Người đàn bà Rục hiếm có

(ANTĐ) - Bà Cao Thị Chính (bản Ón, Thượng Hóa, Minh Hóa, Tuyên Hóa) là người phụ nữ Rục có đến 100 con, cháu, chắt. Bà cũng là người phụ nữ Rục đầu tiên được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một phần thưởng hiếm có đối với cả người Kinh.

Người đàn bà Rục hiếm có

(ANTĐ) - Bà Cao Thị Chính (bản Ón, Thượng Hóa, Minh Hóa, Tuyên Hóa) là người phụ nữ Rục có đến 100 con, cháu, chắt. Bà cũng là người phụ nữ Rục đầu tiên được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một phần thưởng hiếm có đối với cả người Kinh.

Tuy tuổi cao nhưng bà Chính vẫn làm việc cần mẫn

Tuy tuổi cao nhưng bà Chính vẫn làm việc cần mẫn

Giàu con cháu

Bà Cao Thị Chính năm nay đã 76 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe, minh mẫn kể câu chuyện cuộc đời bên những nhát cuốc làm vườn sau lưng nhà ở bản Ón. Người phụ nữ Rục này sinh 16 người con nhưng theo bà: “Đã chết 4 đứa con trai, còn lại 12 đứa. Bốn đứa chết trong hang đá, do điều kiện đỡ đẻ không tốt nên chúng mất sau hai ngày sinh. Cả mấy đứa con, mình đều đẻ ở hang Cà Rung. Thời đó khổ lắm nên nuốt nước mắt nhìn 4 đứa con chết.

Mà hồi đó cũng theo hủ tục nữa, con cái mới sinh, phải đưa ra suối nước lạnh nhúng chìm 3 lần. Đứa mô sống được thì khỏe, đứa mô không chịu đươc thì đi theo tổ tiên”. Hiện bà Chính còn lại 10 người con trai và 2 người con gái. Những đứa con trai được bà lấy họ cha đặt cho chúng, con gái, theo tục lệ lấy họ mẹ. Chồng của bà, ông Trần Quyền đã 80 tuổi, tai nghễnh ngãng, không nói được chuyện với khách nhưng đi lại, làm việc nặng vẫn được.

Con cái của bà đã dựng vợ, gả chồng hết và quần tụ sống gần nhà bà ở bản Ón, duy chỉ một người con thứ hai lấy vợ mãi tại thị trấn Quy Đạt. Đầu năm 2009, gia đình làm lễ đại thọ cho bà. Bà kể: “Đại thọ, con cái làm lễ, thấy cháu chắt về nhiều, hỏi đám con tính xem ta có mấy đứa cháu, mấy đứa chắt cả đằng nội, đằng ngoại thì có 9 đứa chắt, 12 đứa con đầy đủ cả, ta giàu có đến 79 đứa cháu.

Thế là mừng hung. Vui hung”. Người Rục quan trọng nhất không phải gia sản nhiều tiền bạc, vàng ngọc, mà là con người. Con cháu càng đông, dân bản càng nể trọng. Với một tộc người nhỏ bé giữa đại ngàn ở xã Thượng Hóa, chỉ được 600 khẩu, thì gia đình bà Chính được người Rục xem như là cực kỳ quý hiếm. 

Gia đình tiến bộ nhất

Bà Chính và chồng (phải), mỗi lần có khách đến thăm đều niềm nở tiếp đón kể chuyện gia đình

Bà Chính và chồng (phải), mỗi lần có khách đến thăm đều niềm nở tiếp đón kể chuyện gia đình

Tuy con đông, những năm đất nước kháng chiến chống Mỹ, vợ chồng bà cũng gom góp công sức cùng dân tộc. Vậy nên bà và chồng được Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, riêng bà Cao Thị Chính, được Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Ông Cao Xuân Tạo - Chủ tịch xã Thượng Hóa nói: “Bà Chính là một trong những phụ nữ có công đối với người phụ nữ xã Thượng Hóa. Bà là người đầu tiên ra khỏi hang đá sau đó vận động hàng trăm phụ nữ Rục rời hang đá, đi theo bộ đội, theo chính quyền. Vận động người dân thoát cảnh sống nguyên thủy, không ăn tươi, nuốt sống mà nấu chín uống sôi”.

Ngoài vận động chị em phụ nữ ra khỏi hang, bà Chính còn kêu gọi chính quyền các cấp hỗ trợ bà con có tư liệu sản xuất, giúp đỡ vốn liếng cho người Rục làm ăn. Chức vụ cao nhất ở chính quyền xã của bà là cán bộ mặt trận xã những năm kháng chiến và sau giải phóng. Hiện tại, mỗi tháng, bà Chính nhận lương hưu 600.000 đồng. Bà là người Rục đầu tiên có lương hưu.

Bà Chính luôn là tấm gương cho người Rục ở bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Những người con trai, con gái của bà luôn được động viên làm việc có ích. Với 10 người con trai, bà động viên 6 người con đi bộ đội. 5 người đi nghĩa vụ ở Lào, sau đó phục viên về làm việc tại địa phương.

Một trong 5 người con là Trần Xuân Phận, có công lớn ở Lào được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, hiện người con trai này của bà Chính đang là bác sĩ của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Minh Hóa. Người con trai thứ 6 của bà Chính, Trần Ngọc Lĩnh hiện là chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đồn Ra Mai, đóng cách nhà 45km đường rừng.

Về thành tích bộ đội Lĩnh, nếu nhắc đến, hầu hết những người Rục đều kính trọng bởi cái lẽ trung thực, thương người và dạy xóa mù cho hơn 200 người Rục tại đây. Ngày Lĩnh chia tay bà con lên đồn Ra Mai, ai cũng rưng rưng nước mắt, chạy hết ba quả đồi, ra đường Hồ Chí Minh chia tay Lĩnh đi làm nhiệm vụ. Chờ cho bóng bộ đội Lĩnh khuất xa cuối con dốc Trung Hóa mọi người mới lục tục trở về.

Bây giờ, một người con gái của bà Chính, chị Cao Thị Tiến nghe lời mẹ dặn đã phấn đấu học tập, trở thành y sĩ phụ trách sức khỏe cho 3 bản người Rục ở Thương Hóa.

Người con gái thứ 2, chị Cao Thị Dần được bà động viên làm công tác phụ nữ ở Rục. Còn một số người con trai khác, bà Chính tự hào kể: “Thằng Trần Xuân Tư con út của mẹ hiện là trưởng thôn bản Ón, thằng Trần Xuân Bộ con thứ ba là công an viên của Rục, thằng Trần Thanh Tâm vinh dự được Nhà nước cho làm kiểm lâm vì hắn giỏi đi rừng, nhũng đứa khác không làm cho Nhà nước cơ sở thì ở nhà chăm lo sản xuất, nuôi con đẻ cháu mẹ cũng thấy chúng siêng lắm”.

Trong số 12 người con của bà có 6 người được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bà nói: “Hồi ở hang, chẳng có gì, chừ có 6 đứa con vào Đảng, được Đảng cho đi ăn học, biết chữ, cuộc sống khá lên thì động viên chúng phục vụ lại Đảng để góp sức nhỏ xây dựng làng bản”.

Chia tay chúng tôi bà nói vui: “Cả trăm đứa con cháu và chắt, mẹ mừng vì không có đứa mô mù chữ. Mười mấy đứa con mẹ cho đi học theo bộ đội chúng thành người, mấy chục đứa cháu được con mẹ gom góp cho ăn học biết chữ, không có đứa mô bỏ học mẹ cũng mừng vui.

Chừ có 9 đứa chắt thì 2 đứa đang nhỏ chưa biết chi nhưng mẹ thấy cha mẹ chúng quyết phải cho học tới chốn là cũng mừng, còn 7 đứa chắt khác thì cũng đã biết chữ, lại được tiếp tục ra huyện học rồi Nhà nước cho đi học nội trú nữa thì đời mẹ thế là mãn nguyện”.

Anh Linh