- Sâu khấu thử nghiệm: "Vẫn chín người mười ý"
- CGV đồng hành cùng "Gặp gỡ mùa Thu 2016"
- Bình Minh "xuất thần" vào vai một người lúc điên, lúc tỉnh
Đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng
Đề cao bản sắc văn hóa dân tộc
Ở vở kịch thử nghiệm “Giấc mơ” (kịch bản Nguyễn Đình Thi), Thái Kim Tùng đã kết hợp nhiều luồng văn hóa khác nhau như hình thức thể hiện mang đậm chất Tây Âu nhưng vẫn lấy các giá trị văn hóa cổ truyền Việt Nam làm trọng tâm như dàn nhạc lễ, chiếc áo dài truyền thống. Trong “Giấc mơ”, Thái Kim Tùng đã sử dụng một số cảnh thoại ngâm thơ. Nhưng cái khác ở đây, anh muốn âm thanh của các đoạn ngâm thơ ấy cần cho khán giả thấy “tiếng Việt nước tôi rất hay”.
Do vậy, anh đã mời nhạc trưởng Trần Nhật Minh, người chuyên chỉ huy dàn nhạc giao hưởng để thực hiện việc điều hành dàn nhạc lễ, nhà thiết kế Sỹ Hoàng để tạo nên các bộ trang phục áo dài truyền thống, nhạc sỹ Quốc Bảo đảm nhận phần âm thanh, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam đảm nhận phần thiết kế mỹ thuật.
Bên cạnh đó, sự góp mặt của một số tên tuổi khác trong làng sân khấu kịch TP.HCM như NSƯT Mỹ Uyên, diễn viên Trung Dũng… đã góp phần đưa đến thành công của vở. Và để mời được từng ấy gương mặt tham gia vào ê kíp sáng tạo, Thái Kim Tùng đã thể hiện độ chịu chơi của mình, dù rằng, anh vừa tốt nghiệp khoa Đạo diễn, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM vào tháng 6-2016.
Trước đó, chàng đạo diễn trẻ này đã theo học lớp Diễn viên (trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) và lặn lội với nghề một thời gian. Kim Tùng là diễn viên khá đặc biệt, khi anh rời xa sự hào nhoáng của các gameshow hài truyền hình, các bộ phim truyền hình, điện ảnh chỉ vì một lý do duy nhất, anh yêu sân khấu và muốn chăm chút cho từng vai diễn của mình một cách bài bản.
Thái Kim Tùng sử dụng hình thức biểu diễn đề cao bản sắc văn hóa dân tộc trong “Giấc mơ”
Được làm nghề và sống cùng nghề
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng dòng máu nghệ thuật lại chảy mãnh liệt trong anh từ những ngày đầu tiên đến với sân khấu. Đến nay, Kim Tùng là số ít những diễn viên và đạo diễn trẻ mới ra trường, được làm nghề và sống cùng nghề.
Trong lớp học của anh, đã quá 3/4 bạn bè chuyển sang làm các công việc khác vì kém duyên và kém cả sự may mắn. Để sống cùng sân khấu, Kim Tùng buộc phải lấy ngắn nuôi dài. Anh quan niệm, chỉ cần có sân khấu, những gì đặt trên đó, người đạo diễn như Kim Tùng phải biết làm cho đủ.
Do vậy, ngoài diễn xuất, anh còn làm các sự kiện, đạo diễn các chương trình ca nhạc để có nguồn thu nhập tạm ổn, rồi dùng số tiền ấy để thử nghiệm một số sáng tạo trong các vở diễn. Và “Giấc mơ” chính là một tác phẩm như thế.
Dù sự toàn tâm toàn ý cho sân khấu không được như mong muốn, nhưng Kim Tùng thấy vui vì sự vất vả đã giúp anh tích lũy được kinh nghiệm sống và quan trọng hơn, sự thử thách, gian nan làm anh ngộ ra, mình thuộc về sân khấu, chứ không phải truyền hình, điện ảnh.
Chỉ ít năm cống hiến với sân khấu, Thái Kim Tùng đã bắt đầu được biết đến trong vai trò của một diễn viên và đạo diễn. Sở hữu ngoại hình cao lớn, nhưng Kim Tùng không phù hợp để vào vai hoàng tử, chính diện có dung nhan đẹp đẽ. Gương mặt của anh chẳng hiểu sao chỉ phù hợp với các vai ông già và từng làm khán giả cười nghiêng ngả trong một số vai hài.
Thậm chí, chàng diễn viên này còn làm khán giả run sợ trước khả năng hóa thân tài tình trong các vai phản diện. Với sự thành công ban đầu ở người chỉ huy diễn xuất tại một số vở cải lương, bi kịch và thử nghiệm, Thái Kim Tùng đã được trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM mời làm giảng viên. Kim Tùng chứng minh, anh đã đúng khi không ôm đồm và biết lựa chọn một con đường đi riêng cùng sân khấu, đó là con đường đi của sự bài bản và học thuật.