Nguyện suốt đời làm… “thằng” nghệ sỹ

(ANTĐ) - Chiều Hà Nội muộn. Gặp lại NSƯT Anh Dũng trong căn nhà nhỏ nằm cuối đường Bạch Đằng - nơi từng là tổ ấm của anh cùng nghệ sỹ Phương Thanh. Trên gương mặt gầy rạc của người nghệ sỹ sự cô đơn dường như vẫn còn thăm thẳm, trĩu nặng như ngày phải vuốt nước mắt tiễn người bạn đời về nơi chín suối.

Nguyện suốt đời làm… “thằng” nghệ sỹ

(ANTĐ) - Chiều Hà Nội muộn. Gặp lại NSƯT Anh Dũng trong căn nhà nhỏ nằm cuối đường Bạch Đằng - nơi từng là tổ ấm của anh cùng nghệ sỹ Phương Thanh. Trên gương mặt gầy rạc của người nghệ sỹ sự cô đơn dường như vẫn còn thăm thẳm, trĩu nặng như ngày phải vuốt nước mắt tiễn người bạn đời về nơi chín suối.

Khẽ vịn tay vào thành ghế như để tìm điểm tựa, anh bảo: “Năm nay theo lá số tử vi của tôi là năm sao Thái Dương chiếu mệnh, sao này với nam giới sẽ đem lại rất nhiều điều tốt nhưng với tôi thì ngược lại. Giống như bão. Hơn cả bão. Những nỗi đau xoáy vào cuộc đời một cách phũ phàng”.

Tôi đồ rằng anh đã tiên liệu trước được điều này từ cái ngày mà anh phải vĩnh viễn chia xa người bạn đời của mình. Ngày ấy anh từng đã chẳng thốt lên giờ mình là người trắng tay rồi, cuộc sống, của cải, vật chất tất thảy đều vô nghĩa. Đến giờ ngẫm lại, anh vẫn chẳng hiểu sao bỗng dưng “vận áo xám” ấy lại kéo về đổ vào mình dồn dập.

Nỗi đau mất vợ chưa nguôi thì cũng trong cùng năm ấy, đúng hơn là cùng tháng ấy, anh lại phải gánh thêm nỗi đau mất mẹ. Dần dà rồi anh cũng phải quay trở lại với cuộc sống, chấp nhận mọi sự rủi ro mất mát ấy, nhưng có lẽ còn rất lâu nữa mới có thể lấy lại được sự bình ổn trong tâm hồn. Chả vậy mà vốn có biệt tài viết kịch bản rất nhanh song nửa năm trôi qua kể từ ngày chị mất, anh không viết nổi lấy được một chữ.

Anh sợ chạm vào bút, vào bàn phím như thể sợ chạm vào nỗi đau đang lẩn khuất đâu đó trong mình. Dường như anh vẫn đang sống bằng hoài niệm, bằng quá khứ khi bắt đầu câu chuyện nào cũng bằng hai từ “ngày xưa” với sự hiện hữu không thể thiếu của người vợ yêu thương: Ngày xưa cô ấy thường thích làm những món ăn dân dã, bình dị như dưa cà, canh cua. Ngày xưa dù bận rộn đến mấy chúng tôi cũng thường thu xếp cùng nhau đi ăn sáng để trò chuyện, đôi khi chỉ bàn về một đôi dép. Ngày xưa…

Một cuộc đời đầy ắp đam mê nghệ thuật
Một cuộc đời đầy ắp đam mê nghệ thuật

Ngôi nhà vắng lặng!

Chợt nhớ có lần anh từng bảo mình đến với sân khấu hoàn toàn bằng cái duyên, nhưng đằng sau cái duyên ấy là cái nợ, không những nợ mà thành tội nợ. Và điều ấy chẳng dè lại vận đúng vào anh. 5 năm trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, anh từng thổ lộ ở đâu đó, với ai đó rằng cái ý nguyện suốt đời của mình là làm “thằng” nghệ sỹ chứ không phải làm ông quản lý và rằng anh chưa lúc nào bớt “thèm” được diễn trên sân khấu. Mà đó cũng là tâm niệm của vợ anh - nghệ sỹ Phương Thanh lúc còn sống. Kể cả khi đứng dưới sân khấu xem anh diễn hay khi thấy anh chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên, chị đều thổ lộ rằng “vẫn thích anh làm diễn viên hơn”.

Làm diễn viên, có lẽ đây mới là “mối nợ” lớn nhất của anh khi dấn thân vào con đường nghệ thuật. Đi quá nửa đời người, đứng chân trên sân khấu bằng hàng trăm vai diễn lớn nhỏ, được nhắc đến như một trong những diễn viên đóng vai chính, vai khó nhiều nhất từ trước đến nay của Nhà hát kịch Việt Nam nhưng dường như cái sự “thèm” diễn trong anh chưa bao giờ thỏa mãn. Mà với người “say” nghề thì dám lắm cái ý nghĩ táo bạo “kiếp người là mấy, kiếp nghệ thuật dầy hơn”.

Nhìn anh đơn độc giữa đời thường, bất giác nhớ đến một Anh Dũng ngợp dưới ánh hào quang trên sân khấu giữa cả rừng vở diễn: Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Vết thương ngày cũ; Hồi chuông cảnh tỉnh; Con thuyền chở linh hồn… Cũng chợt hình dung ra một Anh Dũng lúc lên sân khấu không điểm trang tô vẽ, không dùng micro mà nói vo như tán chuyện đời thường… Và hiểu, tại sao người ta lại bảo anh diễn như… chơi, còn chính anh cũng từng thẳng thắn nhận mình đang “chơi nghề” chứ đâu hẳn chỉ là “làm nghề”.

Chẳng ai nắm tay từ sáng đến tối, nhưng với NSƯT Anh Dũng, mối duyên - cái nợ với sân khấu hình như vẫn còn lớn lắm, còn đau đáu lắm. Anh tiếc vì không còn cơ hội để ươm mầm cho những nghệ sỹ trẻ vươn tới cái mà mình và họ cùng mong ước - sự đam mê trong nghệ thuật. Anh bảo sau này dù không còn làm ở Nhà hát, song bất kể lúc nào Nhà hát cần, anh vẫn sẵn sàng nhận lời “nhảy” vào nhận vai, dù chỉ là vai phụ trong vở diễn, dù chẳng có thù lao.

Đơn giản chỉ bởi anh cần được đến với khán giả, cần tiếp thêm “lửa nghề” cho anh em nghệ sỹ. Mà chẳng cần phải sau này, hiện giờ anh  vẫn đang cùng anh em nghệ sỹ trong Nhà hát đi lưu diễn ở ngoại thành Hà Nội với một vai trong vở “Nhân danh công lý”. Nghe tin anh không còn làm ở Nhà hát, nhiều người lo sợ anh không nhận diễn nữa thì vở “đổ” nhưng rồi lại thở phào khi anh nói sẽ gạt tất cả mọi thứ đi để diễn, bận rộn bao nhiêu cũng sẽ có mặt…

Một vài tháng nữa, rất có thể anh sẽ lại là một người viết rất sung, làm đạo diễn rất sung hoặc tìm cho mình một vai diễn để lại cống hiến cho khán giả, cho cuộc đời. Tôi biết, anh đã sẵn sàng cho một bước ngoặt mới, như thể đã sẵn sàng gượng dậy sau những cú ngã rất đau. Công việc mới theo như lời anh nói là “có lẽ không hợp với tôi, không đúng nghề của tôi lắm” nhưng cho dù là thế, anh vẫn sẽ tiếp tục không từ bỏ niềm đam mê của mình là viết kịch bản, làm đạo diễn cả sân khấu lẫn điện ảnh. Và điều cuối cùng tôi chắc anh không bao giờ rũ bỏ, đó là niềm đam mê “trọn đời làm một… thằng nghệ sỹ”.

 Dương Cầm