Nhớ mãi...
(ANTĐ) - 1. Anh là người tôi mới quen, cùng nghề, sinh tại Hà Nội nhưng dạy học mãi trong Tam Điệp - Ninh Bình. Gặp nhau ở một cuộc họp, thấy tôi có cuốn “Danh nhân Hà Nội”, anh xuýt xoa, tha thiết hỏi mượn, hẹn sau một tháng, được nghỉ về thăm cha mẹ, anh sẽ mang trả sách tận nhà. Biết anh dạy môn văn, nể quá, tôi đã cho mượn và nói địa chỉ nhà riêng.
Chợ Đồng Xuân cũ - (ảnh Ashui.com) |
Một tháng, rồi hai tháng trôi qua... vắng tin. Nghĩ bụng: “Coi như tặng anh. Sách quý và hiếm ai chẳng thích. Tìm mua cuốn khác vậy”. Tận đến tháng 9, dịp khai trường, một cháu gái lạ mặt tìm đến nhà tôi, gặp tôi và thưa:
- Trước ngày mất ít hôm, bố cháu dặn cháu thế nào cũng phải mang trả bác quyển sách này tận nhà....
Thì ra... sau cuộc họp, về trường được mấy hôm, anh ngã bệnh nặng, ít tuần sau thì qua đời. Cháu gái nghẹn ngào:
- Sau đấy, cháu bận học để ôn thi vào đại học, nên mãi tới hôm nay về tựu trường cháu mới đến nhà bác được. Bác tha lỗi cho cháu...
Lòng bùi ngùi, tôi đã ghi tặng cháu quyển sách ấy làm kỷ niệm. Chuyện này diễn ra cách đây đã hơn 20 năm, tôi không thể nào quên. Hằng năm, cứ đến mùa khai trường, tôi lại nhớ tới anh và cô con gái hiếu đễ của anh.
2. Chuyện ông Gù bán thịt chó luộc ở phía trong, ngay sát cổng chợ Hôm - Đức Viên, phố Trần Xuân Soạn. Các năm từ 1965 đến sau năm 1970, tôi hay vào chợ Hôm ăn trưa ở quầy thịt chó ông Gù. Ông bị gù nặng, lúc nào cũng gập mặt xuống cái thớt và con dao. Hàng ông rất sạch. Thớt luôn khô, khăn lau tay, lau thớt riêng lúc nào cũng khô ráo. Hồi đầu ông chỉ ngồi ghé ven lối đi, một bàn con cao, một cái ghế đẩu cao, khách phải mua mang về.
Sau, vì phải đi sơ tán, máy bay Mỹ đã đánh phá Hà Nội từ 1967, gian chợ sát cổng bớt người bán hàng ăn, rộng chỗ, ông mới kê cái chõng nhỏ bày hàng ăn, khách ăn tại chỗ. Miếng thịt ông thái bày vào đĩa to, đĩa nhỏ nom thật là ngon và đẹp mắt. Tôi hay ăn dồi, vì có ít tiền. Đĩa dồi nho nhỏ, xếp tròn tròn, trên có vài miếng gan, miếng cật be bé. Rượu ngang ngon, ông duôn vào mớ chai nho nhỏ 100cc và một cút 250cc. Khách đi một mình, thì dùng chai bé. Như tôi, tôi chỉ uống nửa chai, còn lại, tôi rót vào chai nhỏ của tôi mang theo, về nhà uống nốt sau. ông lão nhìn tôi cười:
- Cậu uống thế là vừa. Còn phải làm việc.
Hôm nào thấy tôi gọi đĩa thịt thay đĩa dồi, thế nào ông cũng thái nới tay cho một hai miếng và nói:
- Thấy cậu gọi đĩa thịt mà tôi vui lây.
Khi ông lão mất, cô con dâu ra bán thay, khách quen không còn ai đến. Tôi cũng thế. Chỉ ít ngày sau, chõng thịt cho ông Gù chỉ còn lại cái tên và nỗi nhớ của khách hàng.
Tản văn của Phong Thu