Nhiều loại phí sẽ “đội” giá điện

ANTĐ - Hôm qua, 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự luật Quảng cáo. Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến vào 2 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Nhiều loại phí sẽ “đội” giá điện ảnh 1
Người dân luôn muốn giá điện phải công khai, minh bạch


Phải trị “bệnh” quảng cáo sai sự thật

Liên quan tới dự án Luật Quảng cáo, UBTVQH tán thành giao Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về quảng cáo. Từ thực tế nhiều tệ nạn xã hội, tai nạn do người uống rượu gây ra, UBTVQH nhất trí việc hạn chế quảng cáo rượu là cần thiết, song cũng phải phù hợp với phong tục, tập quán cũng như các điều ước quốc tế đã ký kết. Để đảm bảo nguyên tắc này, dự thảo Luật quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Nhiều đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung thêm nội dung định kiến về giới trong quảng cáo vào danh mục các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu, tại kỳ họp trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về việc có quá nhiều quảng cáo trong đó chỉ thấy có người phụ nữ giặt giũ, quét nhà, chăm sóc con cái, còn đàn ông tất thảy đều ngồi xe hơi bóng lộn, cầm điện thoại đắt tiền... đã tạo nên ý niệm sai lệch về vị trí và phân biệt trong xã hội. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã tiếp thu ý kiến này.

Tham gia góp ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, hiện nay, có nhiều quảng cáo về khám bệnh, chữa bệnh thổi phồng quá sự thật. Ông Nguyễn Viết Tiến nói: “Tôi biết một số bác sĩ chuyên chữa lợn lành thành lợn què mà cũng mở cơ sở giải phẫu thẩm mỹ, quảng cáo rùm beng. Thế nên, tôi đề nghị, các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả cơ sở dịch vụ thẩm mỹ) phải có giấy phép mới được quảng cáo. Nội dung quảng cáo còn phải do cơ quan quản lý chuyên môn thẩm định. Tương tự, các sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ...”.

Định giá để không độc quyền giá

Chiều 17-4, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Theo tờ trình của Chính phủ, sẽ bổ sung quy định về một số loại phí như phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực, phí điều tiết hoạt động điện lực. Đề xuất này thu hút sự quan tâm của các thành viên UBTVQH. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo lắng: “Quy định quá nhiều loại giá, phí tầng tầng, lớp lớp, nếu cộng dồn thì tạo ra giá điện quá cao. Phải có giá nhất định để bù vào chi phí. Nếu quy định nhiều loại giá trung gian sẽ đẩy giá điện lên...”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Phan Trung Lý cũng đề nghị làm rõ thêm vấn đề giá và phí vì “đây là một trong những tiêu điểm quan tâm của cử tri”. Ông nêu vấn đề: “Đề nghị xem lại phí điều tiết. Có nên quy định phí không? Nhiều loại phí sẽ đội giá điện lên...”.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, Nhà nước vẫn nên nắm giữ quyền định giá điện. Ông nói: “Điện lực vẫn do Nhà nước độc quyền, vì vậy, cần có định giá để không tạo ra độc quyền giá. Giá phải hợp lý, lợi nhuận phù hợp. Nếu bán điện thấp hơn, Nhà nước phải có bù lỗ. Ngoài ra, đây là mặt hàng thiết yếu liên quan tới sản xuất và đời sống nên phải do Nhà nước định giá. 

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, “đúng là có rất nhiều loại phí”. Ông cho biết, sở dĩ có nhiều loại như thế là vì đang trong quá trình tái cơ cấu ngành điện, từ phát điện, truyền tải điện đến phân phối. Hiện nay, có khâu Nhà nước làm, có khâu thì xã hội hóa. Chính vì nhiều khâu nên trong tính toán có nhiều loại phí cho từng khâu. Giá điện đã tính từng phần cho các khâu hình thành giá đó. Chẳng hạn,  giá điện 1.300đ/kWh, phần lớn cho phát điện, 8% cho chi phí truyền tải điện, còn lại là cho phân phối điện. Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến là phải tránh quá nhiều loại phí, loại giá, chồng chéo giữa khâu này với khâu khác. Bộ trưởng cũng cho biết, phí điều tiết điện lực cũng là câu chuyện mà nhiều thành viên Chính phủ băn khoăn. “Hoạt động điều tiết điện lực mang tính chuyên nghiệp, nặng nhọc. Cục Điều tiết Điện lực tới đây sẽ trở thành cơ quan độc lập tách ra khỏi Bộ Công Thương. Vì thế, Chính phủ cũng muốn có cách thu nào đó để phục vụ cho hoạt động của cơ quan này...”.

Trước ý kiến phải quy định rõ việc thông tin về cơ cấu xây dựng giá điện để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp người mua điện biết và thấy tính giá như vậy là hợp lý, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhìn nhận, xây dựng giá điện minh bạch, rõ ràng hiện là điều nhân dân mong muốn. Ông nói: “Chúng ta cũng hướng tới điều đó. Việc này sẽ được hướng dẫn cụ thể trong Nghị định của Chính phủ...”.