Người lao động nghèo cần đề phòng say nắng

ANTĐ - Những ngày này, Hà Nội luôn ở mức trên dưới 40 độ C vào, nếu không nằm trong phòng máy lạnh, chắc hẳn nhiều người sẽ phải khó chịu với cái nóng khủng khiếp nhất trong lịch sử. Thế nhưng, vẫn có những người phải ngày đêm vật vã lao ra đường, bởi hoàn cảnh của họ, công việc của họ chẳng thể “trốn” được ông trời…

Xóm chạy thận không có ai ngủ được

Có mặt tại “xóm chạy thận” ở phố Lê Thanh Nghị vào một buổi trưa ngày nóng. Ngã ba của con ngõ nhỏ trong “xóm”, nơi có một bụi tre và vài gốc cây, mấy hôm nay từ sáng đến nửa đêm, lúc nào cũng rôm rả người, bởi đây là điểm duy nhất những “công dân xóm chạy thận” có thể hưởng chút bóng mát. Một bình nước chè, một chiếc bàn, mấy chiếc ghế, đôi khi là bộ bài, hay một bàn cờ… chỉ có thế để tiêu khiển hết một ngày nắng nóng.

 Bà Nguyễn Thị Oanh (Nam Sách, Hải Dương), một bệnh nhân chạy thận trong xóm than thở, mấy hôm nay cả xóm không ai ngủ được nên toàn phải ra đây ngồi: “Ở trong phòng nóng lắm, càng quạt càng nóng. Muốn nằm xuống nhưng sờ đến cái chiếu cứ nóng như rang, thò tay vào lại bỏ ra, lại ra đây ngồi. Nửa đêm mới dám về phòng, nhưng cũng không ngủ được vì chân cứ rần rần như có con giòi bò trong xương, thế là lại mở cửa ra ngõ. Mấy hôm nay, đêm nào tôi cũng 2h mới ngủ được, phải lấy cái chậu nước để trước quạt điện cho có hơi nước nó dịu bớt nóng đi”. 

Ăn không được, ngủ không được, bệnh nhân nào ở xóm chạy thận cũng bơ phờ, uể oải. Không những thế, họ còn có một nỗi lo mơ hồ, đó là thời tiết nắng nóng dễ khiến tình trạng bệnh biến chứng, đặc biệt bệnh nhân chạy thận dễ bị tăng huyết áp. Bà Dư Thị Tân (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Mới hôm qua ở trong viện có 2 bệnh nhân chạy thận chết, đều do huyết áp tăng cao mà không biết. Một bệnh nhân hơn 50 tuổi, còn 1 anh ở Lạng Sơn, có thâm niên chạy thận 21 năm, thuộc hàng lâu nhất ở xóm này cũng không trụ nổi. Đang chạy thận, mọi người nghĩ anh ta ngủ, không ngờ lúc phát hiện thì đã chết từ bao giờ”.

2.300-2.700 bệnh nhi nhập viện mỗi ngày

Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt cũng khiến các bệnh viện phải căng mình vì số lượng bệnh nhân đông hơn ngày thường, trong khi bệnh nhân thì khổ sở vì chen chúc, chờ đợi dưới nền nhiệt 39-40 độ C.

Có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào một buổi sáng, con dốc dẫn vào bệnh viện kẹt cứng xe cộ, những hàng taxi nối dài. Bên trong cánh cổng viện, người lớn, trẻ con đứng ngồi vạ vật, bất cứ bỗ bóng mát nào cũng trở thành chỗ ngồi trú chân, chờ đợi của bệnh nhân và người nhà. Những chiếc quạt ở các sảnh bệnh viện chạy hết công suất nhưng vẫn không khiến không khí dễ chịu. Những ngày này, số lượt bệnh nhân đến khám ít hơn thời điểm trước đó, một phần vì trời nắng nóng phụ huynh hạn chế cho con đến bệnh viện, tự điều trị ở nhà với những bệnh đơn giản. 

Tuy nhiên với khoảng 2.300-2.700 bệnh nhi mỗi ngày kèm theo 1-2 người nhà đi kèm với không khí nóng nực như thế này, cũng đã quá ngột ngạt rồi. Những đứa trẻ vốn đã ốm mệt, thêm sự nóng bức càng khó chịu, quấy khóc. Đúng là có vào viện những ngày này, mới thấy hết nỗi khổ trong bệnh viện.  

Anh Nguyễn Đức Hiếu (Tam Nông, Phú Thọ) đôi mắt trũng sâu, da sạm đi vì thiếu ngủ ngồi thẫn thờ ở quán nước phía ngoài cổng viện: “Con tôi bị viêm phổi, nhập viện 8 ngày rồi mà chưa biết khi nào bác sĩ mới cho về, về sớm ngày nào hay ngày ấy, chứ ở đây khổ quá. Mấy hôm nay nắng nóng thế nhưng tôi cũng chả dám đi đâu, vì cháu mới có mấy tháng, để vợ ở viện một mình cũng không được, thành ra cứ vạ vật ở đây cả ngày, khổ lắm”. 

Công nhân điêu đứng

Mỗi mùa hè đến đều trở thành cực hình với những công nhân, vì trừ một số ít được ở trong các khu nhà ở do công ty xây dựng, còn đa phần phải ở trong những phòng trọ chật hẹp, mái fibro ximăng nóng hầm hập.

Nguyễn Thị Thủy (Nghĩa Hưng, Nam Định) hiện đang trọ cùng một đồng nghiệp tại chân cầu Vĩnh Tuy chia sẻ: “Hôm nào làm ca ngày còn đỡ, đêm đến cả xóm ra hồ hóng gió 11h mới về ngủ, chứ làm ca đêm, đến ngày ở nhà thì ngủ cũng không ngủ được vì nóng, tối đến đi làm cứ như người mất hồn. Nắng nóng mệt mỏi đã không muốn ăn, nhìn đến cái bếp ga cũng chả muốn bật lên, thành ra mấy hôm nóng bọn em cũng không nấu nướng gì, toàn ăn qua loa rồi rủ nhau di tản ra hồ”.

Người lao động nghèo cần đề phòng say nắng ảnh 1

Nhưng những người chưa có gia đình còn đỡ, những công nhân có con nhỏ thì đợt nắng nóng vừa qua đã khiến gia đình họ điêu đứng. Gia đình chị Thành, anh Nghĩa (Diễn Châu, Nghệ An) hiện đều làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, vợ chồng anh cùng đứa con trai 3 tuổi đang trọ trong một căn phòng khoảng 16m2 ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Chị Thành cho biết căn phòng này anh chị đã thuê hơn một năm, mùa hè năm ngoái vì nóng quá nên anh phải tự làm trần xốp, có đỡ nóng hơn nhưng vẫn rất bức bối.

 Hai vợ chồng cũng bàn tính, mua điều hòa có thể tiết kiệm mua được một cái rẻ tiền, nhưng tiền điện thì chắc không kham nổi, chắc có lẽ vài hôm nữa anh chị phải mua cái quạt phun sương cho con đỡ khổ.

“Ban ngày đi làm không sao, đêm về mở cửa nhà cứ như bước vào cái lò nung, lại thêm việc nấu nướng trong nhà nữa, nên càng nóng hơn. Mình khổ quen rồi có thể chịu được, chứ nhìn con cái thế này hãi lắm. Bình thường thằng cu đi học 4h30-5h là tôi đón về, nhưng giờ cứ phải gần 6h, ở lớp còn có điều hòa chứ về nhà lúc nào cũng mướt mát mồ hôi. Làm xong về nhà là phải lấy khăn ướt lau hết nền, lau chiếu mấy lần cho nó dịu đi, rồi mới đón con về. Nóng quá nó chả ăn chả ngủ được, chỉ lo ốm thì không biết làm sao” – chị Thành nói – “Nhà tôi còn đỡ, chứ như nhà cô Yến (phòng đối diện) bên kia còn khổ hơn, con gái cũng tầm tuổi thằng nhà tôi, mấy hôm nay nóng quá nó cứ ốm dặt dẹo, suốt ngày quấy khóc, hai vợ chồng phải thay nhau xin nghỉ ở nhà mà chăm con. Hôm nay thấy bảo đưa đi viện khám chưa thấy về”.

Vẫn phải bán lưng cho trời

Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời vào lúc cao điểm lên tới trên 40 độ C, tất cả những ai có thể đều tranh thủ trốn mình trong phòng điều hòa cơ quan, ở những quán nước, quán cà phê, trong các khu vui chơi, các trung tâm thương mại… Nhưng có những nghề họ không thể trốn trời được, ấy là những công nhân xây dựng, những người bán hàng rong, công nhân vệ sinh môi trường…

Tại công trình đường sắt trên cao đang được thi công trên đường Nguyễn Trãi vào cuối giờ chiều nhưng mặt đường như rang như nướng, những người trở về từ công sở, cơ quan ai cũng phải che chắn kín mít từ đầu đến chân để tránh cái ánh nắng gay gắt, cái hơi nóng hầm hập phả vào người. Nhưng phía trên cao, những cái bóng công nhân vẫn miệt mài cheo leo bên trên những khối bê tông, sắt thép bỏng rát cộng với khói bụi từ xe cộ thải ra.

Trên đường Lê Trọng Tấn cuối giờ chiều, chị Xuyến mệt nhọc đẩy chiếc xe bán hàng rong của mình. Chị bảo trời nóng không chỉ mệt mà còn không bán được hàng, vì nắng nóng khách cũng không muốn dừng lại mua, ai cũng muốn nhanh nhanh về nhà. Trước kia mỗi ngày chị cũng làng nhàng bán được chút ít, mỗi ngày có dăm bảy khách ép plastic nhưng như hôm nay cả ngày chị mới thu chưa được 100 nghìn đồng cả gốc lẫn lãi. “Mấy hôm nay đa phần những người bán hàng rong chỗ tôi trọ về quê hết rồi, vừa nắng nóng mệt mỏi, vừa ế, ở quê thì đang vụ gặt, thành ra chỉ có một vài người ở lại”. 

Trên những con đường lớn như đoạn cầu Thanh Trì, Quốc lộ 5, đường Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, những người bán hoa quả, bán bánh mì, bán hàng rong vẫn phải giãi đày trên mặt đường để bán hàng. Hay những công nhân vệ sinh môi trường vừa phải chịu cái nắng nóng, vừa phải hì hục đẩy những xe rác bốc mùi hôi thối trên đường. Hơn ai hết họ cũng muốn được nghỉ ngơi trong những ngày nắng nóng, nhưng cuộc sống, sự mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, họ phải lao ra đường. Xin được chia sẻ cùng họ.

Đã có những trường hợp tử vong vì say nắng

Nắng nóng không chỉ khiến điều kiện làm việc của con người trở nên khắc nghiệt hơn, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Cách đây ít ngày, 2 người nông dân là bà Nguyễn Thị An (60 tuổi) và ông Nguyễn Văn Liệu (51 tuổi, cùng trú xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) trong lúc đi làm đồng đã bị ngất xỉu vì trời quá nóng, dẫn đến tử vong ngay sau đó.

Một người phụ nữ lang thang ở khu vực vườn hoa Đường Thành, quận Hoàn Kiếm cũng được cho là đã tử vong vì cảm nắng khi nhiều ngày phơi mình dưới trời nắng. Mới đây nhất, ngày 4-6, một phụ nữ trung niên đang đi dưới trời nắng ở khu vực đường Trần Khát Chân cũng bị ngất xỉu và tử vong trước khi vào viện.

Người lao động nghèo cần đề phòng say nắng ảnh 2

 Trong khi đó, tại các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị say nắng, say nóng dẫn đến tổn thương về sức khỏe. Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai mới đây cũng phải tiếp nhận 2 trường hợp bị say nắng dẫn đến tổn thương não. Những trường hợp này đều bị ngất xỉu khi đang làm việc dưới sức nóng trên dưới 40 độ C với các biểu hiện đỏ da toàn thân, sốt cao, mạch nhanh, huyết áp tăng…

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để tránh say nắng, người lao động phải chú ý những điểm sau khi phải làm việc ngoài trời: Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, đội một mũ, bôi kem chốn nắng nếu có thể; Uống nhiều nước để tránh mất nước, ít nhất là khoảng 8 cốc gồm nước lọc, nước trái cây hoặc nước rau...; Nếu có thể, thay đổi thời gian ngoài trời của bạn sang một khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày hoặc vào buổi sáng sớm hay sau khi mặt trời lặn.

Khi bắt gặp một bệnh nhân có dấu hiệu say nắng, cần nhanh chóng sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện. Bệnh nhân cần được làm mát bằng các cách: Quạt, làm ướt da bằng khăn ướt hoặc vòi nước; Chườm đá vào nách, bẹn, cổ, lưng…