"Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW": Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng tầm với kinh tế, xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Thực tiễn phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 15 năm qua là minh chứng đúng đắn và sinh động về sự tác động tích cực, to lớn, nhiều mặt của Nghị quyết 23/-NQ/TW đối với lĩnh vực "rất quan trọng và đặc biệt tinh tế". Đây là phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương Nguyễn Thế Kỷ tại hội thảo khoa học toàn quốc "Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về "tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ đổi mới".

Sáng ngày 19/12 tại Hà Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT thời kỳ mới”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình, VHNT Trung ương; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Hà Nam.

Thành tựu và những thực tế đáng lo ngại

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, những kết quả và bài học đạt được trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW là to lớn. Văn học nghệ thuật nước ta tiếp tục "nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân", "Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao", "Phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng đinh".

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, bên cạnh những thành tựu, 15 năm qua, đời sống văn học nghệ thuật cũng bộc lộ những hạn chế, bất cấp ở các khía cạnh khác nhau. Trong đó có mặt đáng lo ngại.

Sau khi lắng nghe một số bài tham luận tại Hội thảo, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhìn lại chặng đường 15 năm qua với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, lĩnh vực văn học nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các lĩnh vực văn học nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khơi dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng thẳng thắn nhìn nhận so với mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết, nền văn học nghệ thuật Việt Nam đến nay đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong bối cảnh tình hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật.

"Trong thời gian tới, tôi đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp nghiêm túc tổ chức tổng kết Nghị quyết nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Văn học nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển, đồng thời là sức mạnh nội sinh của công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc", Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Mặt trái của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng đến đời sống VHNT

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương chỉ ra mặt trái kinh tế thị trường ảnh hưởng đến đời sống VHNT. Đó là việc quá đề cao tính kinh tế, một bộ phận văn nghệ sĩ bất chấp tất cả, chấp nhận cả sự thị phi, cấm kỵ, cố làm sao đạt được danh tiếng, tiêu thụ được sản phẩm VHNT.

"Họ quên mất rằng, ngay ở các nước phát triển, sản phẩm VHNT không chỉ là hàng hóa thuần túy mà còn là sản phẩm tinh thần, tác động đến đạo đức xã hội, giá trị tinh thần chung của cộng đồng. Cho nên không có tự do tuyệt đối trong sáng tác, muốn làm gì thì làm. Văn nghệ sĩ chỉ có thể tự do sáng tác nếu tôn trọng tự do của cá nhân, của cộng đồng. Ngoài ra, kinh tế thị trường tạo ra "quyền lực mềm" cho một số văn nghệ sĩ, khiến họ ảo tưởng bản thân mình trở thành KOLs (những người dẫn dắt dư luận), đã phát ngôn và hành động thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng thiếu lành mạnh đến môi trường văn hóa", ông Bộ nêu.

Cũng theo Thiếu tướng Đoàn Văn Bộ, thay vì đáp ứng nhu cầu chính đáng, lành mạnh của công chúng, nhiều tác phẩm VHNT đang sa đà đáp ứng vào nhu cầu, thị hiếu tầm thường, dung tục. Đặc biệt, nhiều sản phẩm VHNT còn có thể xếp vào loại xấu độc, tác động tiêu cực đến nhận thức, thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ.

Từ những phân tích trên, Thiếu tướng Bộ đã nêu ra một số giải pháp như tiếp tục quán triệt, thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về VHNT. Đồng thời, tăng cường tổng kết thực tiễn, hoàn thiện, bổ sung chủ trương, đường lối VHNT.

"Chúng ta hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến VHNT trên cơ sở đảm bảo các quyền con người trong văn hóa là quyền được thụ hưởng văn hóa, quyền được sáng tạo và thể hiện văn hóa, quyền được tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Trong đó, thực sự tôn trọng quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ gắn với trách nhiệm công dân, kỷ cương xã hội và trên hết là thượng tôn pháp luật. Đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong lĩnh vực VHNT, cần tiếp cận vấn đề một cách khách quan, khoa học, đặt trong mối quan hệ lịch sử, cụ thể. Từng vụ việc, vấn đề sẽ có cách xử lý linh hoạt, thấu tình đạt lý. Tránh để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, chế độ ta", Thiếu tướng Đoàn Văn Bộ đề xuất.

Cũng tại hội thảo, nhà thơ Vũ Quần Phương đề cập tới tính nghiệp dư trong sáng tác thơ văn chuyên nhiệp và sự đánh đồng giữa sáng tác chuyên nghiệp và sáng tác nghiệp dư. Vì thế, thơ hiện nay viết ra để tặng nhau là chính, sách in ra không có người mua. Thậm chí có người còn làm cả câu thơ "Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ". Bên cạnh đó, nhà thơ Vũ Quần Phương còn đề cập tới chất lượng các giải thưởng VHNT hiện nay là mờ nhạt. Các tác phẩm được trao giải không gây được tiếng vang, độc giả thờ ơ trước giải thưởng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, sau 15 năm triển khai, Nghị quyết 23- NQ/TW đã có những tác động tích cực đến đời sống VHNT, nâng cao chất lượng sáng tác, công tác lý luận, phê bình và xây dựng nguồn lực cả về nhân lực và cơ sở vật chất, đưa VHNT lên tầm cao mới.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Nghị quyết 23- NQ/TW đã làm thay đổi nhận thức quan trọng của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển VHNT còn có những hạn chế. Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với kinh tế, xã hội. Chất lượng các tác phẩm VHNT chưa tương xứng với số lượng. Tác phẩm xuất bản nhiều nhưng thiếu tác phẩm hay để trao giải, tạo ấn tượng, sức ảnh hưởng lớn đến xã hội ít. Thiếu những tác phẩm văn hóa, VHNT lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người…

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng kiến nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành các chính sách, chế độ ổn định, tạo điều kiện để VHNT phát triển theo chiều sâu, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tránh tình trạng xin – cho kéo dài. Quốc hội ban hành Luật phát triển VHNT. Chính phủ ban hành, thành lập Quỹ sáng tạo VHNT…

Các ý kiến tại hội thảo còn đề cập việc nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học, nghệ thuật; hoàn thiện chương trình, nội dung, giáo trình để giảng dạy các ngành đào tạo văn học, nghệ thuật (sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình, biểu diễn, chỉ huy, đạo diễn); nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở trung ương và các địa phương....