Chi vượt trần quy định bảo hiểm y tế:

Nhiều bệnh viện mắc nợ

ANTĐ - Không chỉ các bệnh viện (BV) ở tuyến huyện, tỉnh mà ngay các BV ở tuyến Trung ương, việc xuất chi vượt trần thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT) cũng diễn ra rất phổ biến khiến nhiều BV đang bị “nợ đọng” hàng chục tỷ đồng mà không thể tìm được nguồn thanh toán. Nguyên nhân chính vẫn là do lạm dụng chỉ định, xét nghiệm, lạm dụng kê đơn thuốc…

Đừng để bệnh nhân phải chịu thiệt thòi

Nợ tiền, “siết cổ” bệnh nhân

Dù BV Nhi Trung ương đã thương thảo nhiều lần nhưng đến nay Quỹ BHYT vẫn chưa chi trả khoản 28 tỷ đồng chi vượt trần quy định của BHYT, trong khi đó các bệnh nhân năm 2011 đều đã xuất viện không thể thu hồi lại được viện phí.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương thẳng thắn chia sẻ: Hiện nhà thuốc của BV vẫn phải nợ tiền nhiều doanh nghiệp dược, thậm chí một số doanh nghiệp dược phẩm đã cắt hợp đồng hoặc ngừng cung cấp một số thuốc chuyên dụng cho nhà thuốc BV, không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị của BV mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh.

Ông Liêm phân tích, việc duy trì hoạt động thường xuyên của các BV đều phải trông vào nguồn thu từ viện phí. Tuy nhiên, tại BV Nhi Trung ương có một số lượng lớn là trẻ em dưới 6 tuổi (đối tượng được nhà nước bao cấp tiền mua thẻ BHYT). Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định mỗi năm Quỹ BHYT cho các BV được tăng trần thêm 10% trên một ca bệnh, song điều này vẫn khiến BV luôn phải cân đối, co kéo, hoạt động rất khó khăn bởi cơ cấu bệnh tật mỗi năm mỗi khác. Chẳng hạn như năm có dịch bệnh, lượng bệnh nhân đông đột biến, BV không thể vì sợ vượt trần mà không chỉ định điều trị cho người bệnh.

Tương tự, tại BV Việt Đức - một BV đầu ngành về ngoại khoa nhưng nhiều tháng nay đã rơi vào cảnh nợ tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật bởi không có nguồn để trả. Lý do, theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng Tài chính kế toán của BV này là vì giá các phẫu thuật, thủ thuật hầu như không có sự điều chỉnh, trong khi theo quy định về phụ cấp cho phẫu thuật, thủ thuật, có những loại đã tăng 3- 4 lần. Chẳng hạn, với một kíp phẫu thuật đặc biệt gồm 9 người, theo quy định cũ, BHYT chỉ thanh toán 330.000 đồng nhưng nay tăng lên hơn 1,3 triệu đồng… Đặc biệt, tại TP Hồ Chí Minh, dù năm 2012 chỉ mới qua một nửa nhưng quỹ khám chữa bệnh BHYT đã rơi vào tình trạng báo động về mất cân đối. Thậm chí nhiều BV trên địa bàn đã bội chi 20-30 tỷ đồng…

Đổ gánh nặng lên người bệnh!

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho rằng, cơ quan BHXH đã nghiên cứu rất kỹ trước khi ban hành mức trần viện phí đối với từng BV, từng tuyến BV cụ thể nên việc các BV bị vượt trần hàng chục tỷ đồng mỗi năm, ngoài nguyên nhân khách quan, đột xuất, chắc chắn có nguyên nhân chủ quan từ chính BV. Hiện nay, mức trần viện phí tại các BV được tính dựa vào chi phí thực tiễn cho mỗi đầu thẻ BHYT của chính BV đó trong năm trước mà cơ quan BHXH đã giám định, cộng thêm 10% chi phí phát sinh cho năm sau. Mức phí này đã phản ánh đúng nhu cầu về chi phí của mỗi đầu thẻ. Lấy ví dụ, năm 2011, các cơ sở khám chữa bệnh tại tuyến huyện ở TP Hồ Chí Minh vượt quỹ ban đầu khoảng 500 tỷ đồng với gần 6 triệu lượt thẻ BHYT, ở tuyến tỉnh đã vượt 200 tỷ đồng. Vì vậy, phía BHXH đang tính toán và phải thẩm định những đơn thuốc của các đơn vị y tế xem có thanh toán vượt trần hay không chứ không thể có chuyện các BV đều bội chi một cách chính đáng. 

Ông Sơn nhấn mạnh, nếu việc BV chi vượt trần do những nguyên nhân chủ quan của BV như chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc không hợp lý, lạm dụng kê đơn… thì sẽ bị từ chối thanh toán. Chẳng hạn, một số BV tự quy định mức trần cho từng cá nhân, đáng lẽ bác sĩ cần xem người bệnh này cần dùng thuốc gì, kỹ thuật gì là vừa đủ thì bác sĩ lại kê đơn tràn lan, cho làm xét nghiệm nhiều lần... mà không thật sự cần thiết. Hơn nữa, việc chỉ định sử dụng thuốc ngoại của các BV ngày càng cao. “Tất nhiên tâm lý người bệnh ai cũng thích thuốc ngoại hơn nhưng phải liệu cơm gắp mắm, nếu ai muốn dùng mà có điều kiện thì tự bỏ tiền chứ không thể lạm dụng quỹ BHYT, đổ dồn gánh nặng lên nhà nước…” - Ông Sơn phân tích.

Trong khi bài toán này vẫn chưa tìm được lời giải thì bản thân một số BV đã tìm biện pháp giải quyết bằng cách đổ dồn gánh nặng lên người bệnh như cắt giảm thuốc, hạn chế chỉ định dịch vụ chi phí cao… Như vậy, không phải BV hay phía BHXH thiệt thòi mà chính người bệnh mới là người lĩnh hậu quả.