Người dệt nên những điều kỳ diệu

ANTĐ - Dù đã biết đến dịch giả Nguyễn Bích Lan, biết đến căn bệnh mà cô đang mang trong người, nhưng khi đối diện trước cô, lần nào cũng thế, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác xót xa. 20 năm nay, căn bệnh rối loạn dưỡng cơ đã lấy đi nhan sắc và sức khỏe của cô. Song, không vì thế mà Bích Lan gục ngã. Cô vẫn bước đi bằng đôi chân đầy nghị lực…

Dịch giả Nguyễn Bích Lan và cuốn sách dịch giành giải của Hội Nhà văn Việt Nam

Họa vô đơn chí

Hơn 1 năm nay, để tiện cho gia đình chăm sóc và theo dõi sức khỏe, lại cũng là để tiện cho việc dịch thuật và trao đổi thông tin giữa dịch giả và NXB, Nguyễn Bích Lan đã chuyển hẳn ra Hà Nội sinh sống. Hà Nội mấy hôm nay thoắt nắng thoắt mưa, khiến Lan mệt mỏi, chuyện đi lại với cô vốn khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn. Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị đứt quãng. Thỉnh thoảng, Lan phải ngả người, dựa vào thành ghế để nghỉ… Năm 14 tuổi, tai họa giáng xuống đầu cô học sinh chuyên văn trường Thái Bình. Cứ đứng một lúc là cô lại xây xẩm mặt mày và ngã. Rồi căn bệnh ngày càng nặng hơn với những cơn sốt dai dẳng, chỉ trong một thời gian ngắn, Lan sụt tới mười mấy kilôgam. “Có bệnh thì vái tứ phương”, gia đình đã đưa cô đi chạy chữa hết các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, nhưng bác sĩ nào cũng lắc đầu: “Không rõ nguyên nhân”. Mãi rồi, người ta cũng kết luận, cô bị rối loạn dưỡng cơ, một dạng đột biến tế bào gene. Cái kết luận phũ phàng này đã khiến hy vọng của cả gia đình cô tắt lịm. Lúc từ bệnh viện về nhà, cũng là lúc Lan phải đối mặt với cảm giác tuyệt vọng, chán chường. Cô yếu tới mức không thể đi lại được, những bài giảng văn học của thầy cô trên lớp dần xếp vào tiềm thức, lớp học cách nhà có một quãng đường thôi, giờ đối với cô thật quá xa xôi. Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi.

Đến một ngày trái tim cô đơn đến héo mòn của Lan bỗng bừng tỉnh bởi tiếng học phát âm tiếng Anh của cậu em. Thích, rồi từ đó cô mày mò tự học, tự đọc, tự nghe… Rồi mở lớp, dạy tiếng Anh cho lũ trẻ cùng xóm. Ban đầu, người ta nghi ngại về trình độ và ngại gần thân hình gày gò ốm yếu của cô. Nhưng nhiều học sinh qua tay cô dạy tiến bộ trông thấy. Cô cứ đắm say với việc dạy dỗ học sinh mà quên đi bao muộn phiền… Như là ông trời thử thách lòng kiên nhẫn, dạy học được hơn 4 năm thì cô ốm nặng. Lần này bệnh chạy vào tim.

Niềm an ủi tế nhị

Không đành lòng nhìn cháu gái ngày một héo hon vì bệnh tật, cô của Bích Lan là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng (vợ nhà văn Hoàng Quốc Hải) đã đưa Lan đến với văn chương bằng một cuốn tiểu thuyết tiếng Anh có tiêu đề “Never doubt my love” của tác giả Daisy Thompson - với đề nghị: “Thử dịch xem sao”. Càng dịch Lan càng thấy mê mẩn. Và điều bất ngờ nhất, bản dịch được NXB Phụ nữ đánh giá tốt, chỉ phải sửa lại rất ít chi tiết. Sách được xuất bản chỉ trong một thời gian ngắn. Những nỗ lực vượt lên bệnh tật của dịch giả đặc biệt này cuối cùng đã được ghi nhận bằng một giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với hạng mục “Sách dịch hay nhất trong năm 2011” cho cuốn “Triệu phú khu ổ chuột”. Giờ Bích Lan đã là người chuyển ngữ cho khoảng 20 đầu sách dịch như: Từ sông Nile đến sông Jordan, Nghìn khuôn mặt của đêm, Hứa yêu, Vũ điệu của trái tim, Mạch buồn, Người đàn ông hoàn hảo… cùng một vài tập thơ, một số tập truyện ngắn, do chính cô sáng tác.

Dịch giả Bích Lan hiện sống trên tầng 5 của một khu tập thể trên phố Núi Trúc, quận Ba Đình. Không thể bước được dù là một bậc cầu thang, vì thế, giờ Lan đi đâu cũng phải có người cõng. Nếu có đi lại cũng phải lựa lúc nào Lan khỏe nhất. Lan bảo: “Lúc nãy em ra tới cửa đón chị cũng đã là một nỗ lực rồi đấy”. Thế nhưng thật lạ, cứ ngồi vào máy tính, cứ đối diện với trang giấy là Lan như được tiếp sức. Ăn rất ít, cơ thể Lan chỉ trên dưới 30kg. Nhưng một ngày làm việc của cô có những lúc kéo dài 8-9 giờ. Cô tự đặt ra mục tiêu, mỗi ngày phải dịch được 7 trang sách thì mới đi nghỉ. Dường như với cô gái này những lúc đau yếu nhất thì đó lại chính là lúc bình tĩnh nhất và cũng chính lúc đó, cô trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình.

Đến với văn chương, cô gái trẻ đã tìm thấy niềm an ủi tế nhị nhất. Ở đó, cô có thể gửi gắm những ước mơ và viết lên hy vọng. Và đó cũng là nơi cô được sống với không khí, bối cảnh, sống với các nhân vật và tiếp nhận thông điệp từ các tác phẩm. Có được thành quả hôm nay cũng là nhờ vào điều kỳ diệu. Nhưng có điều chắc chắn rằng, tất cả những điều kỳ diệu đó đến với cô gái trẻ này không hoàn toàn là may mắn mà nó được dệt nên từ sức lao động, lòng kiên nhẫn và quyết tâm của chính bản thân cô.

“Nếu ai đó phải dành ra 1/3 thời gian trong ngày chỉ để tập trung cho việc thở thôi thì liệu người đó có thể nghĩ đến hạnh phúc riêng tư không?” - Lan nói với tôi như vậy và cô không bao giờ đặt giả thiết cho những việc đã qua. Điều Lan thường nghĩ nhất về cái biến cố mà cô gặp năm 14 tuổi là nó đã dạy cô biết yêu quý và trân trọng từng ngày của mình.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan, sinh năm 1976 tại Thái Bình.Cô hiện là dịch giả tự do. Bắt đầu dịch sách văn học từ năm 2002, cho đến nay, cô đã có nhiều đầu sách được dịch giả yêu thích. Gần đây nhất là bản dịch “Triệu phú khu ổ chuột”. Bên cạnh đó, cô còn làm thơ, viết truyện ngắn, đã được in trên một số sách báo. Ngoài ra, cô còn là soạn giả của cuốn “Thần đồng thế kỷ 20” và “Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới”.