Nhiều bệnh viện vẫn lúng túng khi áp dụng quy định mới về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hơn 10 ngày triển khai Thông tư 13 của Bộ Y tế liên quan đến giá khám chữa bệnh theo yêu cầu (có hiệu lực từ 15-8-2023), một số bệnh viện vẫn gặp vướng mắc, lúng túng…
GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về khó khăn trong áp dụng Thông tư 13

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về khó khăn trong áp dụng Thông tư 13

Tại hội thảo nâng cao năng lực quản lý bệnh viện do Sở Y tế Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo một số bệnh viện của Hà Nội đã đề cập đến Thông tư 13/2023/TT-BYT (Thông tư 13) của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp.

Thông tư này có hiệu lực từ 15-8-2023 và các bệnh viện đều đã bắt đầu triển khai. Chẳng hạn, nhiều bệnh viện ở Hà Nội như Bạch Mai, Việt Đức, Răng Hàm Mặt Trung ương, Da liễu Trung ương… đã điều chỉnh giá giường bệnh, giá khám, và dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khung giá cho phép. Sau điều chỉnh, một số kỹ thuật giảm giá khá mạnh, song một số dịch vụ, nhất là giá giường bệnh tăng…

Tuy nhiên, vẫn còn không ít bệnh viện chưa thực hiện. Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết đang gặp lúng túng trong việc áp dụng Thông tư 13 của Bộ do nhiều danh mục liên quan đến giá tối thiểu và giá tối đa được quy định với sự chênh lệch lên tới vài chục triệu đồng. Một số khác vẫn giữ nguyên giá để chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, Thông tư 13 chưa bao phủ hết những đặc tính của một ca phẫu thuật mà mới chỉ đưa ra giá của một kỹ thuật, chưa bao trùm các hoạt động chăm sóc đặc biệt mà người bệnh mong muốn.

Theo ông Ánh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã rất nỗ lực để áp dụng Thông tư 13 với khoảng 1000 danh mục kỹ thuật theo đúng quy định của Bộ từ ngày 15-8. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện lớn vẫn chưa áp dụng được Thông tư 13 vì liên quan đến hàng chục nghìn danh mục.

Nhiều bệnh viện chưa triển khai Thông tư 13 về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu (Ảnh minh họa)

Nhiều bệnh viện chưa triển khai Thông tư 13 về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu (Ảnh minh họa)

Một số ý kiến khác cho rằng, việc áp giá trần sẽ dẫn đến khó khăn cho các bệnh viện trong vấn đề tự chủ; chưa kể giá cả luôn thay đổi theo thị trường nên cần tuân theo quy luật của thị trường...

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, căn cơ sâu xa mà Thông tư 13 chưa đề cập đến là định mức kinh tế - kỹ thuật, dẫn đến nhiều nội dung thiếu cập nhật và chưa theo kịp thực tiễn, vì thế gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, đại diện Vụ kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế cho biết, trước khi ban hành thông tư quy định khung giá, Bộ đã khảo sát gần 100 cơ sở y tế từ tuyến huyện đến trung ương. Thông tư 13 đã được nghiên cứu và xây dựng trong suốt 5 năm, có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ sở y tế, nhất là khắc phục được tình trạng giá khám theo yêu cầu mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Cũng theo đại diện Vụ kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, cần phải tách biệt chi phí và giá. Giá hình thành từ chi phí, cộng với tác động của quy luật cung cầu thị trường, quản lý nhà nước, chính sách, thói quen, hành vi… Giá là công cụ quản lý chứ không chỉ là công cụ thu tiền về để bù đắp chi phí và lợi nhuận.

Do đó, việc các bệnh viện tiếp cận giá này theo hướng "giá được xây dựng để bù đắp chi phí bỏ ra cộng thêm lợi nhuận theo kỳ vọng" là chưa hoàn toàn chính xác.