Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Hà Nội vẫn là một thành phố rất… dễ chịu

ANTĐ - Sau thế hệ những văn, nghệ sĩ lớn đau đáu với Hà Nội như Thạch Lam, Tô Hoài, Phan Vũ, Chu Lai, Bùi Xuân Phái, Băng Sơn, Phú Quang… đã cùng vẽ nên một bức tranh về Hà Nội đầy lãng mạn, góp phần lớn định hình một mỹ cảm rất riêng về Hà Nội trong tâm hồn mỗi con người thì rất khó tìm được một nghệ sĩ trẻ nào dành cho Hà Nội nhiều trang viết đến vậy. 
Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Hà Nội vẫn là một thành phố rất… dễ chịu ảnh 1

Nhưng Nguyễn Trương Quý thì đã có tới 6 cuốn sách viết về Hà Nội. Hà Nội trong sách Nguyễn Trương Quý không phải là một Hà Nội “đẹp toàn bích”  mà đó là một Hà Nội rất thực tế, rất đời. Anh đã có những chia sẻ với An ninh Thủ đô Cuối tuần về tình cảm của một người trẻ đã bỏ nhiều công sức để quan sát và viết về Hà Nội.

- Trong những tác phẩm của anh về Hà Nội, tôi thấy bên cạnh những thứ rất thực tế về con người, cuộc sống Hà Nội hiện tại, hình như anh vẫn còn rất lưu luyến với một Hà Nội xưa đã khép lại trong những trang sách, bản nhạc cũ?

- Khi tôi biết nhận thức thì đã thấy Hà Nội rất khác rồi, dù hồi đó thành phố vẫn còn “quê” lắm. Nơi tôi sống là khu vực Ngã tư Vọng vẫn còn rất nhiều ao hồ, thậm chí vào những khu như Ngọc Hà, Đội Cấn, hay cả trong phố cổ cũng còn ao hồ và ruộng nữa. Hà Nội “phố xá” chỉ có một chút ở những ngã tư hay khu vực Bờ Hồ với những cửa hàng, cửa hiệu hay sáng đèn thôi. Đến khi đi học, tôi có đọc rất nhiều sách của các nhà văn về Hà Nội như Tô Hoài, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, nghe nhạc Đoàn Chuẩn, xem tranh Bùi Xuân Phái… tôi thấy một Hà Nội rất khác, có nếp sống thị dân, có cửa hàng, cửa hiệu, người ta ăn mặc nhiều quần áo lạ, có lối ứng xử khác với thời tôi sống… Tôi thấy Hà Nội trong các tác phẩm này như một miền cổ tích quá xa xôi từ thế kỷ nào ấy, nhưng lớn lên mới biết hóa ra thậm chí những người sống trong thời ấy, viết ra những tác phẩm đấy có người vẫn đang sống cùng thời mình đây thôi. Và tôi thấy rõ ràng Hà Nội đã có một sự phát triển đứt đoạn, có lẽ vì một thời chúng ta đã trải qua những giai đoạn phát triển không bình thường, là chiến tranh, là bao cấp, các quan niệm về giá trị của đô thị không được coi trọng, người ta không nhìn đô thị như một xã hội thị dân mà nhìn như một xã hội bao cấp kế hoạch tập trung, có vẻ cái gì cũng có mà cái gì cũng thiếu. Vì vậy, ngoài việc hòa mình với đời sống Hà Nội hiện tại, tôi cũng bỏ công đọc, tìm hiểu, hỏi han về cuộc sống của người Hà Nội xưa, và thực sự có nhiều điều tiếc nuối.

- Là một người trẻ, sao anh lại “phải lòng” một thành phố xưa cũ, cổ kính đã đi vào ký ức đến vậy?

- Có thể nói Hà Nội những năm 1940-1945 có sự hoàn chỉnh về kiến trúc cũng như những thiết chế quản lý đô thị, nó có sự ảnh hưởng rất lớn đến mỹ cảm của các thế hệ sau này. Tôi có xem những bộ sưu tập về công trình của Hà Nội vào khoảng thời gian này, nó như một bức tranh toàn bích, những ngôi nhà nhỏ nhỏ xinh xinh với những mái ngói vảy cá lô xô như đang thì thầm nói chuyện, những cái cây, những nhà hát, bảo tàng, trụ sở, nhà dân… tất cả thành một quần thể dễ thương vô cùng. Một thành phố như thể sinh ra để người ta đến du lịch. Nó bình yên, thơ mộng, cái gì cũng bé xinh, tỉ mỉ khiến bất cứ ai cũng yêu ngay được.

Có thể nói, tình yêu với Hà Nội bây giờ có sự góp phần đáng kể của hệ thống mỹ từ, hình ảnh đẹp trong âm nhạc, hội họa, văn chương đã định hình quá đậm nét cái tình cảm ấy trong đầu mọi người. Chắc không có thành phố nào trên thế giới lại có nhiều bài hát ca ngợi đến vậy, tôi đã thống kê trong cuốn Còn ai hát về Hà Nội của mình, lên tới gần 1.000 bài. Bất cứ một thứ gì dù nhỏ bé, bình dị nhất về Hà Nội, một chiếc lá vàng rơi hay mặt nước hồ… đều có thể đi vào tác phẩm âm nhạc. Và tôi nghĩ nhiều người tìm đến cái tình yêu ấy như một sự thoát ly thực tại, yêu một thứ thuộc về ký ức chứ không phải yêu một thực thể.

- Anh bắt đầu “mê” khám phá Hà Nội từ khi nào?

- Có lẽ là từ những năm tháng còn nhỏ, khi đi học vẽ. Tôi thích cùng bạn bè đạp xe khắp phố phường, chui vào các ngóc ngách, và có thú vui là phát hiện ra những chỗ lạ. Rồi cả bọn lấy làm sung sướng như thể mình phát hiện ra châu Mỹ. Học vẽ thì cũng nhiễm cái gu thẩm mỹ của những thầy giáo, những người không giàu sang nhưng còn giữ những cảm hứng lãng mạn về những góc phố xô lệch, những bố cục rất “mỹ thuật” của phố Hà Nội. Tôi cũng là đứa trẻ sớm chịu ảnh hưởng của những trang sách sử viết về nghìn xưa văn hiến của Hà Nội, mà mãi sau này dù nhận ra nhiều phần là dã sử nhưng vẫn còn giữ cảm xúc hồi đầu ấy.

- Vốn là một kiến trúc sư, chắc hẳn anh có cái nhìn rất khắt khe về đô thị Hà Nội?

- Có một giai đoạn, người ta xây dựng Hà Nội thành một thành phố công nghiệp tập trung, lấy đó làm lõi của đô thị, việc này khiến quan hệ giữa con người với nhau chỉ tồn tại trong những mối quan hệ đoàn thể, nhà máy, xí nghiệp chứ không phải quan hệ giữa những con người ở phố. Nó thiếu một cung cách hữu cơ của xã hội thị dân, mà chỉ là nơi sinh tồn, và cư dân mất ý thức về không gian sinh tồn của mình đi kèm tôn trọng người khác. Một tòa chung cư hay một khu dân cư rất đông người ở, nhưng người ta quan niệm làm sao chia năm xẻ bảy nó ra để bán kiếm lời là xong nhiệm vụ, chứ không coi nó là một thực thể hoàn chỉnh với những mối quan hệ gắn bó, sự phát triển hoàn chỉnh về văn hóa, tinh thần, vì vậy những tòa nhà hay khu dân cư này cứ khô khốc ra. Những người xây dựng nên chúng có vẻ không nghĩ về thành thị như một không gian sống cho người ở phố. Dường như vắng bóng ý thức rằng mỗi công trình xây dựng, người ta phải thổi vào đấy một cái giá trị văn hóa nào đó thì mới tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Bạn có thấy từ xa xưa, như Hồ Gươm chỉ là một cái hồ rất bình thường, nhưng đã được thổi vào đấy những câu chuyện văn hóa, lịch sử, và bản thân kiến trúc xung quanh nó cũng phản ánh những giá trị văn hóa đó.

- Có vẻ như anh đang yêu Hà Nội theo cách riêng của mình?

- Thật ra nếu yêu cứ phải nói to là yêu thì… khó lắm, mình chỉ thấy cái gì nó đập vào mắt mình, có cảm xúc thì mình viết thôi. Cái phần bực bội, khó chịu về những thứ diễn ra trên mảnh đất này thì lúc nào cũng có. Nhưng chắc phải có tình cảm thì mới bức xúc được chứ, sợ nhất là ai cũng thờ ơ.

- Thế anh đã tìm được gì “đáng yêu” ở Hà Nội?

- Hà Nội bây giờ đang xây dựng một hiện trạng mới, tôi nghĩ là đang có rất nhiều vấn đề, nhiều mẫu thuẫn, xung đột, nhưng có lẽ cái sự phát triển nóng ấy đang là một cách tổ chức, sắp xếp lại các mối quan hệ xã hội. Nói cho công bằng thì các cơ quan quản lý cũng cho thấy có cố gắng từng bước tháo gỡ cái mớ bòng bong ấy. Dù không phải lúc nào cũng thành công, nhưng họ cũng có một ý thức xây dựng một khung cảnh văn hóa, bên cạnh đó là những công trình, tiện ích hiện đại, những trung tâm giải trí mua sắm, rồi việc cải cách hành chính khiến người ta cảm thấy dễ chịu hơn trước rất nhiều…

Còn với tôi, tôi nghĩ Hà Nội dù đã và đang phát triển theo hướng hiện đại, nhưng vẫn là một thành phố rất sống động. Ngay cả đối với những vị khách du lịch nước ngoài lạ lẫm, khi đặt chân đến Hà Nội, họ có thể “quăng” bản thân vào cái “mớ bòng bong” ồn ào này một cách rất dễ chịu và thôi thúc họ khám phá. Cái mà họ thích nhất vẫn là những khu phố cổ, hệ thống buôn bán vỉa hè, nó cho thấy một sức sống ghê gớm của một Hà Nội “kẻ chợ”. Và Hà Nội vẫn còn những nơi mà mình có thể ngồi thảnh thơi, ngắm ra một góc phố, mặt hồ hay những tòa biệt thự cũ có màu vàng rất đặc trưng, cái không khí rất Hà Nội.

- Dù có nuối tiếc Hà Nội xưa, nhưng tôi nghĩ là chúng ta cũng nên hướng tới một thành phố hiện đại?

- Tôi vừa đi quay một series phim tài liệu cùng với Đài Truyền hình Việt Nam về chủ đề các ngõ ở Hà Nội xong, tôi làm nhân vật chính của series phim này. Thực sự là thấy mệt và có phần buồn, những giá trị cũ đã phôi pha mà các giá trị mới chưa kịp thay thế và định hình… Tôi nghĩ những giá trị quá vãng đã hoàn thành nhiệm vụ của nó rồi, cũng không nên níu kéo khiên cưỡng nữa. Các đô thị lớn không chỉ ở nước ta mà cả các thành phố huyền thoại trên thế giới, đều có những vấn đề của nó, nhưng dường như mọi người kỳ vọng Hà Nội ở một giá trị đặc biệt của đất nước. Khó mà làm tốt được khi anh phải đóng tất cả các vai.

- Theo anh thì để xây dựng một Hà Nội vừa giàu đẹp, hiện đại nhưng lại vừa văn minh thì cần thiết nhất là gì?

- Tôi nghĩ là cần một sự quản trị đô thị chuyên nghiệp và minh bạch. Một xã hội đô thị mà mọi người tuân thủ pháp luật, từ đấy các giá trị văn hóa cũng như ứng xử mới tồn giữ được.  Để các giá trị được khơi dậy, dùng lời lẽ hô hào hay tổ chức các cuộc vận động tốn kém chẳng đi đến đâu, mà phải trên một cái nền quản trị xã hội đô thị hiệu quả và quan tâm đến đời sống cư dân của nó.

- Cảm ơn anh về những tâm sự chân thành này!

Sinh năm 1977, Nguyễn Trương Quý tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và từng làm một kiến trúc sư. Tuy nhiên đam mê văn học, anh đã cầm bút, và hầu tất sự nghiệp viết lách của anh cho đến thời điểm này đều xoay quanh những vấn đề liên quan đến Hà Nội với những tác phẩm như: Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Còn ai hát về Hà Nội, Xe máy tiếu ngạo, Dưới cột đèn rót một ấm trà. Anh cho biết, sẽ tiếp tục với những câu chuyện Hà Nội ở góc độ con người làm việc ở Hà Nội, các câu chuyện cụ thể, viết sao cho thú vị thì tự thân đó đã là một cách quảng bá Hà Nội rồi.