Những bi kịch từ tấm bìa hộ khẩu ở Trung Quốc

ANTĐ - Các luật lệ xung quanh việc đăng ký hộ khẩu ở Trung Quốc đã được nới lỏng trong ba thập kỷ qua, nhưng vẫn gây cản trở cho hàng triệu người nhập cư khi tiếp cận với các dịch vụ công cộng và chế độ an sinh xã hội. 

Hộ khẩu tại Trung Quốc áp dụng từ năm 1953 thật sự là một “ác mộng” của nhiều người thuộc thành phần nhập cư. Không hộ khẩu, đừng mơ xin cho con đi học, không thể sắm xe, không thể mua nhà. Chính sách kiểm soát cư trú theo mô hình hộ khẩu vô hình trung đã tạo ra hai tầng lớp - dân thành thị và dân miền quê tồn tại  theo mỗi con người suốt đời của dòng họ (bởi rằng dù sinh tại bất cứ đâu, em bé cũng phải theo hộ khẩu bố mẹ). Dẫn đến việc người dân di cư tới thành phố để mưu sinh, cho dù đã hàng chục năm mà không có hộ khẩu thì cũng không được hưởng những phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục…

Thực tế như Báo cáo tình trạng dân số thế giới  của Liên Hiệp Quốc cho biết, 18 triệu dân Trung Quốc đang đổ vào các thành phố lớn mỗi năm; đến năm 2030, theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), số dân thành thị Trung Quốc sẽ lên đến hơn 900 triệu người! Thế nhưng, OECD cho rằng chính sách trên làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, chưa kể vô số tiêu cực nảy sinh từ vấn đề hộ khẩu. Trước Tết Nguyên đán năm ngoái, dư luận Trung Quốc đã xôn xao trước bức ảnh ghi lại cảnh người cha, một lao động ngoại tỉnh ở một thành phố lớn của Trung Quốc đã xích chân con trai mình vào gốc cây để giữ con trong thời gian ông đi kiếm sống vì không có tiền để gửi con vào các trường mẫu giáo tư thục và cũng không thể cho con theo học các trường công lập vì không có hộ khẩu. Sau sự kiện này, có một cuộc vận động từ thiện lớn để quyên góp giúp đỡ đứa trẻ nhưng rõ ràng, từ thiện không thể giải quyết tận gốc vấn đề. 

Ngày 6-12-2013, tại Trung Quốc diễn ra vụ kiện được giới quan sát đánh giá là gây tác động lớn đến hàng triệu “trẻ em không hộ khẩu” nước này. Một nữ công nhân họ Lưu tìm đủ mọi cách để đăng ký hộ khẩu cho con nhưng bị cơ quan chức năng khước từ vì bà không có khả năng đóng tiền phạt (tính ra khoảng 1,1 tỷ đồng VN) vi phạm chính sách một con. Không có hộ khẩu, đứa trẻ không được đi học, không được hưởng phúc lợi y tế. Việc bà Lưu kiện chính quyền Bắc Kinh trở thành một vụ án điển hình cho việc người dân đòi quyền được thừa nhận. “Nếu không có hộ khẩu, bạn không thể đi học, không thể gia nhập quân đội, tham gia các kỳ thi, thậm chí kết hôn hay mở tài khoản tại ngân hàng. Bạn sẽ giống như một con chó con, mèo con nuôi trong nhà”, Huang Yizhi, luật sư của bà Liu nói trước tòa.

Trước đó, tháng 6-2013, một nữ sinh Thái Diễn Quỳnh uống thuốc trừ sâu tự tử khi không được thi trung học vì không có hộ khẩu. Trước phản ứng kịch liệt của dư luận, chính quyền đồng ý cấp hộ khẩu cho em này, nhưng những di chứng của thuốc trừ sâu gây ra đối với cô bé 16 tuổi không thể nào bù đắp được.

Ngay tại những nơi đã mở rộng hơn quy định để cấp hộ khẩu như Thâm Quyến và Quảng Châu cũng có những bi kịch về hộ khẩu. Ông Đường Kiến Ba, 31 tuổi, làm việc trong một nhà máy điện tử ở Thâm Quyến gần 10 năm nay, nhưng không có hộ khẩu. Với rất nhiều công nhân nhà máy không có tiền hoặc có bằng cấp cao, có một cách để gia tăng cơ hội sở hữu hộ khẩu là hiến máu hoặc hiến thời gian thông qua các dịch vụ cộng đồng. Báo chí địa phương cho hay, mùa hè năm nay, ông Đường đã hiến máu gần 10 lần nhưng lại không thành công ngay ở ngưỡng đệ đơn xin cấp hộ khẩu. Ông mới chỉ tích luỹ được 98 điểm trong khi 130 điểm là mức tối thiểu để đủ tư cách nộp đơn!

Trên tờ Global Times (Hoàn Cầu) cũng đã có bài viết cho biết có người phải chi đến 720.000 tệ (khoảng 118.000 USD) để “chạy” hộ khẩu. Thành phố Bắc Kinh, nơi vẫn tiếp tục “siết” hộ khẩu bằng… “hạn ngạch”: trong khi sẽ có 229.000 sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học tại Bắc Kinh năm nay thì “quota” hộ khẩu của thành phố Bắc Kinh chỉ có 10.000; và tình hình sẽ càng éo le hơn đối với một cậu cử nhiều hơn 24 tuổi (tuổi hạn chế để được xét hộ khẩu đối với nghiên cứu sinh là 27 và tiến sĩ là 35).

Vấn đề hộ khẩu ở Trung Quốc dường như rất nan giải. Người ta muốn có một tấm hộ khẩu bằng mọi cách và kể cả những cách loạn luân nhất: kết hôn với con ruột. Tòa án ở tỉnh Thành Đô, Tứ Xuyên mới đây đã hủy cuộc hôn nhân giữa người phụ nữ 30 tuổi Lin Li đã có hộ khẩu ở Thành Đô và cha đẻ của cô sau khi biết được họ kết hôn hợp pháp để có thể có hộ khẩu và nhận được các chế độ chăm sóc an sinh xã hội ở thành phố này. 

Dù hệ thống hộ khẩu được thay đổi theo kiểu nào đi nữa, rõ ràng việc giải quyết những bất công bằng xã hội giữa thành thị và nông thôn sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính phủ Trung Quốc trong thập kỷ tới.