Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Đi tìm những "bản đờn ca" cuộc đời

ANTĐ - Nguyễn Á có lẽ  là nghệ sỹ chăm ra sách ảnh nhất Việt Nam. Gần 20 năm trong nghề, anh cho ra 5 cuốn sách, mà cuốn nào cũng nặng… vài kilogam và rất kỳ công. Một thời gian thấy anh vắng mặt mới biết anh đang mải miết với bộ sách ảnh “Đờn ca tài tử Nam bộ”. 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Đi tìm những "bản đờn ca" cuộc đời ảnh 1GS.TS Trần Văn Khê và nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

“Tôi mượn tiền để làm sách”

Lỡ hẹn với Nguyễn Á nhiều lần vì anh mải vào Nam ra Bắc, bỗng một hôm anh nhắn tin cho biết sắp làm triển lãm ở Hà Nội, kèm theo lời dặn dò “nhất định phải đến nhé”. Điều tò mò đầu tiên là không biết lần này Nguyễn Á sẽ chụp gì, vì anh chụp nhiều đề tài, mà hình như đề tài nào cũng thành công. Từ sở trường chụp chân dung những con người vì cộng đồng trong “Tâm và tài - Họ là ai”, “Họ đã sống như thế” đến đề tài lớn về tình yêu Tổ quốc như “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo Việt Nam”. Thế nên lần này, nghe tin anh sẽ “tự tình” cùng đờn ca tài tử thì không quá ngạc nhiên.

136 câu chuyện với 150 con người, Nguyễn Á đã mất 2 năm để thực hiện công trình đầy tâm huyết này. Suốt thời gian đó, anh rong ruổi khắp 21 tỉnh, thành phố như: Ninh Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp… nơi những nghệ nhân đang giữ “lửa” cho môn nghệ thuật đã trở thành di sản thế giới để kể những câu chuyện về cuộc đời họ. Tìm được những con người này, theo lời kể của Nguyễn Á là không đơn giản bởi mỗi lần anh tới một tỉnh phải tìm đến một huyện, đi đến một xã, rồi tìm ấp để hỏi nơi các nghệ nhân sinh sống mà “họ lại ở ẩn nữa, nên không dễ tìm đâu”. Cuối tuần, cứ vào dịp các nghệ nhân hội họp để biểu diễn, Nguyễn Á lại lỉnh kỉnh ba lô, máy ảnh từ TP.HCM phóng xe về để chụp lại những khoảnh khắc đời thường của họ, ngồi nghe họ đàn hát, kể những vui buồn của cuộc đời. “Những nghệ nhân này, họ nhẹ nhàng, chẳng tính toán gì đâu. Họ chỉ đem tài năng để cống hiến. Khi chụp họ, tôi cảm thấy vừa yêu mến vừa xúc động” - anh tâm sự.

Chẳng những khó trong quá trình tác nghiệp, anh còn mướt mồ hôi chạy khắp nơi để in sách. Khi hỏi là “chạy” bằng cách nào, vì làm sách ảnh tốn công, tốn sức nhưng khó bán hơn sách thường, Nguyễn Á đáp lại nhẹ tênh: “Tôi đi mượn tiền, đi vay khi thì của người thân, bạn bè, khi thì đi vay ngân hàng. Đi xin tài trợ tôi không làm được vì tôi không muốn lệ thuộc vào ai. Mình làm mình vô tư, tự do mà sáng tác”. 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Đi tìm những "bản đờn ca" cuộc đời ảnh 2Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - cây đại thụ của nhạc tài tử Nam bộ. Ảnh: Nguyễn Á

Thăng trầm nghiệp cầm ca 

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, làm được như Nguyễn Á thật hiếm có. Chúng ta có nhiều di sản được UNESCO vinh danh trước đó như cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế… nhưng chưa ai thực hiện cả bộ ảnh về những di sản này. Đối với người dân Nam bộ, đờn ca tài tử đã là một phần đời sống tinh thần, là cội nguồn của giá trị văn hóa kết tinh bao thế hệ. Với Nguyễn Á, chàng trai gốc Bình Dương cũng vậy. Bố mẹ, ông bà anh đều là những người mê đờn ca tài tử. Thừa hưởng tình yêu với cổ nhạc, nên 2 năm sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, anh đã quyết thực hiện bằng được bộ ảnh này. 

Cách sáng tạo của Nguyễn Á cũng đặc biệt. Với mỗi nghệ nhân, anh không chỉ chụp chân dung mà còn lồng trong đó câu chuyện đời của họ, làm sao mà họ gắn bó với cây đàn tranh, đàn kìm, với guitar, với sáo… Từ những nghệ nhân gạo gội trong nền âm nhạc dân tộc như GS.TS Trần Văn Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo, soạn giả NSND Viễn Châu, nghệ nhân ưu tú Tấn Nhì, danh cầm Văn Giỏi… đến những nghệ nhân mới 5, 7, 10 tuổi, mỗi người đều có những câu chuyện, mối duyên khác nhau với nghiệp cầm ca. Lại có cả những số phận trớ trêu của những nghệ nhân khiếm thị khiến ai xem cũng phải xúc động. Nghệ nhân Văn Triển, năm lên 6 tuổi đã bị mù hai mắt vì vỏ đạn, anh tìm thấy cây đàn chính là nguồn sáng duy nhất giải phóng anh khỏi bi kịch. Hay nghệ nhân Huỳnh Hữu Trí suốt 40 năm một niềm đam mê với ca nhạc, dù cuộc đời cho ông nhiều nỗi buồn, mất mát hơn là niềm vui. 

Nhắc đến bậc thầy của âm nhạc dân tộc Việt Nam, anh không khỏi xúc động: “Với GS Trần Văn Khê, tôi có nhiều kỷ niệm. Thầy dạy cho tôi rất nhiều thứ, không chỉ âm nhạc mà còn về cách đối nhân xử thế. Sự ra đi của thầy là mất mát lớn của nền âm nhạc và sự tiếc thương của hàng triệu người dân Việt Nam”. 

Triển lãm và trưng bày sách ảnh “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” được giới thiệu tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội trong 2 ngày 13 và 14-10.