Phòng ngừa tai nạn lao động chết người từ những vụ việc nghiêm trọng liên tiếp xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về sức khỏe, tính mạng và tài sản liên tiếp xảy ra trên khắp cả nước khiến dư luận bàng hoàng. Mới đây nhất là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Công ty CP Xi măng và khoáng sản Yên Bái, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (Đồng Nai) khiến nhiều người chết và bị thương. Những hình ảnh đổ nát, tang thương chính là bài học đắt giá, là lời cảnh tỉnh cho công tác an toàn lao động tại Việt Nam.

Nguy cơ tai nạn lao động rình rập

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 đang được triển khai trên toàn quốc với quyết tâm cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát tai nạn lao động, bảo vệ nguồn nhân lực, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao. Tuy vậy, chỉ trong 10 ngày đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an toàn lao động. Ngày 1-5 vừa mới đây, tại Đồng Nai đã xảy ra vụ nổ bình hơi khiến 6 người tử vong, 5 người bị thương nặng. Theo báo cáo, công ty nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm có lắp một nồi hơi dạng ống nước với công suất hơn 1.000kg/giờ. Quá trình sử dụng, công ty phát hiện có trục trặc về mặt kỹ thuật nên đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến kiểm tra, bảo trì. Sáng 1-5, trong lúc công nhân kỹ thuật của công ty kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ.

Các nạn nhân trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai đang được cấp cứu tại cơ sở y tế

Các nạn nhân trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai đang được cấp cứu tại cơ sở y tế

Trước đó, chiều 22-4, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại Công ty CP Xi măng và khoáng sản Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này là do công nhân bất cẩn, sai sót trong quá trình ngắt/mở điện, khiến động cơ chính máy nghiền số 3 bất ngờ hoạt động trong khi đang sửa chữa. Cũng trong tháng 4, nhiều vụ tai nạn lao động khác đã xảy ra, điển hình như vụ tai nạn tại Phân xưởng Đào lò 2, Công ty than Thống Nhất tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) khiến 4 công nhân tử vong, 7 người khác bị thương; hay vụ sập mái kính tòa nhà 7 tầng tại ngõ Tức Mạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi tu sửa khiến 2 người chết, 2 người bị thương…

Trên thực tế, vấn đề an toàn lao động đã được quan tâm và nhắc nhở nhiều lần, từ các văn bản pháp luật, các hội nghị, hội thảo đến các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Tuy nhiên, những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra như một lời cảnh tỉnh cho thấy công tác an toàn lao động vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở mức cao

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH ,trong năm 2023 cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, làm 7.553 người bị nạn. Con số này bao gồm cả khu vực có hợp đồng lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2023 gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.

Đánh giá về tình hình tai nạn lao động trong những năm gần đây, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, số vụ tai nạn lao động có giảm nhưng số vụ nghiêm trọng vẫn ở mức cao; tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn. Lý giải nguyên nhân số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở mức cao, ông Hà Tất Thắng cho biết, nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực.

Phân tích thêm về điều này, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế công nghiệp hóa - hiện đại hóa, từ đó các doanh nghiệp xuất hiện nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn. Những yếu tố, những áp lực của vấn đề về sản xuất công nghiệp cũng là những nguyên nhân làm cho tai nạn lao động khó có thể giảm được. Trong những năm gần đây, khi xem các số liệu thống kê dễ nhận thấy tỷ lệ tai nạn lao động giảm khá thấp. Bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân về mặt ý thức thì việc phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong góc độ quản lý Nhà nước, việc thanh tra lao động của chúng ta vẫn còn khá mỏng. Hiện nay, lực lượng thanh tra lao động của toàn quốc chỉ có khoảng 400 thanh tra viên trên tất cả các lĩnh vực lao động. Vì thế, việc thanh tra, kiểm tra công tác an toàn lao động cũng còn rất hạn chế.

Tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong

Tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong

Cần xây dựng quy trình làm việc an toàn

Để giảm thiểu những sự cố thương tâm về tai nạn lao động, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động - trách nhiệm của doanh nghiệp là lớn nhất và quan trọng nhất. Bởi một trong những nguyên tắc mà Bộ luật Lao động đã quy định là doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện an toàn thì mới được sản xuất. Do đó, doanh nghiệp cần thông tin tuyên truyền, giáo dục về an toàn vệ sinh lao động hay tổ chức huấn luyện cho người lao động, đặc biệt là huấn luyện đối với những người làm công tác có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng, ban hành tổ chức thực hiện các nội quy, các quy trình bảo đảm an toàn tại nơi làm việc. Doanh nghiệp phải đảm bảo nơi làm việc đạt các yêu cầu về không gian, về độ thoáng, về nóng - nồm - ẩm, tức là các yếu tố mà các quy chuẩn kỹ thuật quy định và phải thường xuyên kiểm tra, đo lường và đảm bảo các máy móc, thiết bị phải theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Mặc dù khi doanh nghiệp thành lập cũng không muốn xảy ra bất kỳ sự cố tai nạn lao động nào, nhưng có thể có những chi phí phát sinh liên quan đến việc thực hiện tốt và đúng các quy định của pháp luật về các tiêu chuẩn trong điều kiện làm việc thì người ta cũng cân nhắc.

Về mặt thể chế, bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, Luật An toàn vệ sinh lao động cũng như hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta cũng đã tương đối tiếp cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát sinh những công việc mới như là các công việc mà sử dụng các công nghệ, hay những nơi mà không có quan hệ lao động thì vẫn cần phải có những chính sách để có thể đảm bảo quyền lợi của người lao động ở những khu vực đó hoặc những công việc đó.

Các chuyên gia về an toàn vệ sinh lao động cho rằng, an toàn lao động là việc cần thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ gói gọn trong 1 tuần hay tháng, vì chỉ cần vài giây bất cẩn, mỗi phút, mỗi giờ qua đi nếu chủ quan trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động đều có thể phải trả giá đắt. Công tác an toàn lao động không chỉ đơn thuần là những khẩu hiệu suông, mà cần được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực. Trước hết, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn lao động. Chủ sử dụng lao động cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên tổ chức tập huấn, giáo dục về an toàn lao động cho người lao động, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Bản thân người lao động cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, tuân thủ nội quy an toàn lao động.