Nhiều thanh niên trẻ nhập viện vì nghiện bóng cười, thuốc lá điện tử…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hút cần sa, bóng cười và thuốc lá điện tử hơn một năm nay, nam thanh niên 19 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện do run tay chân, quên trí nhớ gần, nhất là thường xuyên xung đột với mọi người…
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Bệnh viện Đa khoa Medlatec vừa tiếp nhận nam thanh niên 19 tuổi, ở Hà Nội, đến khám do hay quên, bồn chồn, lo lắng, run tay.

Qua hỏi bệnh, thanh niên này cho biết, hơn một năm nay em có hút cần sa, bóng cười và thuốc lá điện tử. Gần đây, bệnh nhân thấy mệt mỏi, run tay chân, bồn chồn, lo lắng, quên trí nhớ gần, giảm tập trung công việc, giảm các thú vui/ sở thích, khó ngủ, hay cáu gắt, thường xuyên có xung đột với mọi người xung quanh, ăn uống kém ngon miệng...

Nam thanh niên đã phải bỏ cả công việc đang làm và cố gắng bỏ các chất gây nghiện nêu trên, 4 tháng nay không sử dụng bóng cười, tuy nhiên không bỏ được cần sa và thuốc lá điện tử, thậm chí có xu hướng tăng dần tần suất sử dụng cần sa.

Qua thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn - Chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, kết quả xét nghiệm sàng lọc nhanh phát hiện dương tính với THC (cần sa - marijuana). Vì vậy, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa (Hội chứng nghiện-F12.2), tư vấn điều trị nội trú theo chuyên khoa.

Theo các bác sĩ, những trường hợp sử dụng chất gây nghiện như hút bóng cười, cần sa thường có việc làm không ổn định, thiếu sự quản lý từ phía gia đình. Trong khi đó, tình trạng hút thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, do lớp trẻ coi đây như một trào lưu thời thượng, ban đầu dùng chỉ là thử cảm giác nhưng sau đó thành nghiện.

Để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng trẻ thử những chất gây cảm giác mạnh kể trên, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe và theo dõi con sát sao; trang bị cho con kiến thức để tránh bị lôi kéo; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tạo cho con sân chơi lành mạnh…

Đặc biệt, nếu phát hiện con có dấu hiệu chểnh mảng học, trốn học, kém tập trung, hay quên, ăn ngủ thất thường, chóng mặt, mệt mỏi, hoặc hoang tưởng, hốt hoảng một cách vô cớ… thì cha mẹ nên cho con đi kiểm tra để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.