Nhân tài vẫn như lá mùa thu

ANTĐ - 80% thủ khoa tốt nghiệp ĐH sau khi được tôn vinh thành tích tại Văn Miếu Quốc Tử Giám phải tự đi kiếm việc làm. Nhiều nhân tài bị thui chột vì không được phát huy. Các nhà vô địch kỳ thi Olympic quốc tế phải chọn ngành không đúng sở trường vì mưu sinh.

Cải cách giáo dục là lựa chọn cho sự phát triển nhân tài lâu dài

Nhân tài không thiếu mà thiếu chỗ đứng

Theo GS. Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, Việt Nam có 14.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 1.131 GS và 5.253 PGS nhưng đến nay những nhân tài được công nhận có nhiều cống hiến cho đất nước lại không nhiều. “Có những nhân tài được nói đến rầm rộ một thời, nhưng rốt cuộc bị thui chột vì không được trọng dụng. Có người đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế nhưng về sau phải chấp nhận làm một nghề không đúng với sở trường và trong khi nhiều nơi trải thảm đỏ để thu hút các thủ khoa tốt nghiệp ĐH thì vẫn có tới 80% thủ khoa tự đi kiếm việc ở nơi khác”- GS. Dương Phú Hiệp phân tích về thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.

Thiếu tướng - PGS. Lê Văn Cương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam nhận định, chúng ta mới sử dụng một phần nhỏ, thậm chí rất nhỏ các nhân tài. Đây là sự lãng phí lớn nhất của Việt Nam trong suốt ba thập kỷ qua.

Theo PGS.TS Trần Quang Nhiếp thì “việc trọng dụng nhân tài ở nước ta vẫn còn tồn tại kéo dài như một thứ hình thức, không nói thì thiếu, chỉ nói cho đủ và chẳng có một tổng kết rõ ràng về trọng dụng nhân tài ở các cấp, các ngành, các địa phương. Nhân tài thì không thiếu nhưng lại thiếu chỗ đứng, thiếu công việc để họ phát huy tài đức của mình”. Và theo GS.TS Hồ Sỹ Quý, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, không thể mơ đến sự xuất hiện của tài năng ở những nơi mà điều kiện không cho phép tài năng phát triển.

Cần có môi trường lành mạnh

Chính sách, chế độ để khuyến khích, phát triển nhân tài qua đó thu được những đóng góp tâm huyết cho sự phát triển của đất nước là điều mà các nhà khoa học đề cập đến. Theo GS. Dương Phú Hiệp, đãi ngộ nhân tài không nên mang tính bình quân như chế độ lương hiện hành. Tạo cơ chế thu nhập phù hợp mới tạo động lực mạnh mẽ cho tiềm năng sáng tạo. Còn theo GS. Chu Hảo việc lựa chọn, giám sát, thải hồi, đề bạt trong các cơ quan nhà nước hiện nay chưa được thực hiện nghiêm chỉnh và chỉ khi có được môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh thì nhân tài mới xuất hiện. “Bộ trưởng không tự chọn được thứ trưởng cho mình, đuổi việc một nhân viên kém chuyên môn, phẩm chất cũng khó khăn thì làm gì có môi trường cho các nhân tài phát huy tài năng”.

Một vấn đề khúc mắc nữa, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, là việc chọn người tài ngoài Đảng đưa vào các cương vị lãnh đạo đã được đặt ra song cho tới nay vẫn chưa thực hiện được. Không thể phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài nếu không kiên quyết đẩy lùi những tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa biến chất… trong một bộ phận không nhỏ cán bộ diễn ra nghiêm trọng kéo dài. Đây là nhân tố cực kỳ quan trọng tạo môi trường lành mạnh để nhân tài phát triển.

Bên cạnh chế độ, chính sách sử dụng nhân tài, nhiều nhà khoa học cũng nêu ra cốt lõi chất lượng nhân tài được nuôi dưỡng từ giáo dục chất lượng cao trong khi đó, theo GS. Hồ Sỹ Quý thì những hạn chế trong giáo dục những năm gần đây báo chí gần như ngày nào cũng nói mà đến nay vẫn chưa có gì báo hiệu một tương lai sáng sủa hơn. Luật sư Đặng Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam cho rằng nhiều năm nay giáo dục và đào tạo ở nước ta có những biểu hiện làm cả xã hội lo lắng về chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực. “Đã đến lúc phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng ghi trong Văn kiện Đại hội XI: Đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà. Muốn vậy, trước hết phải đánh giá một cách toàn diện và khách quan nền giáo dục quốc dân dưới sự chủ trì của Ban Khoa giáo Trung ương hoặc Ủy ban Giáo dục và thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội. Sau đó, căn cứ vào kết quả đánh giá sẽ soạn thảo Chương trình cải cách giáo dục để Quốc hội thông qua”- GS. Chu Hảo đề xuất.

Tựu chung lại, GS. Dương Phú Hiệp cho rằng tất cả những việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo đến sử dụng, đãi ngộ nhân tài phải được thể hiện trong một chiến lược nhân tài Việt Nam với hy vọng sẽ chuyển từ chỗ “nhân tài như lá mùa thu” sang thời kỳ “nhân tài như hoa nở mùa xuân”.