Nhức nhối chuyện bản quyền điện ảnh (2): Ngày “được vạ” còn xa

ANTĐ - Tiếp nối câu chuyện bản quyền phim, viễn cảnh các nghệ sĩ Việt Nam một ngày nào đó sẽ giống như các nghệ sĩ Hollywood - chỉ cần một vai diễn để đời, mấy chục năm không đóng phim vẫn sống được nhờ nghề vì thỉnh thoảng điện thoại lại báo nhận được một khoản tiền tác quyền từ việc chiếu phim hay in đĩa…  xem ra còn rất xa vời.

Có còn hơn không!

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh tâm sự, ông vẫn thấy nhiều bộ phim truyện nhựa mà mình làm được phát hành ở cả trong lẫn ngoài nước, rồi chiếu cả trên tivi, nhưng dĩ nhiên là chẳng ai thông báo cho ông về điều ấy cả. Ông cũng chẳng bao giờ có ý định hỏi đơn vị phát hành xem mình có được gì từ việc phim được chiếu khắp nơi không, một phần vì ngại, một phần vì ông biết chắc có hỏi cũng chỉ mất thì giờ. 

Nhức nhối chuyện bản quyền điện ảnh (2): Ngày “được vạ” còn xa ảnh 1

“Những đứa con của làng” - một  phim do Nhà nước đặt hàng cũng bị in lậu ngoài thị trường

Suốt mấy chục năm lăn lộn làm phim, vị đạo diễn tài ba của điện ảnh Việt nói rằng ông đã quá quen với cảnh phim làm xong, nhà sản xuất trả thù lao cho đạo diễn coi như xong việc, còn sau đó phim chiếu ở đâu, phát hành thế nào là chuyện và quyền của họ. Chính vì thế ông cũng như nhiều nghệ sĩ khác đều rất mong mỏi sự ra đời của Trung tâm Bản quyền Điện ảnh. Hỏi đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, nếu Trung tâm Bản quyền Điện ảnh được thành lập, ông có sẵn lòng tham gia không? Vị đạo diễn gạo cội hào hứng: “rất hoan nghênh” song cũng không giấu nổi băn khoăn: “không biết có ai dám đứng mũi chịu sào không”.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh thổ lộ, chuyện thu tiền tác quyền điện ảnh ở Việt Nam nếu được thực hiện cũng cần có thời gian và cách làm phù hợp mới có thể chuyên nghiệp được. Chứ nghĩ đến chuyện nghệ sĩ phải đi “rình” hay “tóm” những nơi vi phạm để thu tiền bản quyền thì e là rất khó. Bản thân ông từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền điện ảnh trên thế giới, cũng tìm hiểu nhiều về luật bản quyền nhưng cũng chỉ có thể đóng góp ý kiến để mọi người tham vấn trong việc xây dựng Trung tâm Bản quyền Điện ảnh. 

Vẫn còn nhiều vướng mắc…

Chuyện thành lập Trung tâm bản quyền Điện ảnh đã được Hội Điện ảnh Việt Nam tính đến cách đây nhiều năm. Được biết khi ấy, người đứng đầu một công ty phát hành phim cũng được “nhắm” vào vị trí điều hành Trung tâm. Tuy nhiên cho đến giờ ý tưởng này vẫn chưa thực hiện được. Lý do của sự chậm trễ theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ là do còn vướng mắc ở khâu thủ tục, từ vấn đề pháp chế, cơ chế thu rồi giá thu là bao nhiêu. 

Cũng theo nhà biên kịch này thì việc đòi tác quyền điện ảnh chắc chắn không dễ như thu tác quyền âm nhạc, chưa kể tiền tác quyền của một bộ phim còn phải chia năm xẻ bảy cho nhiều thành phần sáng tạo nên phim như: biên kịch, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng, quay phim… Lại thêm giữa nhà biên kịch với đạo diễn cũng hay mâu thuẫn kiểu “kịch bản của tôi thế này mà phim lại làm thành ra thế kia”, rồi tư liệu cũng dễ “trộm” của nhau vì quay đâu mà chẳng có những cảnh đấy… 

Dù vậy, cũng theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì trong Đại hội toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VIII sắp tới, việc thành lập Trung tâm bản quyền Điện ảnh sẽ được đem ra bàn luận một cách nghiêm túc vì “nhiều hội viên cũng bức xúc lắm rồi”. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nhấn mạnh nếu Trung tâm được thành lập thì chắc chắn việc in sang băng đĩa lậu cũng sẽ bị kiểm soát, bởi đây là một trong những vấn đề nhức nhối của phim ảnh Việt khiến các nhà sản xuất lao đao. Viễn cảnh các nghệ sĩ Việt một ngày nào đó sẽ giống như các nghệ sĩ Hollywood - chỉ cần một vai diễn để đời, mấy chục năm không đóng phim vẫn sống được nhờ nghề vì thỉnh thoảng điện thoại lại báo nhận được một khoản tiền tác quyền từ việc chiếu phim hay in đĩa… xem ra còn rất xa vời.

 Vì nói như nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì “mơ thế, thích thế nhưng chưa biết lúc nào mới có thể thực thi được”, bởi việc xây dựng Trung tâm Bản quyền Điện ảnh đến giờ vẫn mới chỉ là… ý tưởng.