Người đi thuê trọ luôn thấp thỏm, lo sợ nhà sập trong mùa mưa bão
Ảnh: Phú Khánh
Trên đây là tâm sự của bạn Lê Xuân Hùng – cựu sinh viên Trường ĐH Văn hóa, hiện đang thuê trọ tại phố Hoàng Văn Thái, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Hùng cho biết thêm, ngôi nhà trọ Hùng đang ở là nhà cấp 4, đã có tuổi đời hàng chục năm, mới được gia cố thêm gác xép.
Do giá thuê rẻ (500.000 đồng/người) mỗi tháng nên ngôi nhà này dù đã khá xập xệ nhưng vẫn luôn đắt khách. Vào mùa mưa, do quần áo thường xuyên phải phơi trong nhà nên phòng trọ vốn đã ẩm ướt, lại càng thêm nhớp nháp, rêu mốc bám đầy. “Ngày nóng còn có quạt chứ ngày mưa thì khổ vô cùng. Mỗi khi có mưa, khắp nhà chỗ nào cũng thấm dột, kéo theo đó là tình trạng ngập lụt do hệ thống cống thoát nước quá tải. Khi đó, cả phòng trọ chỉ biết bó gối nhìn nhau. Bể nước ăn cũng thường xuyên bị ô nhiễm do nước bẩn tràn vào. Chiếc máy tính – tài sản có giá trị nhất đi đâu em cũng phải mang theo vì sợ để ở nhà trời mưa bị thấm nước” – Hùng thở dài.
Từ thời điểm bắt đầu mùa mưa bão, mặc dù anh Nguyễn Văn Toán - người đang thuê trọ ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đã mua nilon gia cố, che phủ toàn bộ căn phòng. Tuy nhiên vào những hôm mưa to, ở trong phòng mà không khác gì ngoài trời. Mọi vật dụng như xô, chậu, nồi chảo đều được được tận dụng để hứng nước mưa nhưng không ăn thua. Nước từ ngoài tràn vào, từ trên chảy xuống khiến đồ đạc nổi lềnh bềnh, kéo theo đó là mùi hôi tanh nồng nặc của chất bẩn, rác thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của con người. “Mọi đồ đạc có giá trị đều đã được đưa lên cao đề phòng ngập nước nhưng mỗi khi trời mưa, tôi đi làm mà vẫn thấp thỏm không yên. Nhiều hôm bước chân về đến nhà thì sàn nhà lênh láng nước bẩn, giường chiếu chăn màn ướt sũng. Không khí trong căn phòng trọ luôn ẩm ướt, khó chịu. Đúng là khổ trăm đường” - anh Toán chia sẻ.
Khảo sát một số khu nhà trọ trên địa bàn quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, huyện Đông Anh… điểm chung dễ nhận thấy là hầu hết các dãy nhà trọ đã xập xệ, xuống cấp, dột nát, có thể sập xuống bất cứ lúc nào không đảm bảo điều kiện sống của người thuê trọ. Bên cạnh đó, hệ thổng cổng ra vào, tường rào cũng được xây dựng khá tạm bợ. Các khu nhà vệ sinh chung nhếch nhác, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Một số phòng trọ được gia chủ tận dụng diện tích cơi nới, chắp vá khiến người thuê trọ phải sống trong cảnh tù mù, ẩm ướt, thiếu ánh sáng. Mặc dù các chủ nhà trọ đều nắm rõ sự xuống cấp của các căn phòng cho thuê song vì lợi nhuận, họ luôn cố tình lờ đi hoặc chỉ sửa chữa qua quýt cho xong việc để lấy lý lo…tăng giá ?! Bên cạnh đó, tình trạng mất trộm tài sản tại các khu nhà trọ cũng diễn biến phức tạp hơn trong mùa mưa bão.
Để khắc phục những khó khăn trên, theo anh Nguyễn Văn Toán, cách hữu hiệu nhất là người trọ phải tự chủ động bảo quản đồ đạc của mình bằng cách đầu tư kinh phí gia cố thêm cửa, khóa cửa. Trước khi ra khỏi phòng nếu thấy có dấu hiệu trời mưa nên chuẩn bị xô chậu đặt vào chỗ thường xuyên bị dột. Ngoài ra, với những đồ đạc có giá trị, đồ điện, điện tử cần được bọc lại bằng túi lilon và để lên trên cao đề phòng thấm nước. Bên cạnh đó, người thuê trọ cũng có thể xây gạch hoặc chắn các bao cát nhỏ trước cửa để ngăn không cho nước mưa tràn vào. “Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp tình thế. Để tạo điều kiện cho người thuê trọ có nơi ăn ở đảm bảo, xứng đáng với số tiền họ bỏ ra, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai các dự án nhà cho thuê với đối tượng có thu nhập thấp, tránh tình trạng người đi thuê nhà bị các chủ nhà o ép, “chặt chém” vô tội vạ như hiện nay” - anh Toán nói.