Nhiều sai phạm cần làm rõ

ANTĐ - Chiều 14-6, tại trụ sở UBND quận Hà Đông, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố Kết luận thanh tra số 1078 giải quyết khiếu nại tố cáo của một số công dân phường Dương Nội, quận Hà Đông dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Cần sự đồng thuận của người dân để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng

(Ảnh minh họa. Ảnh: Dangcongsan.vn)

Cần thu hồi trên 22 tỷ đồng

Theo Kết luận này, từ cuối năm 2006 đến nay, phường Dương Nội có 9 dự án thực hiện công tác GPMB. Những khiếu kiện của người dân về công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ GPMB tập trung chủ yếu ở 3 dự án: Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, khu đô thị mới Dương Nội, đô thị mới An Hưng. Về khiếu nại liên quan đến nội dung “quá trình thu hồi đất các cấp, các ngành không tổ chức cho dân họp bàn dân chủ”, Kết luận 1708 khẳng định: UBND quận Hà Đông đã tổ chức, thực hiện đầy đủ về trình tự thủ tục thu hồi đất theo Nghị định số 84/2007 nên kiến nghị trên là không có cơ sở. Tuy nhiên, tại biên bản các cuộc họp, UBND xã Dương Nội chỉ ghi tổng số người dự họp, không ghi rõ tên từng người, từng hộ là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại.

Cũng theo Kết luận 1708, việc một số hộ dân kiến nghị “khi lập phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư nhân dân không được tham gia ý kiến” là thiếu căn cứ. Tuy nhiên, việc UBND quận không có quyết định kèm theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết gửi cho các hộ gia đình bị thu hồi đất và chỉ giao cho những hộ có yêu cầu là chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Nghị định 84/2007. Ngoài ra, diện tích đo thực tế của 9 dự án tăng so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là 143.429m2, diện tích giảm là 28.870,7m2, chênh lệch tăng 114.558,3m2, thành tiền là trên 22 tỷ đồng. Số tiền này UBND quận Hà Đông chuyển về UBND phường Dương Nội quản lý và sử dụng là chưa đúng, cần phải được thu hồi, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật. 

Về khiếu nại “các cơ quan ra quyết định thu hồi đất không đứng ra ký kết đào tạo ngành nghề để đảm bảo cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất có công ăn việc làm, thu nhập ổn định sau khi bị thu hồi đất”, Thanh tra Chính phủ kết luận: Mặc dù UBND quận Hà Đông đã liên kết với các trung tâm đào tạo nghề, các trường dạy nghề tổ chức các lớp nghề miễn phí cho các đối tượng lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động thuộc diện hộ nghèo… Nhưng cho đến nay, UBND quận chưa xét duyệt hết những hộ đủ tiêu chuẩn được giao đất dịch vụ và chưa tiến hành giao đất dịch vụ cho các hộ dân để sản xuất kinh doanh, các đối tượng lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tự tìm công việc chuyển đổi nghề nghiệp.

Liên quan đến khiếu nại về việc chính quyền địa phương không thông báo cưỡng chế, không giao quyết định cưỡng chế, các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vẫn thi hành cưỡng chế thu hồi đất, Kết luận nêu rõ: Việc các hộ dân cho rằng các cơ quan không thông báo cưỡng chế, không giao quyết định cưỡng chế, dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng vẫn thi hành quyết định cưỡng chế là không có cơ sở. Tuy vậy, việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Hà Đông không gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người bị thu hồi đã tổ chức cưỡng chế là chưa đúng với Điều 57 Nghị định 84/2007. Song, sai sót về thủ tục này không làm thiệt hại đến quyền lợi của các hộ dân bị thu hồi đất.

Có hay không việc san ủi mồ mả của dân?

Còn về nội dung khiếu nại: “Khi cưỡng chế thu hồi đất không thông báo di dời mồ mả đã tiến hành san ủi tại bãi tha ma Giải Phướn”, Văn bản 1078 khẳng định: Trước khi cưỡng chế thu hồi đất tại khu vực này, có 7 hộ viết giấy cam kết có mộ  (8 mộ) và 6 hộ đã nhận tiền tạm ứng kinh phí hỗ trợ di chuyển 7 mộ nên việc các hộ dân cho rằng khi cưỡng chế không thông báo di dời mồ mả là không khách quan. Tuy vậy, tổ công tác khi lập biên bản kiểm đếm không nêu rõ vị trí cụ thể từng ngôi mộ là chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao. Khi cưỡng chế san ủi đầu bờ trục to ở khu Giải Phướn, UBND xã Dương Nội và HTXNN La Dương đã xác nhận trong bản cam kết của 7 hộ có mộ bị san ủi để chủ đầu tư chi tiền tạm ứng hỗ trợ di chuyển. Đây là cơ sở để các hộ dân cho rằng khi tiến hành cưỡng chế đã san ủi vào mồ mả của nhân dân.

Đối với kiến nghị: “Những diện tích đã cưỡng chế thì bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng trên địa bàn phường Dương Nội, với diện tích đất chưa cưỡng chế thì không thu hồi nữa”, Thanh tra Chính phủ trả lời: UBND quận Hà Đông phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp, được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất (bằng tiền) là đúng quy định. Để đáp ứng nguyện vọng người dân, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận đề nghị của UBND quận Hà Đông cho phép chuyển đất dịch vụ thành đất ở là thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền đến người dân.

Từ kết quả Thanh tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội thực hiện một số nội dung: Chỉ đạo UBND quận Hà Đông kiểm điểm và có hình thức  xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có thiếu sót; Tổ chức thực hiện việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân có đủ tiêu chuẩn đã được xét duyệt, những trường hợp chưa được xét duyệt cần khẩn trương xem xét để giao đất sớm và thông báo công khai để các hộ dân biết; Thu hồi  số tiền hơn 22 tỷ đồng để quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật đồng thời kiểm tra xác minh đối tượng được nhận tiền bồi thường; Giao cho UBND phường Dương Nội và các cơ quan chuyên môn phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra làm rõ đề nghị của 14 hộ gia đình có mộ tại khu vực Giải Phướn để được hỗ trợ di chuyển; Làm rõ tiến độ sử dụng đất của các dự án trên địa bàn phường Dương Nội để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. UBND thành phố Hà Nội cần xem xét hỗ trợ đối với các hộ nghèo, khó khăn khi bị thu hồi đất để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất, xem xét, kết luận trả lời những kiến nghị bổ sung của công dân phường Dương Nội.

Tại Văn bản số 3856/VPCP ngày 30-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với Kết luận số 1078 của Thanh tra Chính phủ. Riêng việc xử lý số tiền trên 22 tỷ đồng tiền đất chênh lệch tăng so với GCNQSDĐ, Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có biện pháp giải quyết cụ thể, đảm bảo sự đồng thuận của các hộ dân và ổn định tình hình. Cũng trong cuộc họp công bố Kết luận Thanh tra số 1078, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã trả lời nhiều câu hỏi của người dân liên quan đến kết luận này.