Những bộ phim "lạ" cảnh báo nạn bạo lực học đường

ANTD.VN - Bạo lực học đường không còn là một đề tài mới lạ nhưng vẫn được nhiều nhà làm phim lựa chọn để khai thác và đưa vào phim ảnh. Vấn nạn này vẫn hiện hữu và xảy ra hàng ngày ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Cùng điểm qua một vài bộ phim đặc sắc nhất, phản ánh thực trạng vấn đề này.

Angry mom (2015)

Những bộ phim "lạ" cảnh báo nạn bạo lực học đường ảnh 1

Cảnh trong phim Angry Mom

Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong việc đưa vấn đề bạo lực học đường lên phim ảnh. Hàng loạt những thước phim ghi lại cảnh học sinh bị đánh đập, tẩy chay, cô lập đã thể hiện rõ nét thực trạng trên tại quốc gia châu Á này.

Được công chiếu năm 2015, bộ phim Angry Mom (Người mẹ nổi giận) đã thu hút sự quan tâm của không ít khán giả. Bộ phim kể về Jo Kang Ja (Kim Hee Sun thủ vai) - một bà mẹ tuổi đã ngoài 30, sở hữu một gương mặt cũng như vóc dáng trẻ trung. Kang Ja là một người mẹ Hàn Quốc bình thường, ngày ngày làm việc nội trợ và phục vụ gia đình, có một cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn.

Cuộc sống của Jo Kang Ja diễn ra đều đặn và lặp đi lặp lại cái nhịp điệu đó cho tới một ngày, cô nhìn thấy con gái Ah Ran (Kim Yoo Jung) trở về nhà với những vết bầm tím trên thân thể. Lúc ấy, cô mới phát hiện con gái mình đang là nạn nhân của bạo lực học đường.

Cầu cứu giáo viên chủ nhiệm, thậm chí lên tận đồn cảnh sát, sở giáo dục để nộp đơn kiến nghị cũng chẳng ăn thua, Jo Kang Ja đã đi đến bước cuối cùng "điên rồ" nhất, đó chính là... đóng giả làm học sinh và trở lại trường học - nơi con gái mình đang bị bắt nạt. Với mục đích ban đầu chỉ là tìm ra kẻ bắt nạt con gái và "dạy cho chúng một bài học", nhưng càng dấn thân và sống trong môi trường học đường, Kang Ja càng phát hiện ra những bí mật đen tối kinh hoàng, những câu chuyện khó tin nhưng có thật. Ah Ran không chỉ là nạn nhân của bạo lực học đường, cô bé là nạn nhân của cả một đường dây quyền lực đang thao túng trường học, can thiệp sâu sắc vào cả hệ thống giáo dục - chính trị của đất nước...

Silenced (2011)

Những bộ phim "lạ" cảnh báo nạn bạo lực học đường ảnh 2

Hình ảnh ám ảnh trong phim Silenced

Nhắc tới phim về bạo lực học đường Hàn Quốc, không thể bỏ qua phim Silenced (Sự im lặng). Silenced được chuyển thể từ tiểu thuyết Dogani của nhà văn Kong Ji Young, xuất bản năm 2009. Bộ phim kể về thầy giáo Kang In Ho (Gong Yoo thủ vai), giáo viên mỹ thuật biết dùng thủ ngữ, đã chuyển tới dạy học tại trường dành cho trẻ em câm điếc tại Mujin.

Tại đây, anh phát hiện ra những sự thật kinh hoàng bị chính những giáo viên trường cũng như những nhà lãnh đạo khu vực che giấu: đó là vấn nạn bạo hành đi kèm với lạm dụng tình dục đối với những trẻ em khuyết tật tại đây.

Những kẻ đứng sau sự việc này, không ai khác chính là hiệu trưởng và ban lãnh đạo nhà trường. Chúng không ít lần thực hiện hành vi đồi bại của mình, thậm chí đánh đập dã man những đứa trẻ tội nghiệp nếu các em không đáp ứng yêu cầu của chúng.

Thầy giáo In Ho đã đưa vụ việc ra ánh sáng khiến dư luận cả nước chấn động. Nhưng đến cuối cùng, anh nhận ra mình hoàn toàn bất lực khi chính tòa án xét xử đã thông đồng với những tên tội phạm này.

Aoi Haru (2002)

Những bộ phim "lạ" cảnh báo nạn bạo lực học đường ảnh 3

Phim Aoi Haru

Không chỉ riêng Hàn Quốc, vấn đề bạo lực học đường cũng là một đề tài phổ biến trong phim ảnh Nhật Bản.

Bộ phim lấy bối cảnh một ngôi trường mang không khí yakuza (xã hội đen) hơn là sư phạm khi lũ nam sinh đánh nhau giỏi hơn học bài, và không xem thầy cô ra gì.

Bộ phim kể về ngôi trường nam sinh đen tối và hỗn loạn, tranh giành nhau quyền lực trong khi chính bản thân mỗi người còn không biết mình đang làm vì điều gì. Cả bộ phim đầy bạo lực, máu me nhưng cũng thống thiết lời kêu cứu của tuổi trẻ lạc bước trên con đường mình đi. Diễn xuất của cặp đôi Ryuhei Matsuda và Arai Hirofumi vô cùng xuất sắc, lột tả trọn vẹn  tuổi trẻ trong phim. Một bộ phim ngắn gọn nhưng ám ảnh và đầy ý nghĩa. 

Cyberbully (2015)

Những bộ phim "lạ" cảnh báo nạn bạo lực học đường ảnh 4

Phim Cyberbully

Bạo lực học đường không chỉ về những hành vi đánh đập, bạo hành về thể xác mà còn cả về tinh thần. Bộ phim Cyberbully kể về một khía cạnh khác của việc bắt nạt thông qua mạng xã hội.

Bộ phim được "làm lại" từ một bộ phim cùng tên ra mắt hồi năm 2011, nhưng được đánh giá cao hơn và thành công hơn tác phẩm trước đó. Bối cảnh của phim Cyberbully chỉ diễn ra trong một căn phòng nhỏ, nơi hầu hết hình ảnh đều thể hiện qua góc nhìn của webcam.

Mở màn với hình ảnh Casey (Maisie Williams) đang chat skype với cô bạn thân Megan, bàn luận về việc người yêu cũ của Casey đang nói xấu cô trên Twitter và tìm cách để "trả đũa" anh chàng xấu tính.

Câu chuyện có lẽ chỉ dừng lại ở đó nếu như Casey không nhờ Alex – một anh chàng mọt sách cùng lớp – hack tài khoản mạng xã hội của người yêu cũ và post lên đó những điều bệnh hoạn. Cô khoái trá khi thấy chàng trai kia bị điêu đứng vì những trò đùa tai ác của mình, nụ cười của Casey không còn trong veo như lúc đầu phim nữa. Nhưng mọi niềm vui của cô gái trẻ đã tắt ngấm không lâu sau đó.

Tiết tấu căng thẳng của phim dần được đẩy lên cao trào khi Casey biết người đang giúp mình không phải Alex, mà đó là một nhân vật bí ẩn với giọng nói bị bóp méo, lạnh lẽo nhưng vẫn đầy xảo trá.

Hắn đã hack toàn bộ những tài khoản của Casey, tìm ra những điều mà chỉ có cô mới biết, đó là những câu chuyện giả dối, những tấm ảnh tươi mát, những đoạn video bôi bác người khác, những kế hoạch chơi xấu bạn bè. Lúc này đây, Casey mới lộ mặt là một cô gái chuyên đi bắt nạt người khác.

13 Reasons Why (2017)

Những bộ phim "lạ" cảnh báo nạn bạo lực học đường ảnh 5

Phim 13 Reasons Why

13 Reasons Why bắt đầu bằng sự việc Hannah Baker (Katherine Langford), một nữ sinh trung học tự tử và để lại 13 cuộn băng ghi lại những lý do mình lựa chọn cái chết.

Nội dung phim xoay quanh Clay Jensen (Dylan Minnette), một cậu học sinh ngoan hiền, ít nói và sống nội tâm. Một ngày cậu về nhà và nhận được gói hàng trong đó có chứa 13 cuộn băng.

Cậu tò mò mở lên nghe và câu chuyện của Hannah Baker qua giọng kể của chính cô bắt đầu. Clay Jensen bắt đầu nghe và làm theo luật lệ mà Hannah đặt ra cho mỗi người nghe. Đó là phải nghe hết 13 cuộn băng về những người đã khiến cô phải đi đến quyết định tự tử, sau đó sẽ chuyển những cuộn băng đó cho người kế tiếp. Nếu điều đó không được thực hiện, một người mà cô tin cậy sẽ gửi những cuộn băng cho cảnh sát. 

Cứ vậy, 13 tập phim là 13 câu chuyện về 13 người trong ngôi trường cấp 3 có vẻ bề ngoài yên bình và những thầy cô giáo đáng kính. Với cách kể chuyện thông minh và cách cắt dựng các cảnh phim mạch lạc, 13 Reasons Why tiết lộ về những mối quan hệ tưởng chừng như bình thường của những cô cậu học trò.

So với những bộ phim bạo lực học đường khác, 13 Reasons Why không khai thác khía cạnh bạo lực thể xác. Bộ phim đi sâu vào ảnh hưởng từ những lời nói và hành động miệt thị tới tâm lý vị thành niên. Đặc biệt, bộ phim mang tới một góc nhìn khác, không chỉ của nạn nhân mà còn của những kẻ bắt nạt. Những đứa trẻ này cho rằng hành vi của chúng là điều hiển nhiên: “Chúng tôi chưa bao giờ bắt nạt Hannah, cô ấy được đối xử như những học sinh bình thường khác. Tại sao cô ấy lại tự tử?” (trích câu thoại trong phim).