Ông Vi Kiến Thành-Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm:

"Nhà đấu giá Chọn mắc lỗi nhiều nhất"

ANTD.VN - Liên quan tới bức tranh giả mạo chữ ký họa sỹ Vũ Giáng Hương mà nhà đấu giá Chọn vừa đưa lên sàn đấu, Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định, các bên liên quan đều có lỗi nhưng lỗi lớn nhất thuộc về nhà đấu giá Chọn...

PV: Ông có chia sẻ với lời than phiền của không ít họa sỹ khi phát hiện ra tranh giả, nghệ sỹ có đầy đủ bằng chứng trong tay nhưng tuyệt nhiên không thấy có cơ quan chức năng nào vào cuộc?

Ông Vi Kiến Thành: Trong một xã hội đang phát triển, người nghệ sỹ cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm công dân của mình. Anh không thể đặt mình cao hơn mọi người, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc trong khi anh không có ý kiến chính thức với đơn vị chịu trách nhiệm. Đó là điều vô lý! Tôi phải nói rằng, thói quen của các họa sỹ Việt Nam khi phát hiện ra tranh giả đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của vụ việc. Trước khi trách cứ ai đó, các họa sỹ cũng cần nhìn nhận lại trách nhiệm công dân của mình. Phát hiện ra cái sai cần phải làm đơn tố giác, không thể ngồi một chỗ rồi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc. Còn truyền thông chỉ giúp các họa sỹ lên tiếng nhưng không có trách nhiệm giải quyết vụ việc.

Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

PV: Điều đó có nghĩa, ý thức sống theo pháp luật của các họa sỹ còn yếu, thưa ông?

Ông Vi Kiến Thành: Khi phát hiện ra một bức tranh giả, có nhiều cơ quan để các họa sỹ tìm đến như Thanh tra văn hóa (Bộ VHTTDL), Công an văn hóa, quản lý thị trường, tòa án dân sự. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tôi thấy rất ít các họa sỹ tới gõ cửa các đơn vị này mà phần lớn đều nhờ tới sự giúp sức của truyền thông. Đó có thể là thói quen ngại va chạm, tâm lý “được vạ thì má đã sưng” đã in sâu trong cách suy nghĩ của các họa sỹ. Các anh em nghệ sỹ ít để ý đến pháp luật.

PV: Trở lại với bức tranh giả mạo chữ ký của họa sỹ Vũ Giáng Hương mà Chọn vừa đưa lên đấu giá trong thời gian qua, theo ông, lỗi là ở đâu?

Ông Vi Kiến Thành: Vì việc thực hành pháp luật của các họa sỹ còn yếu nên trong bối cảnh mới, các họa sỹ đã vấp ngay từ khi tranh vừa mới hoàn thành. Tôi cho rằng, các bên liên quan trong vụ tranh giả mạo chữ ký họa sỹ Vũ Giáng Hương đều có lỗi nhưng lỗi nặng nhất thuộc về nhà đấu giá Chọn. Khi bức tranh được hoàn thành theo đơn đặt hàng của khách hàng, chủ sở hữu bức tranh đó không còn là họa sỹ mà chính là gia đình cô bé trong ảnh. Họa sỹ chỉ được phép ký tên. Thế tại sao họa sỹ Nguyễn Đông lại đồng ý cho cô bạn cùng quê chuyển thể sang lụa. Nếu nói về luật là sai, vì đây là tác phẩm phái sinh, họa sỹ làm gì có quyền cho người khác chép.

"Nhà đấu giá Chọn mắc lỗi nhiều nhất" ảnh 2

Buổi đối thoại 3 bên được nhà đấu giá Chọn tổ chức vào ngày 5-9

Còn đến nhà sưu tầm cũng sai, vì đã mua bán tranh không có giấy tờ, lấy gì làm bằng chứng để khẳng định đó là bức tranh thật. Còn nhà đấu giá Chọn thì rõ ràng sai nhiều hơn khi không công bố danh tính của hội đồng thẩm định. Trong lúc chúng ta đang mong muốn có thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp thì sự xuất hiện của Chọn rất đáng hoan nghênh. Nhưng khi đi vào hoạt động thì anh phải chuyên nghiệp hơn, không thể một mình một kiểu. Trong khi các nhà đấu giá trên thế giới đều công khai hội đồng thẩm định thì Chọn lại không. Vậy thì, người mua tranh biết căn cứ vào đâu để bỏ tiền ra mua một bức tranh đã được lên sàn?Tôi cho đó là điều không phù hợp với tiến trình phát triển, chưa đạt đến thông lệ để xảy ra những ồn ào không đáng có.

PV: Như vậy, để những rắc rối liên quan tới bản quyền tác phẩm hội họa không còn diễn ra, ông cho rằng, các họa sỹ nên thực hành ý thức chấp hành pháp luật ngay cả trong những giao dịch bán mua tác phẩm?

Ông Vi Kiến Thành: Đúng là như vậy! Nói nghe có vẻ lý thuyết nhưng không chỉ họa sỹ mà nhà sưu tầm, nhà đấu giá cũng phải chuyên nghiệp hơn, thực hành pháp luật chứ không thể tùy tiện, xuề xòa như hiện nay. Điều đó dẫn tới nhiều nguy cơ về tranh chấp bản quyền cho sau này.

PV: Ở góc độ quản lý Nhà nước, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có sự tham mưu nào với Bộ VHTT&DL để hạn chế việc làm giả tranh?

Ông Vi Kiến Thành: Hiện nay, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã soạn thảo xong quy chế về Hoạt động giám định và đang trình để xin ý kiến của lãnh đạo Bộ. Quy chế này gần như một quy trình giám định tác phẩm sẽ hạn chế rất nhiều cho nạn tranh giả, tranh nhái. Đặc biệt, một tác phẩm nếu vượt qua vòng thẩm định phải đạt 100% số phiếu của các thành viên hội đồng. Trong khi, các hội đồng khác chỉ cần đạt 2/3 số phiếu là đã đạt.

Họa sỹ Nguyễn Đông, người vẽ bức tranh sơn dầu theo yêu cầu của một gia đình Hà Nội

PV: Ngay cả khi quy chế về Hoạt động giám định đi vào đời sống, ông có tin nạn tranh giả, tranh nhái sẽ chấm dứt?

Ông Vi Kiến Thành: Nạn tranh giả, tranh nhái xảy ra ở tất cả các thị trường mỹ thuật có hoạt động bán mua tác phẩm. Không chỉ Việt Nam mà các nước phát triển khác cũng có những vấn đề như vậy. Do vậy, quy chế về Hoạt động giám định đi vào đời sống sẽ hạn chế phần nào đó, chứ chấm dứt thì  tôi nghĩ là không!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!