Người nông phu trên cánh đồng nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội từ xa xưa là nơi tập trung nhiều nhân tài đất Bắc. Thế hệ ngày ấy nay không còn nhiều và nhà văn, Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng cũng là “hiện tượng” hiếm hoi còn lại sau những năm đất nước đổi mới. Ông là người hội tụ đủ tài năng cầm, kỳ, thi, họa, rất uyên bác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật…
Hội họa là sở trường của Thế Hùng do được học bài bản từ nhà trường. Tranh của ông mang phong cách riêng về nghệ thuật, chất liệu sơn, khung tranh

Hội họa là sở trường của Thế Hùng do được học bài bản từ nhà trường. Tranh của ông mang phong cách riêng về nghệ thuật, chất liệu sơn, khung tranh

Khi người lính trở vể

Sinh ra nơi đất Ninh Bình, nhưng sau đó ông theo gia đình chuyển về sống ở Hà Nội. Giữa năm tháng đất nước chiến tranh, thiếu thốn mọi bề, chàng thanh niên Thế Hùng rời ghế nhà trường theo tiếng gọi của Đảng xung phong nhập ngũ ra chiến trường.

Năm 1968, ông tham gia nhiều trận đánh tại Nam Lào, Khe Sanh, rồi bị thương được đưa ra ngoài Bắc điều trị. Là người lính cầm súng trong lửa đạn, nay trở về với bao bộn bề, điều buồn nhất với ông không phải do vết thương mảnh đạn găm vào người mà là nỗi buồn từ trong con tim. Nhớ lại lần tập tễnh chống nạng giữa buổi tối mùa đông đến nhà người yêu xưa thì biết tin cô ấy đã đi lấy chồng.

Buồn bã, đau khổ, nhưng với bản lính người lính, ông gạt mất mát sang một bên và lao vào công việc. Từ đi cán mì sợi thuê, phụ việc kẻ chữ cho triển lãm, phòng thông tin, đến khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp mở cho ông con đường bước vào lĩnh vực hội họa. Với vốn kiến thức sẵn có cùng với năng khiếu bẩm sinh, ông làm thơ, phổ nhạc, viết báo, lĩnh vực gì cũng thành công. Ông là người chịu học hỏi, do có quan hệ với những văn nghệ sĩ tiền bối như nhạc sĩ Văn Cao, Hồng Đăng, Hoàng Vân, ông được họ chỉ bảo để sau này cho ra “lò” nhiều bài hát dân ca.

Hội họa là sở trường của Thế Hùng do được học bài bản từ nhà trường. Tranh của ông mang phong cách riêng về nghệ thuật, chất liệu sơn, khung tranh cũng được đặt cơ sở có uy tín, do đó sau mỗi kỳ triển lãm có rất nhiều khách liên hệ mua tranh. Người viết bài này quen biết Thế Hùng hơn nửa thế kỷ, từ lúc ông còn công tác tại Nhà máy Rượu Hà Nội. Ngoài công việc cơ quan, ông cũng phải làm thêm kiếm sống bằng nhiều nghề khác như chụp ảnh cưới, bán phim giấy ảnh, vẽ tranh…

Đó cũng là thời kỳ đất nước còn bao cấp, người dân Hà Nội còn đầy thiếu thốn, khó khăn. Đa phần người làm Nhà nước đều tìm thêm công việc làm thêm để có thu nhập theo kiểu “chân trong chân ngoài”. Sau này tôi thực sự ấn tượng về ông bởi sự vươn lên về trí tuệ, tài năng, sức lao động không mệt mỏi. Đã có nhiều bài báo viết về thành công trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Thế Hùng - một tài năng hiếm có của trí thức Hà thành.

TS Thế Hùng đã có hàng trăm buổi thuyết trình trước sinh viên các trường đại học, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức hội

TS Thế Hùng đã có hàng trăm buổi thuyết trình trước sinh viên các trường đại học, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức hội

Không ngừng sáng tạo

Hà Nội không thiếu nhân tài trong nhiều lĩnh vực, nhưng với Thế Hùng, cả văn, thơ, nhạc, họa, thể loại nào ông cũng đạt được tới mức chuyên nghiệp. Có thể kể thành công đáng kính nể của Thế Hùng nhiều năm qua như: 2 triển lãm tranh cá nhân tại Hà Nội; 4 triển lãm tranh trong nước và quốc tế; có tranh trong tuyển tập Hà Nội thế kỷ 20; ra tập thơ “Mưa lá đầu tay” năm 1989; có thơ in trong “Tuyển tập thơ tình toàn thế giới hơn 1.000 năm”.

Trong lĩnh vực âm nhạc ông đã sáng tác 150 ca khúc, nhiều ca sĩ hát các sáng tác của ông trên sân khấu và truyền hình. Thế Hùng cũng có nhạc được in trong “Tuyển tập ca khúc hay nhất Hà Nội” cùng với nhiều tác giả nổi tiếng trong giới âm nhạc Việt Nam như Trịnh Công Sơn, Hoàng Vân, Văn Ký, Trần Tiến, Nguyễn Cường… Ông là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội nhà báo Việt Nam.

Thế Hùng còn là Tiến sĩ mỹ học, ông đã có hàng trăm buổi thuyết trình trước sinh viên các trường đại học, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức hội như Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam… Là người cũng hiểu biết sâu rộng về văn hóa doanh nghiệp, ông có khả năng thuyết trình khúc chiết, đi sâu về lĩnh vực kinh doanh, văn hóa giao tiếp, nghệ thuật bán hàng… khiến người nghe dễ hiểu, không nhàm chán.

Cách đây vài năm tôi và nhà báo Đinh Quang Thành được ông mời đi dự buổi thuyết trình tại Hội Phụ nữ thành phố Hà Tĩnh. Hội trường chật kín gần 500 chị em, trong đó có lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề và các hộ gia đình kinh doanh cá thể. Họ đang rất cần bồi dưỡng kỹ năng văn hóa thương trường. Hơn 2 giờ nghe ông nói chuyện về nghệ thuật giao tiếp khách hàng, làm giàu trong kinh doanh, rồi nghệ thuật làm vợ, làm mẹ, về bình đẳng giới… cả hội trường im phăng phắc.

Thế Hùng từng làm Giám đốc đào tạo của Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Học viện Quản lý và lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương. Ông từng được mời giảng dạy và thuyết trình ở nhiều cơ quan uy tín như Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Công thương, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sân khấu điện ảnh, Học viện Âm nhạc quốc gia… Nhiều tỉnh, thành mời ông về thuyết trình như Vũng Tàu, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn…

Năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng xác lập kỷ lục cho nghệ sĩ, Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng vì đóng góp quan trọng trong đào tạo và sáng tạo nghệ thuật. Gần trọn cuộc đời cống hiến cho văn hóa, nghệ thuật, giờ đây đã bước sang tuổi 75, ông vẫn miệt mài vẽ tranh, mở lớp dạy hội họa cho cháu thiếu nhi và thành quả là tranh của các em được triển lãm ở nhà trường và thành phố.