Nhà văn Ngô Thảo: Hà Nội ấm áp như là quê hương

ANTD.VN - Năm 1959, tôi từ Nghệ An ra thi đại học, tính đến năm 2019 này là vừa tròn 60 tôi ở Hà Nội. Tròn 60 năm, chứng kiến cả những thời khắc gian khó nhất của mảnh đất này, tôi thấy giá trị của người Hà Nội là họ biết làm dân, họ có thể làm nhiều nghề: nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, thương gia… và tham vọng nhất của họ là có một cuộc sống bình an, không ồn ào xô bồ và bon chen.

20 năm UNESCO vinh danh Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”. Trong các tầng nghĩa, làm gì có thành phố nào “vì hòa bình”, việc UNESCO vinh danh ở đây là công nhận cái tâm thế với những ao ước hòa bình, yên ổn. Chính những điều đó làm nên Hà Nội, mặc dù suốt chiều dài 1.000 năm tồn tại, thành phố này đã biết bao lần trải qua chiến tranh, mưa bom bão đạn, rất nhiều thế hệ người Hà Nội đã hy sinh để Hà Nội được hòa bình. 

1. Chiến tranh cũng đã qua đi, Hà Nội ngày hôm nay là một thành phố phát triển đến mức chóng mặt. Tỷ lệ người nhập cư tăng lên không ngừng, người Hà Nội bị dồn vào một không gian quá chật hẹp. Hà Nội đã bị biến dạng dù mang tâm thế hòa bình.

Có vài điều làm tôi ngẫm nghĩ. Thủ đô chấp nhận mở rộng là chấp nhận phát triển. Đối với những người Hà Nội thì nếp sống là điều quan trọng. Bây giờ, những khu nhà “5 sao” được xây dựng khắp nơi. Họ không ngần ngại quảng cáo về cái gọi là “không gian thượng lưu cho tầng lớp thượng lưu”. 

Than ôi! Người ta đang đánh đồng những người có tiền đều thuộc tầng lớp thượng lưu hay sao? Hiện chúng ta đang có ý nghĩ rằng, cứ xây dựng là để phát triển Thủ đô, hay nguy hiểm hơn đang dần hình thành một nếp nghĩ là người giàu có mới sống được ở Hà Nội - một lối suy nghĩ tưởng đơn giản nhưng thực sự đang làm méo mó xã hội. Trong khi bản chất để làm nên nếp sống thực sự Hà Nội chỉ cần: Sống thanh thản!

Mấy ngày nay báo chí đưa thông tin: “Việt Nam là nơi đáng sống với người nước ngoài”. Đó là tin vui, nhưng sẽ còn vui hơn nếu trả lời được câu hỏi thế có đáng sống với chính bản thân người Việt Nam hay không? Điều này mới quan trọng. Rất nhiều người khi đi nước ngoài về thì đều nói, nếu có tiền sống ở Việt Nam là sướng nhất. Thế nhưng, làm sao để có đủ tiền? Làm sao để những người có đủ tiền chiếm tỷ lệ cao trong dân số trong khi hàng triệu công nhân của chúng ta vẫn đang chật vật mưu sinh, lương thấp, học phí cao, phí dịch vụ y tế cao. Chỉ có kéo gần khoảng cách giàu nghèo thì mới tạo được sự ổn định trong cuộc sống.

Tôi còn nhớ những năm tôi học Đại học Tổng hợp, ký túc xá của tôi ở ngoài bãi Phúc Xá, sau trường chuyển về Láng chỗ Đại học Ngoại thương bây giờ. Đó là khoảng thời gian nghèo nhưng thanh bình. Hệ thống cán bộ thanh liêm lắm. Mọi người đều sống tử tế, an phận, yên bình. Những năm chiến tranh chống Mỹ lại chính là những năm tháng người Hà Nội sống trong trật tự, tổ chức chặt chẽ, vì thế đối mặt với cuộc chiến khủng khiếp đó, không thấy sự lộn xộn hay biến loạn, người Hà Nội an nhiên đối mặt khó khăn. Đó chính là thứ đáng quý mà không phải thành phố nào, nước nào cũng làm được đâu.

Thời bao cấp thì quả thực khó khăn, tất nhiên tiêu cực cũng có, nhưng con số này ít, phê phán được và quan trọng những người đó họ biết ngượng, biết che giấu.

2. Sáu mươi năm tôi ở Hà Nội mọi thứ thay đổi nhanh vô cùng. Thanh niên bây giờ khi nhìn những U80 như chúng tôi thì hay đùa nói là không biết có được bằng các cụ không, bây giờ cái gì cũng có nhưng cái gì cũng không sạch, từ không khí cho đến con cá lá rau. Đâu đâu cũng e ngại tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, lợn gà thì hở ra là có thuốc tăng trọng.

Còn một điều nữa tôi muốn nói là nếp sinh hoạt tạo nên các thế hệ người Hà Nội. Bây giờ cứ nhìn vào nhu cầu thưởng thức văn hóa mà xem. Các nhà hát, sân khấu thưa vắng khán giả. Có người quanh năm không có nhu cầu đi xem biểu diễn nghệ thuật. Các loại hình âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật truyền thống vì thế mà cũng mai một dần đi. Nhu cầu thưởng thức văn hóa thì yếu mà quán nhậu thì nhiều. 

Chính vì thế, tôi nghĩ, Hà Nội cần thay đổi các thiết chế văn hóa cho hợp với nhu cầu của thời đại. Chúng ta cứ nói lễ hội tổ chức là tốn kém, lãng phí. Lãng phí hay không nó vô cùng lắm bởi nhờ có những thứ đó, nếp sống văn hóa, vốn cổ còn được giữ gìn. Rồi thì, nếu không giữ gìn bản sắc văn hóa thì người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng đi ra nước ngoài chỉ là con số 0.

Bây giờ chúng ta có bộ phim nào thật hay về Hà Nội không? Mấy chục năm trước, chúng ta có “Em bé Hà Nội”, bây giờ có bộ phim nào vượt qua đỉnh ấy chưa?

Trải qua nhiều biến động, Hà Nội vẫn là Hà Nội dẫu có thế nào vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn. Đừng cố làm cho Hà Nội đẹp hơn, hãy cứ để Hà Nội bình dị như thuở nào. Đừng cố để giàu có mà hãy làm gì đó để người Hà Nội được hạnh phúc. Xin được nói rằng, đất nước cần giàu mạnh, nhưng người dân thành phố này cần được hạnh phúc. Người dân Hà Nội có tâm thế hạnh phúc với những điều giản đơn: sức khỏe, an toàn giao thông, ổn định chính trị, xã hội yên ổn, ăn uống sạch sẽ, giữ được nếp sống không bon chen, tranh chấp, đố kỵ… 

Nhà văn Ngô Thảo: Hà Nội ấm áp như là quê hương ảnh 2Hà Nội là thành phố hòa bình khi hội tụ được những con người ở những miền quê khác nhau đến đây lập nghiệp. Ảnh: LAM THANH

3. Sáu mươi năm gắn bó với Thủ đô, cùng trải qua và chứng kiến biết bao nhiêu biến động của thành phố này, có người hỏi tôi rằng, có phải tôi đã hiểu Hà Nội đến tận cùng chưa. Xin thưa là tôi không dám. 60 năm rồi vẫn sợ mình nhỡ có làm gì đó ảnh hưởng đến Hà Nội, bị coi thường. Tôi vẫn là tôi - một người Quảng Trị.

Hà Nội bao dung vô cùng, ôm vào lòng tất thảy những người nhập cư như tôi. 60 năm sống ở đây, tôi biết ơn không gian này và đã không làm điều gì sai sót. Cả đời tôi sống ở Hà Nội mà vẫn chưa cảm thấy mình là người Hà Nội bởi Hà Nội có những phẩm chất mà tôi không chắc thế hệ mình có thể học được. 

Tôi tin rằng, chính sự tôn trọng đa dạng văn hóa của Hà Nội là thứ quý báu nhất để cho tất thảy những miền quê xa xôi đến Hà Nội đều có thể làm giàu cho văn hóa Hà Nội chứ không phải làm méo mó biến dạng. Nếu chỗ nào đó của Hà Nội chưa trọn vẹn, cần có người làm đẹp thêm bằng cách này hay cách khác. Và Hà Nội là thành phố hòa bình khi hội tụ được những con người ở những miền quê khác nhau đến đây lập nghiệp, họ cảm thấy Hà Nội ấm áp như chính quê hương của mình vậy.