Nhà văn Nguyễn Một:

Nhuận bút là để mua… vàng

ANTĐ - Tại buổi giao lưu giữa các đại biểu về dự Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 6 (2001) có một đại biểu to cao đen cháy tự giới thiệu: “Tôi là nhà văn được đặt tên đường dài nhất Việt Nam - đường 1. Tôi là Nguyễn Một!”. Mọi người cười ồ và bị hút vào giọng nói đậm chất Quảng Nam như có ma lực của Nguyễn Một. Và thế là chân MC vốn trước đó được giao cho một nhà thơ đã bị Nguyễn Một “cướp trắng”.

Nhà văn Nguyễn Một và vợ

Lấy vợ bằng “binh pháp”

Sau này khi đã thân nhau, tôi thấy dù trong bất cứ cuộc tụ họp lớn nhỏ nào, Nguyễn Một vẫn luôn luôn “cướp diễn đàn”. Không ai cảm thấy khó chịu trước việc ấy, trái lại còn thích thú.  

Mồ côi cha mẹ từ lúc là đứa bé lẫm chẫm, bị quăng vào đời đúng thời chiến tranh khốc liệt khiến Nguyễn Một cứng cáp, trưởng thành từ rất sớm. Có lẽ vì thế mà sau này, những khó khăn trở ngại trên đường đời đối với Nguyễn Một đều… “nhỏ như con thỏ”, khiến Nguyễn Một nghĩ ra cách để cười.

Tới thăm nhà Nguyễn Một tại Biên Hòa, vợ anh bảo: “Từ ngày yêu nhau tới giờ, hai người chưa bao giờ giận nhau, vì chưa kịp giận đã bị “ổng” chọc cho cười rồi.” 

Chuyện tình của đôi vợ chồng này cũng lắm li kì. Một ngày thầy giáo phụ trách đội - Nguyễn Một bắt gặp một cô gái có nước da trắng bóc đến trường đón em trai. Ngay ngày hôm sau, cậu học trò kia nhận chức Liên đội trưởng. Ngày ngày thầy Một đường hoàng tới nhà Liên đội trưởng để… bàn kế hoạch công tác Đội. Bàn xong thì xin phép được hầu cờ phụ huynh. Bố cô gái ban đầu quí mến thầy giáo, sau thì chuyển sang thương vì: “Lần nào đánh cờ hắn cũng thua”. Nhờ vận dụng triệt để binh pháp “nội công ngoại kích”, một khi em đã kính, bố đã thương thì đương nhiên “địch” phải yêu. Khi “chiến dịch” vào hồi kết, ông bố ngạc nhiên thốt lên: “Ủa, sao bây giờ mầy đánh cờ hay quá vậy con?!”.

Chuẩn bị cưới, Nguyễn Một chăm chút nuôi được một đàn gà  to uỵch. Rủi thay, kẻ trộm đột nhập khu tập thể giáo viên dinh gọn cả chuồng. Thiệp mời đã phát mà gà thì mất. Cô dâu khóc sướt mướt nhưng chú rể thì vẫn cười rổn rảng: “Em yên tâm, người này lấy thì người khác cho”. Tưởng đùa, hóa linh ứng. Sát ngày cưới một tờ báo ở thành phố Hồ Chí Minh thông báo truyện ngắn dự thi của anh đoạt giải Ba, đủ tiền làm cỗ.

Vợ chồng mới cưới nghèo xơ xác. Sau giờ dạy, thầy giáo Nguyễn Một cởi phăng sơ mi trắng, đóng bộ đồ cũ tã ra chợ bê một ôm hoa lớn về cho vợ bán, còn mình thì chất một thùng kem, đạp xe đi bán. 

Cuộc sống gian nan thế, nhưng chưa một phút thầy giáo Nguyễn Một nguôi quên văn chương. Viết đều, in đều. Thống nhất với vợ: “Nhuận bút văn học chỉ để… mua vàng!”, sau khi in tập truyện ngắn Vũ điệu trên đỉnh KungPô, Nguyễn Một chở vợ ra phố mua dây chuyền. Nhưng trên đường về, tên cướp đã theo dõi từ trước vọt xe lên giật phăng khoản “nhuận bút” 2 chỉ còn chưa ấm hơi chủ. Vợ đằng sau kêu thét chỉ tay hô hoán đuổi theo. Nhưng chồng thì… cười, lại giơ tay “good bye” thằng cướp. Vợ khóc. Chồng lại bảo “Yên tâm, thằng này lấy sẽ có người khác cho”. Lại linh ứng. Truyện ngắn Trước mặt là dòng sông của Nguyễn Một được trao giải thưởng báo Văn nghệ, lập tức được dựng thành phim, nhuận bút rủng rẻng, Nguyễn Một chở vợ đi phố mua hẳn “quả” dây chuyền 4 chỉ.

Làm giám đốc để… viết văn

Năm 2007, tôi được biên tập một bút kí văn học rất ấn tượng của Nguyễn Một gửi cho Văn nghệ Quân đội với cái tít Lang thang xứ Quảng. Và chính cái bút kí này đã “bẻ ngoặt” cuộc đời Nguyễn Một sang một hướng khác.

Số là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ô tô Trường Hải người đất Quảng, đọc được cái bút kí này thì “sướng” quá liền tìm gặp tác giả, khen viết thế là đúng chất Quảng rồi đó. Người Quảng ăn mì Quảng mỗi miếng phải cắn một quả ớt chỉ thiên để hưởng cái vị cay xè đột ngột hả hê! Đã! Rồi lại khen lột tả chân xác tính cách những nhân vật chất Quảng ngang tàng phóng túng nhân hậu, trong khó khăn luôn dùng ý chí vươn lên…

Sau một hồi trò chuyện văn chương tâm đầu ý hợp, Trần Bá Dương đột ngột bảo: “Này, hay là ông về Trường Hải làm việc với tôi?”. Nguyễn Một cười vang: “Về đó thì tôi làm gì?” “Tôi sẽ cho ông làm… giám đốc!”.

Khi nghe tin Nguyễn Một sang làm Giám đốc truyền thông của Trường Hải ô tô, bạn bè ngoài Hà Nội chép miệng, thế là… xong. Đã đi làm doanh nghiệp thì viết văn thế nào được nữa.

Nhưng thật bất ngờ, chỉ sau hai năm làm giám đốc, Nguyễn Một tung ra tiểu thuyết Đất trời vần vũ và đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn 2010. Năm 2012 này Nguyễn Một lại ra tiếp tiểu thuyết Ngược mặt trời đang được dư luận chú ý.

Hỏi, công việc của anh ở Trường Hải ô tô là gì? Nguyễn Một cười rổn rảng: “Là mỗi ngày đến cơ quan… ngồi viết văn!”.

Nghe nói thế mọi người cười ngất. Biết Nguyễn Một nói đùa, nhưng cũng có phần đúng. Ông Trần Bá Dương mời Nguyễn Một về làm việc không phải vì thiếu người làm truyền thông. Nhưng vì ông quý cái tình của một nhà văn với quê hương nên muốn tạo điều kiện cho Nguyễn Một viết thôi. Chả thế mà ông tình nguyện làm độc giả ruột, là nhà phê bình nghiêm khắc tất cả tác phẩm của Nguyễn Một khi còn ở dạng bản thảo. 

Sau hai tiểu thuyết, Nguyễn Một dường như ngại ngùng với sự biệt đãi nên “xung phong” làm tiếp thị. Nhưng nhà văn thì chỉ quen giới văn chương báo chí, nên bán cái xe nào Nguyễn Một cũng xin… giảm giá 1% vì “nhà văn nhà báo họ nghèo”. Ông Trần Bá Dương đã phải kêu trời: “Ông Một ơi, ông cứ ngồi viết văn cho tôi nhờ. Ông mà làm tiếp thị chắc Trường Hải ô tô sập tiệm!”.