Người Hà Nội thiết kế nhà chống lũ tự nổi chỉ 25 triệu đồng tặng đồng bào miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Hình mẫu những ngôi nhà chống lũ có khả năng tự nổi và mang 3,4 tấn hàng hóa, đủ sinh hoạt cho 6-8 người với chi phí chỉ hết 25 triệu đồng đang được anh Lê Trung Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) và những người bạn thực hiện các khâu đoạn cuối với mong muốn chuyển giao miễn phí công nghệ thiết thực này tới tay đồng bào miền Trung…

Chi tiết thiết kế nhà chống lũ tự nổi của anh Lê Trung Hiếu (Hà Nội)

Chi tiết thiết kế nhà chống lũ tự nổi của anh Lê Trung Hiếu (Hà Nội)

Nhà chống lũ lấy cảm hứng từ thiết kế tàu sân bay

Suốt bao năm, miền Trung ruột thịt luôn phải gồng mình gánh chịu bão lũ. Năm nay, bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến đồng bào lại chịu thêm nhiều mất mát khó có thể đong đếm.

Và những lúc như thế, tình người Việt Nam lại ấm áp hơn bao giờ hết. Từ mọi miền Tổ quốc, những chuyến xe nghĩa tình, những chuyến tàu chở theo yêu thương lần lượt cập bến mang theo nhu yếu phẩm cứu trợ bà con.

Lên đường sẻ chia với bà con miền Trung ngay từ những ngày đầu bão lũ tháng 10, anh Lê Trung Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) đã tới Quảng Bình tận mắt chứng kiến hình ảnh nhói lòng khi đồng bào khổ sở chờ cứu hộ trên mãi nhà trong lũ dữ.

“Trong chuyến đi cứu trợ vừa qua, hình ảnh nước lũ dâng cao đến tận mái nhà, bà con ngồi trên nóc nhà chờ cứu trợ đã ám ảnh tôi và tôi suy nghĩ mãi về một giải pháp lâu dài hơn để giúp bà con sống chung với lũ. Ý tưởng về nhà chống lũ an toàn cao, giá trị sử dụng lâu dài, giá thành rẻ đã ra đời” – anh Hiếu chia sẻ.

Về đến Hà Nội, anh Hiếu bắt tay ngay vào việc. Sau một ngày một đêm, anh đã hoàn thiện toàn bộ thiết kế mẫu nhà chống lũ của riêng mình với cách thức và công nghệ khác với các mô hình trước đó.

Theo anh Hiếu, đa số các mẫu nhà chống lũ tại Việt Nam và trên thế giới đang có hạn chế là để tránh nước lũ thường được thiết kế quá cao khiến dễ bị lật nếu gặp nước lũ, gió lớn; chi phí để thực hiện các mẫu nhà này cũng khá lớn.

“Để có thể khắc phục những hạn chế đó, mẫu nhà của tôi sẽ được làm từ bê tông tỷ trọng nhẹ, gia cố bằng cốt thép, có trọng tâm thấp và điều quan trọng là giá sẽ rẻ hơn một nửa so với các mẫu nhà khác” – anh Hiếu chia sẻ thêm.

Chỉ vào bản vẽ thiết kế của mình, anh Hiếu cho biết, mẫu nhà chống lũ này này lấy chút cảm hứng từ thiết kế tàu sân bay nhưng thu nhỏ ở mức tối đa.

Nhà được thiết kế với phao nổi làm bằng bê tông siêu nhẹ. Căn nhà được thiết kế vòm kiểu hầm Đờ Cát, nếu chèn chặn phía trên bằng bao tải cát sẽ chống cả bão, chịu được sức gió cấp 9 - cấp 10; còn khi lũ tràn về thì bỏ bao cát ra để nhà tự nổi lên.

Nhà sau khi hoàn thiện sẽ có diện tích cơ bản 16m2, trong nhà có thể tích trữ nước ngọt, gạo, bếp và cả xe máy, tivi... Xe máy lắp bộ phát điện để nạp điện thoại.

Hành lang phía ngoài để gia súc gia cầm. Chi phí tạm tính toán để hoàn thiện ngôi nhà sẽ khoảng 25 triệu, với các vật liệu như bê tông cốt thép, ngôi nhà sẽ có độ bền khoảng 15 năm…

Anh Lê Trung Hiếu đang khẩn trương hoàn thiện mẫu nhà chống lũ đầu tiên...

Anh Lê Trung Hiếu đang khẩn trương hoàn thiện mẫu nhà chống lũ đầu tiên...

An toàn, giá thành hợp lý, chuyển giao miễn phí

Là một người có thời gian công tác nhiều năm trong ngành xây dựng, anh Lê Trung Hiếu khẳng định đã tính toán rất kỹ lưỡng để ngôi nhà đảm bảo mức độ an toàn tối đa.

Việc sử dụng bê tông cốt thép giúp ngôi nhà đạt được trọng lượng đủ để hạ thấp trọng tâm, hạn chế đến mức tối đa khả năng bị lật khi gió, bão, mưa lớn.

Do đó, anh Hiếu và các đồng nghiệp lựa chọn sử dụng bê tông tỷ trọng nhẹ hay bê tông bọt khí, gia cố bằng thép cường độ cao và lưới thép bảo vệ bên ngoài. Điều này giúp ngôi nhà vừa có thể nổi vừa đảm bảo kiên cố.

“Bê tông bọt khí là loại bê tông đặc biệt, có thể nổi trên mặt nước ngay ở dạng khối. Để ngôi nhà thêm vững chắc, tôi sử dụng cốt thép và thành bê tông dày 10-20cm.

Ngôi nhà được thiết kế để đạt lực đẩy 8 tấn, trong đó, trọng lượng khô của nhà khoảng 5 tấn, còn 3 tấn dành cho người trú ẩn và đồ đạc trong nhà vẫn còn thừa. Những khoang hầm có thể tích trữ đồ đạc được. Bên cạnh đó, nhà cũng được thiết kế theo dạng module để đảm bảo nếu một module gặp sự cố thì nhà vẫn sẽ nổi” – anh Hiếu phân tích thêm về mặt kỹ thuật.

Anh Hiếu cho biết, nếu mỗi hộ dân được trang bị một module nhà tự nổi kích thước 4x4m này thì có khả năng mang 3,4 tấn hàng hóa và chứa 6-8 người thì ngay cả khi gặp lũ lớn, đồng bào sẽ đảm bảo được sinh hoạt, nhu yếu phẩm trong nhiều ngày. Khi không có lũ, có thể tháo nóc úp ra thành sân phơi thóc, gieo mạ, sân chơi... không ảnh hưởng đến diện tích và mỹ quan.

“Ngôi nhà cũng có giá trị sử dụng cao khi không có bão lũ như làm: sân phơi, sân chơi, kho chứa hay thậm chí là homestay, giúp đồng bào có thêm kinh tế” – anh Hiếu chia sẻ.

Để sản xuất mẫu nhà đầu tiên, anh Hiếu phải thuê và mang khung nhà xuống một xưởng bê tông tại Hà Nam để thực hiện. Nhóm của anh cũng đã phải thử nghiệm nhiều loại vật liệu để đi đến lựa chọn cuối cùng. Giá thành cho nhà mẫu là khoảng hơn 40 triệu nhưng anh Hiếu cho biết, khi sản xuất nhiều thì chi phí chỉ ở mức 25 triệu đồng. Anh Hiếu khẳng định: “Đây là món quà từ tâm của chúng tôi tặng đồng bào miền Trung”.

Dự kiến, khoảng gần 1 tháng nữa, anh Hiếu sẽ hoàn thiện mẫu nhà đầu tiên để kêu gọi nhiều người tham gia hơn để chung tay đưa thật nhiều căn nhà chống lũ này đến với bà con miền Trung.

“Tôi đã khảo sát thực tế, nếu được tài trợ khoảng 15 triệu đồng, người dân bỏ ra 10 triệu đồng sẽ hợp lý với bà con. Tôi sẵn sàng cung cấp thiết kế, chuyển giao công nghệ miễn phí cho mọi người, hướng dẫn cách làm cho đơn vị nào có nhu cầu. Tôi chỉ mong sao, bà con miền Trung bớt đi một phần vất vả khó khăn là hạnh phúc lắm rồi” - anh Hiếu nói...