Nhiều nơi nghe ngóng tăng giá

ANTĐ -  Việc tăng giá xăng dầu hôm 7-3-2012 đã gây ra nhiều tác động đối với thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Có những nơi, giá hàng hóa tăng mạnh, có nơi lại thận trọng nghe ngóng.

Phải quản lý chặt để chặn tăng giá bất hợp lý

Sáng 8-3, tức một ngày sau khi giá xăng dầu tăng, giá thực phẩm, rau xanh tại các chợ khu vực trung tâm Hà Nội đã biến động rõ rệt. Cụ thể, thịt bò thăn tăng lên 25.000 đồng/lạng, đắt hơn 3.000 - 5.000 đồng so với trước đó. Thịt ba chỉ tăng thêm 10.000 - 15.000 đồng/kg, lên mức 130.000 đồng/kg; nạc vai, thăn, sườn lợn đều có mức tăng tương ứng. Chị Tâm (ngõ 18 Huỳnh Thúc Kháng - Đống Đa) cho biết: “Trước đó, tôi mua 30.000 đồng thăn bò là đủ một bữa ăn cho 2 đứa con, giờ mua 40.000 đồng mới được bằng đó. Các loại rau xanh: su hào, súp lơ, rau cải hoặc tăng thêm 1.000 đồng/kg (mớ), hoặc các loại củ quả nhỏ hơn trước”. Tình trạng tăng giá nhanh chóng cũng diễn ra tại các chợ: Hôm, Ngã Tư Sở, Nghĩa Tân… 

Trái ngược với chiều hướng biến động này, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại các chợ dân sinh khu vực ngoại thành dường như vẫn giữ giá. Tại chợ Trung Văn, ngày 11-3, thịt chân giò 100.000 đồng/kg; thăn lợn, thịt nạc vai, sườn lợn 115.000 đồng/kg; rau cải ngọt 10.000 đồng/kg, súp lơ 10.000 đồng/chiếc, su hào 3.000 đồng/củ. “Chỉ có hành tươi là tăng giá nhẹ, lên 14.000 đồng/kg” - chị Thùy, chủ một sạp rau cho biết. 

Giá các mặt hàng trên tại siêu thị chưa có biến động. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho biết: “Ít nhất phải 15 ngày nữa, siêu thị mới tăng giá bán hàng nếu cần. Hiện tại, lượng hàng tồn với mức giá nhập cũ vẫn chưa tiêu thụ hết”. Theo đó, hiệp hội này chưa nhận được thông báo tăng giá của bất kỳ doanh nghiệp nào, mà chỉ có biến động giá sữa và mỹ phẩm tăng trong tháng 2-2012. Tuy nhiên, theo ông Phú, nếu giá xăng dầu tăng thì hàng bình ổn giá cũng phải tăng. Giá xăng dầu tăng thêm 10% như đợt điều chỉnh này thì giá hàng hóa dự kiến tăng thêm 5-7% so với giá bán hiện tại.

Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, để sản xuất 1 tấn thép, nhà  máy tiêu tốn 35 - 40kg dầu. Với mức tăng giá dầu lần này, mỗi tấn thép xuất xưởng phải cộng thêm ít nhất từ 50.000 - 75.000 đồng. Nhưng doanh nghiệp có tăng giá bán hay không còn phụ thuộc vào tình hình tiêu thụ, nếu không tăng giá bán thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn do chi phí đầu vào tăng. 

Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu, gas tăng, sắp tới có thể giá điện, than cũng được điều chỉnh thì giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu nhất định sẽ tăng. Song tăng giá ở mức nào thì doanh nghiệp và người bán lẻ còn phải cân nhắc, bởi thực tế 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng thêm 4%, thấp hơn khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu tiêu dùng cũng thay đổi, giảm hẳn những mua sắm không thực sự cần thiết và giảm cả lượng chi tiêu ăn uống. “Tôi không đồng tình với quan điểm ngăn chặn hàng hóa “té nước theo mưa”, mà vẫn phải “té” nhưng té ở mức nào? Vẫn phải tăng giá nhưng phải ngăn chặn tăng giá quá mức, bất hợp lý” - một chuyên gia kinh tế phân tích.

Trên thực tế, tác động của tăng giá xăng dầu không chỉ làm tăng giá trực tiếp các mặt hàng, mà còn có tình trạng tăng giá “ngầm”. Doanh nghiệp có thể giữ giá bán cũ, nhưng giảm trọng lượng của mỗi gói hàng. Việc tăng giá như vậy người tiêu dùng còn khó kiểm soát hơn. 

Để giữ mức giá tăng hợp lý của hàng hóa trong siêu thị, ông Vũ Vinh Phú cho hay: “Các siêu thị cần đàm phán lại chiết khấu với các nhà cung cấp, giữ ở mức tối đa 15% là hợp lý. Nếu chiết khấu lên đến 20% là quá cao, giá hàng hóa sẽ bị đẩy lên hơn nữa”.