Người Việt Nam đang tiêu thụ quá nhiều đường, trung bình 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo WHO, mỗi người nên tiêu thụ lượng đường tự do dưới 25 gram mỗi ngày (khoảng 235 ml mỗi tuần), trong khi mỗi người Việt Nam hiện trung bình tiêu thụ tới 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần…
Đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia thông tin tại hội thảo sáng 5-4

Đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia thông tin tại hội thảo sáng 5-4

Sáng 5-4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về tác hại của đồ uống có đường và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Thông tin tại hội nghị cho thấy, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO khuyến nghị việc tiêu thụ đường tự do nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng và lý tưởng là dưới 5%. Đó là khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành và dưới 12 - 25 gram mỗi ngày với trẻ em. Đồ uống có đường giới hạn không quá 235 ml mỗi tuần.

Thế nhưng qua số liệu của WHO, hiện trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Do đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 – 19 tuổi thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.

“Chính vì vậy, chúng ta cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này" - TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam nói.

Người Việt Nam đang tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường, dẫn đến tăng thừa cân béo phì

Người Việt Nam đang tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường, dẫn đến tăng thừa cân béo phì

Cũng tại hội thảo, đại diện WHO cho biết, theo nghiên cứu của WHO, trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá bằng thuế. Tín hiệu giá - chi phí cao hơn - rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

Bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Vì thế, đại diện WHO tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Còn đại diện Bộ TT&TT cho rằng, có 3 biện pháp giảm tiêu thụ lượng đồ uống có đường, đó là: áp thuế với đồ uống có đường; hạn chế quảng cáo với trẻ em; truyền thông sử dụng đồ uống có đường không hợp lý.

PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường thì nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt; hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường tự do và đồ uống có đường, bánh kẹo ngọt, mứt, sirô…; hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn; không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác.