Nhà văn Mường Mán bày tranh "Mùa chim gọi cưới" ở tuổi 75

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ở tuổi 75, nhà văn Mường Mán đã quyết định ra mắt bạn bè, người yêu tranh triển lãm "Mùa chim gọi cưới". Không gian bày tranh chả phải đâu xa lạ mà chính là quán Ruốc của ông ở số 145A - Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, TP. HCM.

Quán Ruốc là nơi từng được Mường Mán bày tranh ở lần triển lãm đầu tiên mang tên "Tuần trăng mê hoặc".

Đây là quán ẩm thực chuyên nấu các món ăn Huế thết đãi các thực khách Sài thành. Trong số này, nhiều món ăn Huế đã được Mường Mán viết trong các tác phẩm văn chương, với tinh thần thương nhớ cố hương.

Ở lần triển lãm này, Mường Mán bày 56 bức tranh, trong đó có khoảng 20 bức được ông sáng tác từ 2019 đến nay.

Mỗi bức tranh của nhà văn Mường Mán đều được đặt tên theo kiểu bay bổng thi ca như “Hạnh phúc trôi”, "Nguyệt cầm trắng", “Cõi xanh ươm lại mộng” hoặc “Chúc em trần thế mặn mà sắc hương”.

Tranh của ông giàu ý tưởng, đa dạng, màu sắc nhẹ nhàng, đôi lúc gợi mở đưa tâm hồn người xem vào những suy tư trừu tượng, đa nghĩa. Nhiều bức tranh là những hồi ức sâu lắng và đằm thắm, phảng phất nét trầm mặc như chất cố đô Huế trong con người và thơ văn ông.

Mường Mán không phải là trường hợp đầu tiên vừa cầm bút viết, vừa cầm bút vẽ.

Làng văn có không ít nhà thơ và nhà văn ngẫu hứng cầm cọ khá thành công như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khắc Phục, Trần Nhương... Thậm chí có rất nhiều người cầm bút cũng là họa sĩ chuyên nghiệp.

Nhà văn Mường Mán ở tuổi 75

Nhà văn Mường Mán ở tuổi 75

Mường Mán kể, ông vốn mê vẽ từ thời học cấp 3 ở trường Quốc học Huế, nhưng anh trai và gia đình ngăn cản việc theo đuổi.

Rồi cuộc đời và văn chương kéo đi, kinh qua nhiều nghề, trong đó có làm bìa sách và vẽ minh họa, mãi sau này mới quay lại vẽ tranh.

Ông đã có kinh nghiệm gần 15 năm trình bày bìa và vẽ minh họa sách báo, đặc biệt là tạp chí Áo trắng.

Mường Mán còn giữ được hơn 300 tranh vẽ minh họa và phác thảo, nên giờ túc tắc “chuyển soạn” chúng lên vải bố và sơn dầu.

“Nhưng cũng có những tranh mang tựa y chang tên các tiểu thuyết, hoặc truyện ngắn của tôi như “Bèo nước long đong”, “Tuần trăng mê hoặc”... cũng có bức vẽ từ cảm xúc của một bài thơ, hoặc tứ thơ nào đó mà tôi đã viết”, Mường Mán nói.

Với các triển lãm cá nhân, Mường Mán có tham vọng: “Triển lãm chỉ là cái cớ để gặp gỡ bạn bè. Còn tranh thì bán được bức nào thì mừng cho bức ấy có người vừa mắt”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhận xét, về kỹ thuật, tranh của Mường Mán pha trộn tinh thần lãng mạn với biểu hiện và một chút hiện thực huyền ảo.

Về bảng màu, tranh của ông vừa có nét quen thuộc của trường phái Huế, thâm trầm, mơ mộng, vừa có nét lãng mạn của mỹ thuật Gia Định trước 1975, với chút man mác buồn đặc trưng.

"Tôi rất thích gọi tranh của ông là những bức văn thơ, vì lối vẽ diễn ý, đậm cấu tứ. Có lẽ ông vẽ tranh cũng giống như việc viết một bài thơ hoặc viết truyện vậy, sau khi đã lập ý lập tứ rõ ràng thì mới bắt đầu", Lý Đợi nói.

"Mùa chim gọi cưới" sẽ trưng bày kéo dài đến tháng 6/2022.

Mường Mán tên thật là Trần Văn Quảng, quê ở làng An Truyền (làng Chuồn) huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bút danh Mường Mán lần đầu xuất hiện với hai bài thơ ngắn là "Thiếu thời" và "Mùa hạ mới" trên tạp chí Văn năm 1965. Năm 1987, ông trở lại với tiểu thuyết "Hồng Hạ" in với số lượng 35.000 bản. Ngoài hàng chục tác phẩm văn và thơ, Mường Mán còn được biết đến qua công việc viết kịch bản phim. Ông từng biên kịch các phim "Người trong cuộc" (1987), "Tiếng đờn kìm" (còn có tên là "Chuyện Ngã Bảy", 1997), "Gió qua miền tối sáng" (viết chung, 30 tập, 1995), "Trăng không mùa" (1998), "Duyên phận" (16 tập, 2003)…

Một số tác phẩm của nhà văn Mường Mán tại triển lãm cá nhân lần thứ 2: