Như một lời tri ân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ấn bản thơ kỷ niệm 10 năm thành lập Thi đàn Hương nắng 2011-2021 ra đời những ngày thu 2021 như một lời tri ân của 33 tác giả với 147 bài thơ với đất nước, quê hương, với đồng đội và cuộc sống.
Tác giả Trọng Nghĩa

Tác giả Trọng Nghĩa

Với chúng tôi, đây là lần thứ 3 có niềm vui khi viết giới thiệu về 3 tập sách của Thi đàn xuất bản trong 3 năm qua, bài giới thiệu hai tập Hương nắng 4, Hương nắng 5 đã được in trên Báo An ninh Thủ đô, góp phần lan tỏa hoạt động của Thi đàn trong lực lượng Công an Thủ đô và trong đông đảo bạn đọc.

Cảm nhận chung của chúng tôi về 3 thi phẩm, đó là một mạch ngầm xuyên suốt, không ngừng nghỉ về tình yêu quê hương, đất nước, sự tri ân đối với đồng chí đồng đội, những hồi ức đẹp về thanh xuân, về tình yêu đôi lứa và cả những chiêm nghiệm về cuộc sống, về hiện tại và tương lai…

Và rất vui mừng khi cũng vẫn những tác giả ấy, nhưng mỗi tập sách sau lại xuất hiện nhiều hơn những bài viết hay, những câu thơ lấp lánh vẻ đẹp, những xúc cảm chân thật, điều đó cho thấy các tác giả không ngừng có sự học tập, trau dồi kinh nghiệm sáng tác, phương pháp sáng tác, tìm tòi, sáng tạo để tự đổi mới mình.

Đất nước, quê hương qua những nẻo đường

Những tác giả trong tập sách đã từng là những cán bộ chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, mỗi người một lĩnh vực, một vị trí công tác, nhưng cũng như bao con dân nước Việt, tất cả đều chung dòng máu Lạc-Hồng, yêu quê hương, đất nước.

Khi tác giả Nguyễn Mạnh Dưỡng rưng rưng trước “Mộc bản” ở chùa Vĩnh Nghiêm, ông thấy lịch sử đất nước ùa về như lớp lớp sóng sau sóng trước:

“Mồ hôi thơm mộc bản

Hồn dậy sóng trùng khơi

Vời vợi xa thức dậy

Cỏ hoa chen rối bời

Ngân vang lời biên ải

Vĩnh Nghiêm mùa nắng phơi”

(Mộc bản - Nguyễn Mạnh Dưỡng)

Trần Kim Anh qua “Bộ đội biên phòng cha và con” như lời nhắn nhủ thế hệ:

“Con hãy nâng màu phù sa lên ngang trái tim

Nghe nhịp trống đồng từ Cổng trời vọng lại

Sẽ thấy máu ông cha bao đời rỉ mãi

Thấm rừng cây ngọn cỏ trầm hùng”.

Cùng chung niềm xúc cảm thiêng liêng ấy, Trang Nam Anh dặn mình nhưng cũng là dặn bao người:

“Thành quả hôm nay chúng ta có được

Đánh đổi máu xương hàng triệu con người”

Hàng triệu con người đã đổ máu xương cho Tổ quốc hôm nay được khắc họa cụ thể qua hình ảnh 64 chiến sĩ bảo vệ Hoàng Sa làm nên “vòng tròn bất tử” trong “Tiếng sóng Hoàng Sa” của Trần Khánh Toàn”

“Gió Hoàng Sa thổi sao da diết

Những đảo xanh lưu dấu cha ông”

Qua bài thơ rưng rưng xúc cảm về người chị liệt sĩ trong “Chị tôi” của Nguyễn Thị Kim Dung:

“Lỡ hẹn tình yêu dang dở chị ơi

Nhận sự hy sinh cho đời hửng nắng”

Và lời thơ day dứt đến hoang hoải của Phan Đình Giám qua “Anh lỡ đò”:

“Báo tử đã thành khói rời khỏi tàn tro

Anh đang lần theo màn hương quay lại

Tìm em dọc dài khôn dại

Ấu thơ ơi em thơm lựng ở nơi nào”

Tri ân những người đã ngã xuống, các tác giả - những sĩ quan cao cấp bây giờ - những người lính năm xưa bồi hồi nhớ những kỷ niệm về đồng đội, nhớ những ngày gian nan đánh án, nhớ những phiên tuần tra với đêm sương ngày nắng.

Thi đàn Hương nắng thăm nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (19-3-2021)

Thi đàn Hương nắng thăm nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (19-3-2021)

Tác giả Đào Đức Ninh với “Bên Hồ Gươm” thức dậy kỷ niệm:

“Những chiến sĩ công an thầm lặng

Đã bao đêm thức trắng bên hồ

Giữ cho phong cảnh mãi thơ

Bình yên soi bóng Tháp Rùa lung linh”

Và tác giả Vũ Nhàn trong “Hoa phố” đã khắc họa hình ảnh những nữ Cảnh sát giao thông thật đẹp:

“Em chiến sĩ cảnh sát

Giữ trật tự giao thông

Em bông hoa trong phố

Yêu lắm em biết không”

Còn tác giả Trần Khánh Toàn đồng cảm với công việc của những chiến sĩ Cảnh sát trại giam:

“Như những dòng sông không hề vơi cạn

Đem yêu thương để cảm hóa con người”

Tình yêu quê hương đất nước ở đây cũng đã được các tác giả cảm nhận một cách tinh tế, phong phú, màu sắc sống động khiến người đọc hình dung cụ thể về bức tranh đất nước, qua “Hòn trống mái” của Nguyễn Việt Cường, qua “Đảo ngọc” của Nguyễn Trung Du. “Trảy hội tịch điền” của Chử Thu Hằng và thao thiết với “Sóng Nhật Lệ” của Lê Xuân Khang”:

“Bình minh đang lên, biển khơi bừng sáng

Quảng Bình ơi, Nhật Lệ ta ơi

Biển cùng ta gắn bó muôn đời”

Và thật thú vị, trong 3 bài thơ cùng viết về Hà Giang - nơi địa đầu Tổ quốc thì mỗi bài mỗi vẻ, say lòng người.

Nếu Hà Thị Châm phóng khoáng:

“Nhấp nhô

Rừng núi điệp trùng

Cheo leo đả sắc

Cánh cung lượn vòng”

Vũ Thúy Hoan mềm mại, gọi mời:

“Quanh co núi cứ gọi mời

Cho mây trắng tỏa, cho trời xanh trong”

Thì Vũ Tiến Minh vẽ Hà Giang như một bức tranh thủy mặc:

“Đá cao nguyên mọc như chông

Pì Lèng thăm thẳm, dòng sông trắng trời”.

Mãi mãi thanh xuân trong dòng chảy thời gian

Tsecnưsepxki - Nhà phê bình, lý luận văn học Nga - Xô Viết đã viết: “Bản chất cuộc sống là cái đẹp”.

Trong phần nhiều bài viết trong thi phẩm, dẫu viết về cảnh đẹp thiên nhiên, về một ánh sao rơi, về một tiếng chim gù, hay về những mối tình đẹp, tình dang dở thì đều thấy ở đó một vẻ đẹp. Có cái đẹp lấp lánh, thanh khiết, có cái đẹp buồn trong chiều sâu chiêm nghiệm.

Thi đàn Hương nắng thăm nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (19-3-2021)

Thi đàn Hương nắng thăm nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (19-3-2021)

Thật buồn, nhưng là cái buồn tĩnh lặng, cái buồn không làm người ta gục ngã, bi lụy mà làm người ta lớn hơn, vị tha, siêu thoát khi Đinh Xuân Bình ngẫm ngợi:

“Mùa đông này thêm lạnh bởi vắng anh

Em chơi vơi giữa dòng đời trong đục

Thôi đành vậy em nương nhờ cửa Phật

Cầu mong người siêu thoát nỗi cô đơn”

Và cũng thật buồn, nhưng thật đẹp khi Tuyết Lan với một “Giấc mơ trưa” đã gói trong đó bao suy tư của một đời hồng nhan: “Có nắng sáng sớm, có mưa cuối chiều/ Để hồn phủ kín màu yêu/ Để ta sống với bao nhiêu ân tình/ Không tỉnh giấc lúc bình minh/ Không mơ mộng cái trung trinh thuở nào/ Không thật không ảo nơi nao/ Chỉ là giấc ngủ lẫn vào sắc mây”.

Tác giả có ngủ đâu, cũng như Thanh Vân đã không ngủ khi “Chờ”:

“Đôi nơi

Cách trở

Hai mình

Mà niềm tin cứ rập rình thương đau

Anh về

Em nối nhịp cầu

Cho cây xanh lá

Cho nhàu nhĩ đêm”

Và, nếu Võ Thanh Vang trở lại “Bến sông xưa” có nhiều tâm trạng, vơi chút tiếc nuối:

“Sông xưa bến cũ hẹn hò

Hình như em đã hững hờ bỏ quên”

Thì Nguyễn Quang mở lòng đón đợi:

“Vén mây gieo nắng vàng

Cho hoa đời tươi mát

Anh bên em khao khát

Khúc hát tình tháng tư”.

Còn nhiều những câu thơ đẹp về tình yêu, tình người trong các sáng tác của Nghiêm Mạnh Thắng, Trần Thị Ngọc Viên, Hồng Vi, Nguyễn Xuân Phương…

Quá nửa đời người khi bước chân người lính đã trải qua dặm dài đất nước, đã thu vào tầm mắt, tầm suy nghĩ về bao cảnh đời, cảnh người giờ đã là lúc những người lính già ấy có thời gian để chiêm nghiệm.

Nếu Nguyễn Thị Kim Dung suy nghĩ, trong chiều sâu tâm tưởng: “Ta tìm tâm tưởng trong ta” thì Lê Thị Ngọc Bích khi “Hỏi trăng”:

“Với trăng vàng óng sân nhà

Ánh thầm gõ cửa hỏi ta điều gì

Ta mơ chẳng thiếu điều chi

Hỏi trăng liệu có thầm thì nữa không?”

Là tự hỏi mình đấy, câu hỏi để hướng tới những điều tốt đẹp hơn ở phía trước.

Biết trân trọng vẻ đẹp cuộc sống, những người lính già ấy cũng biết cái gì là đủ để nâng niu, giữ gìn như tâm sự của Trọng Nghĩa:

“Cuối đời rồi khan hiếm giấc mơ

Thì hãy sống những gì mình đang có

Thì hãy vui mỗi ngày hoa nở

Đi trọn đời những tháng ba yêu”.

*

* *

Một điều đặc biệt được nhiều người quan tâm, đánh giá cao, đó là chất lượng tác phẩm. Hầu hết các bài thơ được các tác giả viết trong tâm thế của cảm xúc, có sự tìm tòi tìm ý tứ, câu chữ cho bài thơ. Những bài thơ theo thể lục bát tưởng như dễ viết, nhưng nếu không khéo sẽ dễ rơi vào những bài vè, khiên cưỡng, gò ép vần điệu. Ở tập thơ này không có bài nào như vậy.

Người đọc thật thú vị khi được đọc một cuốn sách đa giọng điệu, trong đó có những cây bút “cứng” đã hình thành một phong cách riêng như Khang Sao Sáng, Lôi Vũ, Trần Khánh Toàn, Nguyễn Mạnh Dưỡng, Trang Nam Anh…

Người đọc vừa thả hồn vào những bài lục bát mang đậm phong vị ca dao của Phan Đình Giám, Hà Thị Châm, Phạm Hồng Đức, Nguyễn Trung Du, Khang Sao Sáng… lại được thưởng thức những bài lục bát mang hơi thở của sự cách tân của Chử Thu Hằng, Trần Khánh Toàn, Lôi Vũ…

Người đọc thú vị với những bài thơ theo thể tự do tung tẩy, phóng khoáng của Trần Kim Anh, Trọng Nghĩa, Nguyễn Mạnh Dưỡng… thì cũng tấm tắc với những bài thơ theo thể Đường luật chặt chẽ niêm luật, giàu hình ảnh của Chương Phú, Nguyễn Việt Cường…

Trong các bài thơ hay, người đọc bất ngờ được thưởng thức những câu thơ hay như “Tình yêu ma quỷ vo tròn/Thả vào trái tim vệ nữ” của Trần Kim Anh; “Vời vợi vầng trăng khuyết/Lở bồi chìm đáy sông” của Nguyễn Mạnh Dưỡng; “Em xoa mềm đêm gặm nhấm trong anh” của Phan Đình Giám; “Anh chở nắng qua bao mùa rẫy/Đốt rét mùa đông cho má em hồng” của Nguyễn Quang Hòa; “Lòng hoang vắng tràn về trong đêm tối” của Lê Xuân Khang; “Đã qua cái tuổi hồng hoang/Thời gian đã nhuộm màu sang tím chiều” của Tuyết Lan; “Em đi áo thắm bỏ bùa giêng hai” của Khang Sao Sáng; “Đa đoan lắm để nhìn đâu cũng tình” của Nghiêm Mạnh Thắng; “Non thiêng mây cuộn phiêu bồng/Cỏ hoa như đã nhập đồng lên cây” của Trần Khánh Toàn; “Liễu xanh thả lá lơ thơ/Hàng mi em dệt ước mơ cuộc đời” của Võ Thanh Vang; “Đôi chim câu gù mùa tự do ấp úng/Xòe cánh mềm trên nóc súng thần công” của Lôi Vũ…

*

* *

Một tập thơ của 33 tác giả với 147 bài thơ với nhiều phong cách, nhiều giọng điệu nhưng trong tầm cảm nhận hạn hẹp của chúng tôi, có thể có những bài hay, những câu thơ hay mà chúng tôi chưa nhìn thấy, chúng tôi thành thật xin lỗi và xin được các tác giả chỉ giáo.

Và trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể trích dẫn hết tất cả các tác giả. Xin các tác giả thứ lỗi và ghi nhận ở chúng tôi lời cảm ơn chân thành, niềm trân quý sâu sắc.

Và chúng tôi xin mượn câu thơ của nhà thơ Trần Kim Anh để kết thúc bài viết như một lời chào:

“Mến yêu ơi

Dịu nhẹ

Dâng đầy”.

T.N