Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể chuyện “Chiếc đèn ông sao”

ANTĐ - “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài, cán cao quá đầu…”, những giai điệu quen thuộc của “Chiếc đèn ông sao” cất lên báo hiệu mùa Trung thu nữa lại về. Tính cho tới nay, ca khúc này cũng đã gần 60 năm tuổi đời.

Ca khúc quen thuộc theo bước các em nhỏ trong mỗi đêm hội trăng rằm

Đón trăng rằm trên đất khách 

Đối với nhạc sỹ Phạm Tuyên - ca khúc được sáng tác trong một dịp hết sức tình cờ ấy lại gắn với nhiều kỷ niệm đặc biệt. Vào thời điểm “Chiếc đèn ông sao” ra đời năm 1956, ông đang là giảng viên dạy nhạc tại Khu học xá Trung ương (tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc). Sống xa Tổ quốc, mọi người đều có tâm trạng chung bồi hồi, nhớ quê hương tha thiết. Bởi vậy dịp Tết Trung thu đến, Khu học xá có tổ chức rước đèn dành cho tất cả mọi người, ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, phấn chấn.

Thế là “Chiếc đèn ông sao” được sáng tác trong khoảng thời gian rất ngắn. Điều bất ngờ là khi đưa ra, mọi người ai cũng ca hát say mê, thích thú. Vị nhạc sỹ 83 tuổi nhớ lại: “Chiếc đèn ông sao lúc ấy mang nhiều ý nghĩa lắm, vì nó cũng là ngôi sao ở trên lá cờ Tổ quốc. Trong lời bài hát có đoạn: “Đây cầm đèn sao sao chiếu vô Nam. Đây ánh hòa bình đuổi xua loài xâm lăng” chính là tình cảm hướng về đất nước lúc bấy giờ vẫn còn bom đạn chiến tranh. Nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng chia sẻ, thế hệ những người sáng tác như ông lúc bấy giờ có nhiều cơ hội gần gũi, được tham gia vào những hoạt động của tuổi thơ nên ai cũng hào hứng sáng tác cho thiếu nhi với tinh thần tự nguyện, với tất cả tình cảm trìu mến, chân thành. 

Được đưa vào sách âm nhạc của Đức

Chính nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng không ngờ bài hát này lại có sức lan truyền đến như vậy. Khi chuyển bài hát về trong nước, thì người đầu tiên thể hiện ca khúc này là nữ biên tập viên Anh Tuấn (tức Tuấn Kỳ). Giọng hát của chị được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được phổ biến rộng rãi đến đông đảo người dân. Bất ngờ hơn là vào năm 1972, khi có dịp sang Berlin, có một vị giáo sư ở thành phố Leipzig nghe về nhạc sỹ Phạm Tuyên nên lặn lội tìm đến. “Ông ấy nói với tôi là nghe nói có tác giả “Chiếc đèn ông sao” đến nên muốn sang thăm”. Vị giáo sư mở cho nghe một đoạn ghi âm trẻ em Đức hát đoạn “tùng rinh rinh…” rất vui tai và ông nhận ra đúng là bài “Chiếc đèn ông sao”.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể lại: “Tôi thử hỏi ông ấy, là họ có biết bài hát này nói về cái gì không. Ông ấy bảo chịu, không biết nội dung bài hát như thế nào. Nhưng khi các em thiếu nhi Việt Nam sang đây hát, họ rất thích đoạn “tùng rinh rinh” vì nó phù hợp với các điệu vũ khúc, đặc biệt rất giống với các lễ hội Carnaval của người Đức”. Bấy giờ nhạc sỹ Phạm Tuyên mới biết bài “Chiếc đèn ông sao” đã được dịch ra tiếng Đức, và còn được in trong cuốn sách âm nhạc dành cho thiếu nhi Đức. Hiện, cuốn sách ấy vẫn được ông lưu giữ trong nhà như một niềm tự hào vì một bài hát Việt Nam đã được bạn bè nước ngoài biết đến và ưa chuộng như vậy. 

Phổ biến rộng rãi trong đời sống âm nhạc, nghe thấy trẻ em trên phố hát “Chiếc đèn ông sao” là biết Trung thu sắp về. Từ khắp ngả đường, ngõ xóm đều vang lên điệu trống phách nhịp nhàng quen thuộc. Chia sẻ về niềm vui ấy, nhạc sỹ Phạm Tuyên cho hay, cách đây hai năm, có một công ty quảng cáo đến xin phép ông sử dụng bài hát này. Ban đầu cũng không rõ họ xin với mục đích gì, về sau mới biết để làm nhạc quảng cáo cho… bánh Trung thu. Thế mới biết, dù Tết Trung thu không còn nhiều ý nghĩa như trước, nhưng mỗi lần ca khúc này cất lên, ai cũng đều cảm nhận được không khí vui tươi, náo nức. Dù trải qua hơn nửa thế kỷ, “Chiếc đèn ông sao” vẫn sống mãi như một khúc ca không thể thiếu trong mỗi đêm hội trăng rằm.