Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và "Tình yêu ở lại" với khán giả Hà Nội

(ANTĐ) - Sẽ có một đêm  nhạc diễn ra tại Hà Nội nhân dịp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tròn tuổi 85. Chương trình "Tình yêu ở lại" sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong tối ngày 10/11.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và "Tình yêu ở lại" với khán giả Hà Nội

(ANTĐ) - Sẽ có một đêm  nhạc diễn ra tại Hà Nội nhân dịp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tròn tuổi 85. Chương trình "Tình yêu ở lại" sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong tối ngày 10/11.

Nội dung đêm nhạc bao gồm những ca khúc gắn liền với tên tuổi của người nhạc sỹ tài hoa, với từng chặng đường mà nhạc sỹ đã đi qua như “Tình trong lá thiếp”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Đoàn giải phóng quân”, “Bóng cây Kơnia”, “Thuyền và biển”, “Anh ở đầu sông, em cuối sông”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Tham gia đêm nhạc có những giọng ca gạo cội như NSND Quang Thọ, Doãn Tần, Hoàng Chè, Quang Lý, Dương Minh Đức, Măng Thị Hội, Trọng Tấn, Anh Thơ…

Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc, như “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm”.. . Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như “Tình trong lá thiếp”, “Những ánh sao đêm”, “Bóng cây Kơnia”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Thuyền và biển”...

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay “Trầu cau”, sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài “Mùa đông binh sỹ” (viết vào năm 1940) và  “Đoàn giải phóng quân” viết cuối 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như “Nhớ ơn Hồ Chủ tịch”, “Quê tôi ở miền Nam”...

Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành là Uỷ viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Tháng 12/1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban văn nghệ Khu. Thời gian đó ông viết bản hành khúc “Ra tiền tuyến” với bút danh Huy Quang.

Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và sống ở đó. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ. Ông từng nói, thơ và nhạc như hai anh em song sinh và “tôi nguyện chắp cánh cho thơ bay lên”.

Phú Duy