan hay còn gọi là Cung điện chìm. Đây là công trình khiến tôi kinh ngạc nhất về Istanbul. Thực ra Yerebatan là một cái bể nước khổng lồ, là bể chứa lớn nhất trong số vài trăm bể nước ngầm cổ xưa ở Istanbul. Trước khi biến thành cái bể chứa nước cho công dân thành Constantinopolis (tên cũ của Istanbul), Yerebatan đã từng là một đại giáo đường (xây dựng vào khoảng thế kỷ 3 và 4 trong thời tiền La Mã) cho đến khi hoàng đế Justinian Đệ Nhất của đế chế Byzantine đã cải tạo nó thành bể chứa nước vào thế kỷ thứ 6 để cung cấp nước cho cung điện của Constantinople và các tòa nhà khác. Đến thời Ottoman, bể nước Yerebatan cũng vẫn còn hoạt động.

Chuyến đi này đều do cô em gái tôi lên lịch trình, tính toán giá cả và lên mạng tìm thông tin, đương nhiên đến nơi kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu chắc như đinh cột: “Đây là cung điện ngầm dưới lòng đất, ở cuối đường hầm sẽ được nhìn thấy đầu rắn Medusa nổi tiếng”. Xuống đến nơi, tất thảy đinh ninh đây là cung điện thật sự với 336 cây cột chống trần vĩ đại bằng đá cẩm thạch và granite.

Đèn thắp lung linh phản chiếu lên mặt nước và những hành lang cột trụ khiến người ta có cảm giác đang ở trong một kho báu bí mật, một cung điện cổ xưa đã bị chôn vùi trong lòng đất. Tiếng róc rách, tiếng rỏ giọt từ trần nhà xen lẫn rì rầm của thâm sâu tạo thành một tập hợp thanh âm ngoạn mục. Cũng vì cảm giác phiêu lưu rất thật này mà từ thập niên 60, bể nước ngầm đã được đưa vào một cảnh quay trong phim “James Bond”. 

Xưa kia 80.000m3 nước trong bể rộng 9.800m2 chảy đến từ hệ thống dẫn nước bắc từ rừng Belgrade nằm cách Istanbul 19km. Những lối đi dích dắc dẫn đến điểm tận cùng của lòng đất, nơi 2 đầu rắn Medusa khổng lồ lộn ngược đỡ cột chống nặng nề trên cổ. Medusa mặt người tóc rắn cắm đầu xuống đất trong hốc nước đen chẳng biết ẩn chứa thứ gì từ gần 2.000 năm lịch sử.

Nhìn cái đầu Medusa lộn cổ chống cột trần, tôi rùng mình kinh hãi, thấy tội nghiệp. Hai cái đầu chịu ở góc tăm tối nhất, ngâm mình dưới bể nước ngầm như ông thần khổng lồ bị nhốt trong cây đèn cũ bé tí dưới đáy đại dương, chờ đến lúc chính phủ Thổ rút hết nước đi, chỉ để xâm xấp vài feet thả cá cảnh và biến thành nơi tham quan thu tiền vé, để người đời tha hồ bật flash mà chụp ảnh Medusa về tung lên mạng.

Các nhà khảo cổ học sau này vẫn chưa thể kết luận được ai đã bê cái đầu rắn vào trong bể nước và liệu còn nhằm mục đích gì nữa ngoài trang trí cho bệ cột chống, cũng như tại sao lại phải lộn cổ Medusa xuống như thế (một đầu lộn góc 90 độ và một cái 180 độ). 

Những cung điện kỳ vĩ ở Istanbul ảnh 2Kiến trúc tinh tế của Hagia Sophia mang dấu ấn của nhiều tôn giáo

3. Istanbul vĩ đại và điệu đàng là thế. Từ thế kỷ 6 đã có bể nước khổng lồ mấy trăm cột chống và lại còn được làm đẹp như cung điện. Công trình này, như mọi kiến trúc vĩ đại khác đều ngập trong máu, mồ hôi và nước mắt. Nó cần tới 7.000 nhân công nô lệ và vài trăm người đã chết khổ chết sở vì cái bể nước. Sau khi phát hiện ra rằng, đó chỉ là cái bể nước chứ chẳng phải cung điện, tôi càu nhàu rằng đi xem bể nước mà mất tới ngần ấy tiền vé và xếp hàng những nửa tiếng đồng hồ.

Chưa kể trong bể nước ngầm còn có dịch vụ chụp ảnh cho du khách đóng vai vua, hoàng hậu Thổ với giá cắt cổ. Khách sẽ mặc quần áo dát vàng lộng lẫy giả làm vua chúa Ottoman ngự trên ngai vàng, nữ thì che mạng, nam cầm quyền trượng và tràng hạt. Sến phải biết. Lại những 10 Euro một kiểu ảnh. Thế mà người người, nhà nhà, chen chúc xếp hàng chờ đến lượt.

Có gia đình người Iran hơn chục thành viên đều mặc quần áo Ottoman rồi ngồi sắp bằng trên ghế giả làm hoàng tộc. Tôi cũng bị quyến rũ mất 20 euro. Thôi thì mấy khi được đóng vai hoàng hậu Thổ. Ai cũng nghĩ thế. Vậy là người Istanbul móc tiền túi của khách êm ru. Là người trả tiền thì bao giờ cũng phàn nàn, nhưng bất cứ ai cũng đều thấy đáng đồng tiền bát gạo khi tham quan cái bể nước vĩ đại với kiến trúc Byzantine tuyệt đẹp.

Tại sao tôi lại nhắc nhiều tới kiến trúc Byzantine và dấu vết của người Hy Lạp, La Mã. Istanbul không chỉ là một viên ngọc xinh đẹp bên bờ biển Marmara với di sản văn hóa vô cùng đa dạng mà còn là một thành phố của những dấu ấn vĩ đại.

Suốt gần 16 thế kỷ, kể từ năm 330 trước Công nguyên, Istanbul lần lượt là kinh đô của 4 đế quốc hùng mạnh: La Mã, Hy Lạp (còn gọi là Byzantine), Latin và Ottoman. Istanbul vì thế đã từng là trung tâm Cơ đốc giáo trước khi trở thành một thánh địa Hồi giáo dưới thời Ottoman. Thành Troia trong thần thoại Hy Lạp như vậy cũng thuộc về phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.