Nhân 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1-4-2001/1-4-2021):

Nhớ Trịnh Công Sơn, nhớ lối xưa “Một cõi đi về”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sống đơn sơ, mộc mạc nhưng nặng lòng yêu! Nhạc khúc của anh trọn hơi thở cho sức sống, là chiếc cầu nối kết để nhân giới hướng đến nhân giới trong tình quê, tình đời...

Vinh danh tình yêu đến từng nhành cỏ khóm cây

Những bài viết về Trịnh Công Sơn kể từ khi anh vĩnh biệt cõi đời, nhận định tuy có khác nhau nhưng không ngoài một tâm tình sẻ chia cảm mến, trân trọng anh - người nhạc sĩ bền bỉ dẻo dai đã thắng vượt chính mình hòa vào dòng chảy, đem phù sa giai điệu để được buồn vui năm tháng cùng dòng sông đất mẹ. Hôm nay nghe giai điệu, hay hát lên một ca khúc Trịnh Công Sơn mà thấy lòng xao xuyến từ cái hồn nhiên trong gió thổi, tự nhiên như nước chảy ta nghe văng vẳng đâu đây như còn một bài ca anh đang viết dở... mà sử nhạc Việt Nam thì đã ghi nhận cái phần nhỏ nhoi mà anh đóng góp.

Nhà thơ Nguyễn Duy đã nói: “...Anh Sơn lớn quá, báo chí có đặt tôi viết bài về anh nhưng tôi thấy thật khó...”. Đó cũng là một cảm nhận, một cách nhìn! Riêng tôi, tôi thấy anh rộng quá, hình hài bên ngoài đôi vai gầy cho một vóc dáng mảnh khảnh là một tâm hồn “phiêu lãng”, tấm lòng rộng mở... Trịnh Công Sơn đam mê cách sống “lang thang nhặt nhạnh” để thẩm thấu cho đời mình trong từng nỗi đau của rêu phong sỏi đá, hay trên con suối cạn nguồn và cũng từ đó làm vinh danh tình yêu đến từng nhành cỏ khóm cây đã tiềm ẩn nguồn cội! “Rêu mòn lối xưa” cho một chốn đi về giữa bến biển đời người, soi từng con sóng bạc ta nhận diện ra được chính mình.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát tại quán Nhạc Sĩ, số 7 Nguyễn Văn Chiêm, quận 1, Sài Gòn năm 1997 Ảnh: Dương Minh Long

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát tại quán Nhạc Sĩ, số 7 Nguyễn Văn Chiêm, quận 1, Sài Gòn năm 1997 Ảnh: Dương Minh Long

Anh nằm đó trong lòng xứ sở với bốn mùa hanh lành nắng ngọt! Còn mãi giai điệu Trịnh Công Sơn xanh Bắc, xanh Nam, xanh đến những đêm hè bên bờ sông Hương núi Ngự. Bạn bè lúc này đang hát cùng anh, đồng nghiệp hôm nay nhớ anh, dệt thêm nhiều giai điệu mới trọn tiếng quê hương đậm tình đời trong vòng tay nối kết với bạn bè năm châu...

Trịnh Công Sơn suốt một đời thao thức kiếm tìm trong từng ca từ, giai điệu đó cũng là căn nguyên để chúng ta dễ gần với âm nhạc của anh, biết về anh cuộc đời và sự nghiệp. Đầu thập kỷ 60 được biết đến nhạc Trịnh Công Sơn qua nhạc phẩm “Ướt mi” do ca sĩ Giao Linh trình bày rồi đến “Chiều chủ nhật buồn” với tiếng hát Lệ Thu, những nhạc phẩm đầu tay của anh được thể hiện thành công đã mau chóng thu hút được sự ưu ái mến mộ của thính giả...

Rồi tiếp đến, “Một người viết cho một người hát, một người hát cho nhiều người nghe” cặp Trịnh Công Sơn - Khánh Ly đã tạo nên một hiện tượng âm nhạc Sài Gòn, những tình khúc Khánh Ly - Trịnh Công Sơn cũng ra đời vào dịp đó... “Quán Văn” Sài Gòn những năm cuối thập kỷ 60 nơi hội tụ của tri thức, văn nghệ sĩ, sinh viên… Rồi những ngày cả Sài Gòn xuống đường cùng các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phạm Thế Mỹ, Trương Quốc Khánh, Tôn Thất Lập... Âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng đã hòa trong nhịp bước “Dậy mà đi; Tôi hát cho đồng bào tôi nghe”. Ngày giải phóng Sài Gòn, Trịnh Công Sơn nắm tay bạn bè hát vang bài ca “Nối vòng tay lớn” trong hoan ca mừng vui của cả dân tộc.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Sài Gòn năm 1995)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Sài Gòn năm 1995)

Đạo làm người mới là hơn cả

Đầu thập kỷ 80 theo lời mời của Hội Hữu nghị Nhà văn hóa Việt - Pháp tại Paris mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua Pháp nhiều người Việt hải ngoại đến gặp anh, bày tỏ muốn anh ở lại Pháp hoặc đi định cư tại một nước nào đó. Anh đã trả lời: “...Quê hương, nơi đã sinh ra tôi, gắn bó tôi qua những tháng ngày thăng trầm bĩ cực, quê hương còn là nguồn mạch sâu thẳm phong phú làm đề tài gợi cảm cho người nghệ sĩ sáng tác. Bỏ quê hương là vong thân, không trở về quê hương khác nào mình đã chết...”. Đây là cốt lõi để nghệ sĩ Trịnh Công Sơn nặng tình quê! Yêu cuộc đời trong bác ái chia sẻ. Anh đã viết lên con số kỷ lục hơn 600 giai điệu ca khúc, có nhận định cho rằng nhạc của anh đều đều, giống nhau. Nhưng nghe kỹ trong sâu lắng! Ca từ, ngữ nhạc vẫn hình thành một phong cách rất riêng, tính đồng dao dân dã phảng phất như ru ca của mẹ, nó thể hiện bản chất con người thực anh đã sống.

Và tôi tâm đắc ý niệm của anh thường nói về cuộc sống! Anh bảo tôi: “... Đạo làm người mới là điều cần thiết hơn cả, sống chẳng thương yêu đùm bọc nhau, lại còn tồi tệ với nhau thì nói gì ngưỡng vọng tới chôn cao xanh xa vời...”. Anh đã nói và làm nhạc như điều anh nói để tâm hồn bình an thanh thản trong “Một cõi đi về”!