Nhà văn trẻ, bươn chải và khát vọng

(ANTĐ) - Họ là những người bị “giời đầy”, miệt mài viết và in sách, dù thu nhập từ sách chẳng đáng là bao. Đầu năm, trò chuyện với nhiều cây bút trẻ đang hừng hực sáng tác, chúng tôi cố hiểu nội lực của họ xuất phát từ đâu. Dù sao, giữa thời buổi sa sút chung cả về kinh tế lẫn văn hóa đọc, nỗ lực của họ vẫn là điều đáng nể.

Nhà văn trẻ, bươn chải và khát vọng

(ANTĐ) - Họ là những người bị “giời đầy”, miệt mài viết và in sách, dù thu nhập từ sách chẳng đáng là bao. Đầu năm, trò chuyện với nhiều cây bút trẻ đang hừng hực sáng tác, chúng tôi cố hiểu nội lực của họ xuất phát từ đâu. Dù sao, giữa thời buổi sa sút chung cả về kinh tế lẫn văn hóa đọc, nỗ lực của họ vẫn là điều đáng nể.

Ham mê sáng tạo

Đầu năm, tại HN có hai buổi ra mắt sách khá đình đám. Thứ nhất là buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị “Trại Hoa đỏ” của Di Li tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản, thứ hai là cuốn tiểu thuyết “Gọi con người” của Hòa Bình tại một quán cà phê sang trọng trên phố Tràng Tiền. Ngỡ ít người quan tâm đến sách, nhưng nhầm, tại những buổi này, tập trung rất nhiều nhà văn, nhà phê bình trẻ sôi nổi hỏi han, tranh luận. Không khí văn chương hóa ra không hề nguội lạnh.

Nhìn lại mấy năm nay mới thấy không ít những người trẻ cặm cụi viết lách. Nguyễn Văn Học, sinh năm 1981 đang học năm cuối khoa Viết văn trường Đại học Văn hóa đã in 2 tập thơ, 4 tiểu thuyết và 3 tập truyện. Nguyễn Đình Tú thì đã in 6 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết, gần đây nhất là “Nháp” cuốn tiểu thuyết gây xôn xao vì những chuyện của giới trẻ. Năm 2007, Đặng Thiều Quang in liền 2 cuốn, năm 2008 anh in “Đảo cát trắng”. Đầu năm nay, anh ra cuốn “Bóng giai nhân”. Quang “dọa” năm nay còn ra tiếp một tập truyện ngắn, một tập tạp bút, và một bộ sách... dạy câu cá (anh là người ham mê “phượt” câu cá, luôn đi câu tận những vùng hẻo lánh nhất).

Phong Điệp thì vừa làm báo vừa làm admin một trang web văn chương khá hot, nhưng năm nào chị cũng ra sách, năm một, có năm 2 cuốn. Tổng số xấp xỉ 10 đầu sách. Đầu năm 2009, chị lại ra thêm một cuốn tiểu thuyết mới.

Gia nhập làng văn chưa lâu, nhưng Nguyễn Quỳnh Trang đang viết cuốn tiểu thuyết thứ ba và sắp ra một tập truyện ngắn mới. Với chị: thiếu việc sáng tác văn chương, tôi cảm thấy cuộc sống của mình trở nên ít nhiều vô nghĩa. Ngô Thị Hạnh (TP.HCM), Đoàn Văn Mật (Nam Định) đều đã xuất bản khá nhiều thơ và vẫn đam mê … cày thơ. Mật thì đang thử sức thêm với việc viết tiểu luận.

Thụy Anh (Liên bang Nga) - gương mặt thơ trẻ nổi lên ở Ngày thơ Việt Nam năm nay thì bắt đầu viết truyện ngắn. Chị đang có ý định đi sâu vào viết cho lứa tuổi thiếu nhi và mới lớn.

Ngoài việc khai phá những đề tài mới trong cuộc sống vốn này càng đa dạng biểu hiện sống, kiểu như Di Li tiếp tục dòng trinh thám kinh dị với tiểu thuyết “Giáo phái” đang post lên blog, đề cập đến giới tính... thứ tư và sự nguy hiểm của loại ma túy mới du nhập vào Việt Nam - nhiều nhà văn trẻ đang tìm tòi cách tân về hình thức. Đặng Thân mới ra tập truyện ngắn “Ma net” với thử nghiệm ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ công dân mạng khá thú vị. Tiểu thuyết mới của Hòa Bình thì có 3 nhân vật chính cùng xưng “tôi”. Sách được chia làm 35 phần nhỏ được chị gọi là 35 Cửa Chữ và người đọc có thể đọc từ bất cứ  phần nào họ muốn. Ngô Thị Hạnh thì đến phòng thu và tự trình bày tác phẩm thơ của mình trên nền nhạc. Chị dự kiến phát hành một CD đọc thơ!

Cơm áo không đùa...

Phổ biến hiện nay, sách in một lần chỉ là 1.000 cuốn, các chủ xuất bản thường trả 10% nhuận bút trên doanh thu. Rất ít sách được tái bản 3-4 lần như Dương Bình Nguyên, Nguyễn Văn Học, Cấn Vân Khánh, Di Li...

Nếu được như vậy, nhuận bút cũng chỉ khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Mà viết một quyển sách có dễ dàng gì: một tiểu thuyết trung bình phải vài năm, tưởng là nhanh như viết truyện ngắn nhưng thực tế có phải lúc nào cũng viết được đâu? Tóm lại viết sách, nếu tính về hiệu quả kinh tế thì lỗ to.

Một nhà văn  trẻ có tiểu thuyết được Hội Nhà văn Việt Nam đưa vào chung khảo giải thưởng năm qua buông ra một câu: “Thù lao một quyển sách giống kiểu “có chồng hờ hững cũng như không”. Một nhà văn trẻ TP.HCM thì thật thà: Sách in ra, tôi trừ hơn một nửa nhuận bút mua lại sách mình, để tặng bạn bè, người quen làm… kỷ niệm! Số tiền còn lại tôi đưa vợ... nuôi cá cảnh!

Thế nên nhà văn viết sách rất vất vả nhưng lại sống bằng nghề khác. Đặng Thiều Quang làm kiến  trúc sư, Di Li đi dạy ngoại ngữ và làm du lịch, Ngô Thị Hạnh làm biên tập viên nhà xuất bản, viết thêm kịch bản phim truyền hình... một số nhà văn trẻ đang đi học trong khoa Viết văn thì đi làm thuê cho các công ty sách giờ đang mọc ra nhan nhản. Còn lại, đa số đều đi làm báo, bởi thực tế, viết báo kiếm tiền nhanh và đều hơn viết văn và làm thơ. Một nữ nhà văn đùa khá chua chát: Tôi nghĩ thị trường văn chương hiện nay vẫn như thời Nguyễn Công Hoan và Nam Cao: nhà văn mang tác phẩm đến cho các chủ bút, rồi được họ nhận in là tốt lắm rồi, còn đòi hỏi nỗi gì.

“Trong lúc cuộc sống khó khăn, người viết còn khó khăn hơn, điều gì khiến anh/ chị vẫn quan tâm và lao động văn chương?” - đó là câu hỏi tôi đặt ra với nhiều người trong số họ. Nhiều câu trả lời thật thú vị. Đoàn Văn Mật giãi bày: khi đã mang trong mình “căn nghiệp chữ nghĩa” thì dù cuộc sống có khó khăn đến bao nhiêu cũng không làm họ ngừng lao động văn chương. Thụy Anh phân minh: Trên thực tế, người ta có thể viết để… sống, điều đó là hiển nhiên, nhưng khi bắt tay vào viết, có lẽ mục đích “kiếm sống” đã không còn hiện hữu nữa. Nhà văn có niềm vui khi được phát biểu bằng cách của mình với thế giới thông qua tác phẩm. Hòa Bình khá “lý tưởng” khi nói: nhà văn thực thụ sẽ hiểu cuộc sống khó khăn này là lúc anh (chị) ta xuất hiện với những liều “thuốc” cho nhiều căn bệnh đang hoành hành và nghiền nát mỗi tâm hồn. Đây là thiên chức đã được trao tặng mà những nhà văn thật sự thì không từ chối nó.

Như vậy, có thể thấy các nhà văn ý thức khá rõ về “danh phận” của mình. Dường như nó có gì đó lung linh, một sứ mệnh nào đó được trao cho nhà văn? Nó khiến người ta có thể “tử vì đạo” chăng? Dù thế nào, hình như với người viết thực sự, văn chương không phải là một cuộc chơi nhàn tản của con người. Nó khắc nghiệt và có thể đem lại thất vọng cho người đam mê, nó lại còn đòi hỏi người ta phải hết mình với nó nữa.

Nhưng cũng có những câu trả lời dung dị về cái “danh” của nhà văn, cho thấy bên cạnh trách nhiệm nghề nghiệp, những nhà văn trẻ hôm nay không ảo tưởng. Nói như Ngô Thị Hạnh: “Danh của nhà thơ hay danh của thợ mộc, nếu không tìm thấy được tình yêu và niềm tin từ lao động thì cũng chỉ là “bả” mà thôi. Chữ “danh” của ngành nào cũng nhờ chữ “tín” mà có cả, nhà văn nhà thơ cũng vậy. Dính vào nghiệp văn, nói như Thụy Anh: Cũng như tình yêu ấy mà, tình yêu đến với ta đâu cần biết lúc đó gia cảnh ta thế nào, khó khăn hay sung túc! Cũng như tình yêu, nghề văn đòi hỏi người viết dâng hiến hết mình. Cũng như tình yêu, đôi khi nó làm ta choáng ngợp, hay ngộ nhận nữa…      

Lê Anh Hoài

Vài dòng tự bạch

Ngô Thị Hạnh: Với văn chương, khó khăn làm sao ngăn cản nổi, chỉ trừ khi người ta đến với văn chương không phải vì yêu mà vì vụ lợi, đến khi không có lợi mà chỉ thấy hại thì người ta mới “truất ngựa” mất tăm. Người đến với văn chương từ máu thịt, không quan tâm đến khó khăn hay thuận lợi khi lao động văn chương.

Hòa Bình:  Rất nhiều người trong xã hội nghĩ rằng cái danh nhà văn là oai oách, nên có cả tình trạng “chạy” vào Hội Nhà văn để thỉnh thoảng mang cái thẻ trong túi áo ngực ra khoe. Tôi nghĩ, nhà văn thực thụ phải là người miệt mài lao động với chữ nghĩa, bất kể mọi yếu tố tác động xã hội khác, giàu hay nghèo, ở thành phố hay thôn quê, có công việc khác ngoài viết lách hay không, cô đơn hoặc ở với gia đình... Chỉ có tác phẩm mới vượt qua thời gian và nói lên tất cả chứ không phải những tuyên ngôn của nhà văn.

Di Li: Tôi không cho rằng viết lách khó khăn trong thời buổi hiện nay. Tôi vẫn nói đùa rằng trong khi hàng loạt công ty nước ngoài đang ăn nên làm ra đã phải giải thể, nhiều công ty nước ngoài còn nợ lương nhân viên vào dịp Tết, thì cái anh nhà văn cứ đường hoàng mà sống. Thực ra thì tôi là người lạc quan nên không bao giờ quá bi kịch hóa vấn đề.

Nguyễn Quỳnh Trang: Đổi mới là vấn đề quan trọng để chứng tỏ tố chất, khả năng của từng nhà văn. Nếu không có sự tìm tòi đổi mới về văn phong, anh chỉ đơn giản là kể ra một câu chuyện nhạt chứ không phải là người sáng tạo.

Phạm Ngọc Lương: Chính xác thì tôi cũng đã nghịch ngợm một đôi chút theo cái gọi là “cách tân”, đề tài thì về tình yêu. Nhưng cuối cùng tôi rút ra được kết luận: tại sao lại phải dùng từ cách tân nhỉ, khi mà chính bản thân tôi đã là một cái mới rồi. Cách tân chỉ nên dành cho những người đã già muốn trẻ, và người đang trẻ đã già thôi. Tôi loại trừ nó.

Đặng Thiều Quang: Theo tôi sách là một mặt hàng đặc biệt, đó là tri thức, là nội dung chứ không phải hình thức, và nó cũng là một nền tảng quan trọng trong những yếu tố quyết định đến nền kinh tế đất nước. Tôi thấy rất nhiều sự lãng phí vô ích khi cầm trên tay những cuốn sách in đẹp đẽ, giá cao ngất, trong khi chẳng ai mua, bởi nội dung nó nghèo nàn, không đáng đọc.

Nguyễn Đình Tú: Nghề văn đã là sự lựa chọn của tôi rồi. Xã hội càng không mặn mà với văn chương, thêm một người đọc sách của mình là càng đáng quý lắm. Cũng giống như một ca sĩ vậy, còn một người nghe thì vẫn có thể hát. Khi nào tôi cảm thấy văn chương của mình không còn người đọc nữa hoặc tôi thấy những điều mình viết đã hết “nhựa” thì tôi tự nguyện gác bút.

Phong Điệp: Tôi tin rằng luôn có những người tâm huyết và tìm đến với văn chương. Chẳng lẽ điều đó không phải là một động lực để người viết ngồi vào bàn làm việc ư?