Nguyễn Bính - bao nỗi đa đoan

ANTĐ - Một thuở, nhà thơ Nguyễn Bính là hình ảnh trong mơ của các bà, các cô. Vào những năm 45-50 của thế kỷ trước không mấy cô không say thơ Nguyễn Bính và cũng không ít người con gái ôm lấy tập thơ “Lỡ bước sang ngang”, như một người bạn biết cảm thông cho mối tình đang làm tan nát cõi lòng mình. 

Trong làng thi nhân Việt Nam, có thể nói thơ Nguyễn Bính chiếm độc tôn trong lòng người đọc thuộc tầng lớp bình dân. Lẽ dĩ nhiên, lời ong tiếng ve về tình duyên của các cô với thi sĩ họ Nguyễn lãng tử này cũng nhiều lắm.

Đúng vậy, nếu chuyện rành rành, hai năm rõ mười thì chỉ có 4 lần đò, mà con người đa đoan này nếm trải. Lần một, vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, nhà thơ vào Nam tham gia kháng chiến, và là một trong những cán bộ chủ chốt của “Hội Văn nghệ kháng chiến Nam bộ”. Khi ấy điều kiện trong vùng kháng chiến miền Đông Nam bộ nhiều khó khăn, nhà thơ Nguyễn Bính chấp hành theo yêu cầu của tổ chức - kết hôn với cô Nguyễn Hồng Châu, vào năm 1951, lúc nhà thơ 33 tuổi. Cuộc hôn nhân này cũng kết thúc sau một năm và hai người có với nhau một con gái, đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. 

Cũng vào thời gian này, nhà thơ chân quê của chúng ta trong chuyến đi công tác tại Cà Mau đã phải lòng một cô gái 19 tuổi. Đó là người đẹp Mai Thị Mới. Nhà thơ Nguyễn Bính phải về đơn vị làm thủ tục ly hôn với cô Hồng Châu, rồi mới được tổ chức đồng ý cho lấy vợ lần thứ hai, vào cuối năm 1952. Khi ấy nhà thơ chuyển vào huyện U Minh, Cà Mau sống và đến đầu năm 1954, vợ mới sinh được một người con gái, đặt tên là Hương Mai. 

Tưởng như cuộc sống thế là an bài, ai dè khi cô bé Hương Mai mới được độ hơn nửa tuổi, thì nhà thơ Nguyễn Bính nằm trong diện tổ chức điều động, tập kết ra Bắc. Cuộc hẹn hò trở lại đã không thành hiện thực, bởi kẻ địch tráo trở chia cắt hai miền Nam, Bắc, khi hiệp ước còn chưa ráo mực.

Do hoàn cảnh xa xôi cách trở, tấm lòng thi nhân vẫn hướng về miền Nam với hình ảnh người vợ hiền và các con nhưng niềm hy vọng trở nên mịt mùng, chưa biết ngày về… Năm 1956, nhà thơ Nguyễn Bính tham gia làm chủ bút tờ báo Trăm Hoa, ở Hà Nội. Và, rồi ông đã có quan hệ tình cảm với cô Phạm Vân Thanh, thư ký của tờ báo. Hai người sống thân thiết như vợ chồng, tuy không được phép chính thức nhưng vẫn có với nhau một người con trai. 

Số phận người con trai này thật hẩm hiu, vì sau khi tờ báo “Trăm Hoa” bị lỗ nặng, phải giải thể vào năm 1957, thì người nữ thư ký kia bất ngờ ra đi để lại đứa con trai cho Nguyễn Bính. Một thân một mình, gà trống nuôi con, Nguyễn Bính đi đâu cũng phải đưa con đi cùng, lôi thôi lếch thếch. Thế rồi trong một lần say rượu, Nguyễn Bính đã đem con đến ngã năm Bà Triệu, gửi lại con cho một người ở bên đường, hẹn đi có việc rồi sẽ quay lại ngay. Sau đó đến khi tỉnh rượu nhớ ra, nhà thơ quay lại tìm thì không thấy con trai mình đâu nữa. Ông khóc lóc thảm thiết và đã bao lần quay lại cái ngã năm nghiệt ngã ấy, nhưng mãi mãi, chỉ có một bầu trời thăm thẳm cánh chim vô vọng, với nỗi buồn đau.

Sau cái đận đau thương đó, năm 1958 nhà thơ Nguyễn Bính trở về quê, làm việc tại Ty Văn hoá tỉnh Nam Định. Được vài năm, mọi người mai mối cho nhà thơ lấy vợ lần thứ tư. Đó là cô Trần Thị Lai, một người hiền lành ngoan nết, được mọi người trong đơn vị và bạn bè của nhà thơ quý mến. Lận đận mãi tới năm 1965, hai người mới có con. Nhưng trớ trêu thay, đúng vào năm đó giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhà thơ lại bị bệnh nặng, mất vào năm sau, ở nơi sơ tán, nên không kịp thấy mặt con trai. Bà Lai đặt tên con là Nguyễn Mạnh Hùng. Cách đây 17 năm, bà Nguyễn Thị Yến, em gái của nhà thơ, đã đứng ra lo xây từ đường dòng họ và Nhà Lưu niệm cho nhà thơ Nguyễn Bính. Đến ngày khánh thành, anh Nguyễn Mạnh Hùng đã có mặt cùng với mẹ để chứng kiến và làm lễ tại nhà lưu niệm cho bố mình ở quê, năm 1995. 

Sau này, mọi người thất tán, anh Nguyễn Mạnh Hùng đi lao động xuất khẩu tại Nga, rồi ở lại sinh sống trên mảnh đất xứ người cho dến nay. Người con gái đầu là Nguyễn Bính Hồng Cầu có tài làm thơ, trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, năm nay tròn 60 tuổi, hiện ở TP Hồ Chí Minh. Riêng người con gái thứ hai là Hương Mai, một giáo viên đã thành đạt, từng làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, rồi Trưởng ban Văn hoá - Xã hội tỉnh Bến Tre, hiện đã về hưu và sinh sống tại địa phương.