Sứ mệnh lịch sử oanh liệt và rạng rỡ của kinh đô 1010 năm tuổi (bài 7):

Nghìn năm bảo vật đất Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tháng 1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 8, năm 2019) cho 27 hiện vật, nhóm hiện vật. Trong số đó, Hà Nội góp mặt 3 hiện vật đặc biệt quý giá là chuông Nhật Tảo (thế kỷ X); Tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm (thế kỷ XII); khám thờ gỗ sơn son thếp vàng (thế kỷ XVI).
Bài minh khắc trên chuông ghi rõ bối cảnh lịch sử năm 948 khi đúc chuông. Đây là hiện vật độc bản, đặc biệt giá trị với 1072 năm tồn tại nguyên vẹn Ảnh: Vân quế

Bài minh khắc trên chuông ghi rõ bối cảnh lịch sử năm 948 khi đúc chuông. Đây là hiện vật độc bản, đặc biệt giá trị với 1072 năm tồn tại nguyên vẹn Ảnh: Vân quế

3 bảo vật, ngoài giá trị về niên đại, về nghệ thuật tạo tác còn góp phần kể lại câu chuyện về cuộc sống ở mảnh đất rồng bay từ nghìn năm trước.

Chuông quý… ẩn mình

Hơn 30 năm trước, không ai có thể ngờ được rằng, quả chuông nhỏ, treo ở góc đình Nhật Tảo lại có tuổi đời hơn 1.000 năm (chuông được đúc năm 948) và trải qua biết bao thăng trầm.

Năm 1987, bài minh trên chuông được nhà Hán Nôm học Phạm Văn Thắm tình cờ đọc được khi chuông đang được treo tại Văn Chỉ của thôn Nhật Tảo (nay thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Bài minh sau đó được dịch lại đầy đủ, “thân phận” của quả chuông quý được hé lộ. 33 năm sau, tháng 1-2020, Nhật Tảo trở thành bảo vật quốc gia.

Trước tôi, đã có rất nhiều nhà báo tìm về đình Nhật Tảo, với mong muốn được ngắm nhìn quả chuông quý giá. Tuy nhiên, cho đến giờ, không nhiều người có cơ duyên được trực tiếp chạm tay vào bảo vật nghìn năm. Hình ảnh về chuông Nhật Tảo, tính cho đến thời điểm được chính thức công nhận bảo vật quốc gia trên các phương tiện báo chí truyền thông không nhiều. Đâu đó, người ta vẫn nhầm chuông Thanh Mai (cũng là một bảo vật quốc gia được công nhận trước đó) là chuông Nhật Tảo và ngược lại.

Để được tận mắt thấy chuông quý, nhóm phóng viên chúng tôi thời điểm đó đã mất hơn 1 tháng trời liên hệ với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Tôi hiểu, sự cẩn trọng này là đương nhiên và cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bảo vật nghìn năm. Ngày đến thăm đình Nhật Tảo, tiếp chúng tôi là đầy đủ các thành viên của Tiểu ban quản lý di tích và một cán bộ Công an phường Đông Ngạc. 4 cụ cao tuổi trong làng đều mặc đồ tế lễ, nghiêm cẩn và trịnh trọng bê quả chuông ra đặt trên một cái bàn lớn, giữa sân đình.

Trái với hình dung của tôi, chuông có kích thước không lớn, chỉ cao 0,32m, nặng 5,4kg với đường kính miệng 0,19m. Quai chuông uốn cong, được tạo tác thành 2 đầu thú có sừng. Mặt chuông khắc một bài minh, gồm 210 chữ Hán. Một ít chữ bị mờ hoặc là được viết theo dạng ký tự đặc biệt, tuy nhiên nhìn vào tổng thể bài minh, nhà nghiên cứu cũng có thể đoán định được.

Ông Đặng Văn Đường, Thủ từ đình Nhật Tảo chậm rãi đun nước, pha trà kể: Trước đây, quả chuông vẫn được treo ở đình Nhật Tảo song không ai biết giá trị lịch sử to lớn của nó. Năm 1952, thực dân Pháp càn qua, dân làng đành phải chuyển hết đồ thờ tự từ đình về Văn Chỉ, khi đó chuông bị di dời và được treo phía ngoài Văn Chỉ mấy chục năm ròng. Rồi thì kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội phải hứng chịu nhiều đợt ném bom của Mỹ, Văn Chỉ xuống cấp, đình Nhật Tảo cũng xuống cấp. Chẳng ai quan tâm đến quả chuông năm này qua năm khác treo ở phía lối vào Văn Chỉ.

Các cụ cao niên trong làng còn kể lại rằng, ngày xưa, các lớp học còn được tổ chức ngay trong đình làng, quả chuông treo góc đình thực hiện nhiệm vụ thay trống báo giờ vào lớp, giờ tan học. Quả chuông không to, chính vì thế đám học trò nghịch ngợm không ít lần tháo xuống gõ chơi. Gõ chán thì lại treo lên. Cũng có thời gian dài, để bảo vệ chuông quý khỏi sự nhòm ngó của kẻ gian, người làng phải nghĩ ra rất nhiều kiểu cất giấu, chôn xuống đất, rồi treo lên cao…

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, chuông Nhật Tảo là cổ vật độc bản, đây là quả chuông duy nhất tồn tại nguyên vẹn từ thế kỷ X cho đến nay, được phát hiện ở Việt Nam. Không chỉ có niên đại sớm và cổ xưa nhất còn lại, chuông Nhật Tảo có hình dáng độc đáo, khác biệt so với hệ thống chuông chùa ở Việt Nam. Họa tiết trang trí trên thân chuông được xem là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật đúc đồng từ hơn 1.000 năm trước.

Chuông được đúc theo lối thượng thu hạ thách (trên thon, dưới nở). Quai chuông đúc nổi đôi thú (giống như Ly Thủ) đấu lưng vào nhau, uốn cong tạo thành núm treo chuông. Thú có đầu to, mắt lồi, hai sừng thẳng, bờm ôm sát đầu, thân có vảy, hai chân và miệng ngậm tỳ xuống đỉnh chuông tạo thế vững chắc cho quai chuông. Chỏm quai tạo hình núm tròn dẹt nhô lên nhưng không phải là hồ lô như trên các quai chuông sau này. Đỉnh chuông bằng, vai xuôi, thân hình trụ, miệng loe có gờ, thành chuông dày. Thân chuông được phân cách bởi 5 đường đúc nổi ngang dọc, tạo thành 8 ô, phần trên là 4 ô hình thang đứng, phần dưới là 4 ô hình chữ nhật.

Nằm giữa 5 đường đúc nổi nêu trên là 4 núm gõ (để đánh chuông), núm tròn, tạo hình bông hoa nở, xung quanh có 12 cánh hoa. Phần trên của mặt ngoài chuông khắc chìm chữ Hán, theo lối chữ chân, còn khá rõ, phủ kín cả 4 ô hình thang và khoảng trống giữa những đường đúc dọc (gồm 27 cột, 211 chữ). Trải qua thời gian dài hơn 1000 năm, một số phần nhỏ chuông bị hư hỏng như phần chỏm quai vỡ thiếu mảnh, linh thú gẫy 1 chân, sừng, một số cánh hoa của 2 núm gõ bị mòn vẹt do quá trình sử dụng. Song về tổng thể chuông được đánh giá là còn khá nguyên vẹn.

Theo bản dịch của cố Giáo sư Hà Văn Tấn, bài minh được viết năm Càn Hòa thứ 6 (năm 948). Càn Hòa là niên hiệu của Lưu Thạnh, vua nước Nam Hán, một nước thời Ngũ đại thập quốc, đóng đô ở Quảng Châu. Tuy nhiên, đây là chuông Việt Nam, không phải chuông Trung Quốc, vì tên địa danh ghi ở bài minh đã xác nhận điều đó.

Trong bài minh có nhắc đến năm Giáp Thìn, tức năm 944, là năm Ngô Quyền mất. Sau đó Dương Tam Kha đã cướp ngôi vua, xưng là Bình Vương. Năm 948 là năm Dương Tam Kha đã ở ngôi vua được 4 năm. Theo sử sách ghi lại tuy Ngô Quyền đã giành lại nền độc lập, xưng vương, nhưng vẫn chưa có niên hiệu. Cho nên, để ghi năm tháng cho các văn bản trong nước ta thời đó, người ta phải dùng niên hiệu của Nam Hán, dù rằng, đạo quân xâm lược của nước này đã bị Ngô Quyền đánh bại ở sông Bạch Đằng năm 938.

Hai ông Sấm nghìn tuổi ở chùa Bà Tấm

Cũng trong đợt công nhận bảo vật quốc gia lần thứ 8 vừa qua, chùa Bà Tấm hay còn được gọi là Linh Nhân Tư Phúc tự, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm cùng lúc có 2 bảo vật quốc gia là Tượng sư tử đá và Khán thờ bằng gỗ.

Đôi tượng sư tử đá thực chất là bệ đặt tượng Phật do các nghệ nhân tài hoa từ cách đây gần nghìn năm đã tạo tác mà thành. Sư tử đá bên phải cao 104cm, rộng 130cm. Sư tử bên trái cao 104cm, rộng 136cm. Cả hai mang bộ mặt thần thái, uy nghi, sống động, tư thế nằm thủ phục, đường nét mềm mại, vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ… Đôi tượng được hoàn thành với kỹ thuật tạo tác đạt đến đỉnh cao, độc bản, vô giá. Trán sư tử ngắn, tựa như trán lạc đà, giữa trán chạm chữ “Vương” biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật. Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được viền quanh nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi to bè, chạm nhiều đường cong song hành, đều đặn. Mắt giọt lệ kép, viền phía trên là hàng hoa văn dấu hỏi tròn (cánh hoa cúc) để cùng với khối mắt to, lồi, tạo nên một ấn tượng mạnh trước những đệ tử chiêm bái.

Nghệ nhân đời xưa đã rất chú trọng đến cái hồn trong đôi mắt của sư tử, không những thế hai ông Sấm còn có hàng mi cong, đuôi mắt vuốt dài, những chi tiết tinh xảo đó khiến khuôn mặt thanh thoát. Miệng sư tử mở rộng để lộ hàm răng, lưỡi đỡ viên ngọc, quanh mép là băng hồi văn xoắn ốc. Má chạm nổi băng hoa nhiều cánh xoắn ốc. Cổ đeo dây lục lạc. Tai sư tử đặt trên mang bạnh, sau mang là những bờm tóc thể hiện bằng nhiều hàng hoa văn xoắn móc. Chân sư tử có 5 móng chim ưng, đang trong tư thế động.

Tượng sư tử đá chùa bà Tấm với nghệ thuật tạo tác đạt đến đỉnh cao thời Lý Ảnh: hữu nghị

Tượng sư tử đá chùa bà Tấm với nghệ thuật tạo tác đạt đến đỉnh cao thời Lý Ảnh: hữu nghị

Theo quan niệm của Phật giáo, hình tượng sư tử là hiện thân của sức mạnh trí tuệ, song với những biểu tượng của tinh tú trên thân, sư tử đá chùa - đền Bà Tấm còn mang ý nghĩa cõng bầu trời chuyển động. Trong hồ sơ bảo vật quốc gia, các nhà nghiên cứu đã khẳng định, đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá, thể hiện bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ cao của nghệ nhân thời Lý. Không bị dập khuôn theo một hình mẫu nhất định, nghệ nhân đã thực sự sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, mang đậm dấu ấn thời đại mà nó được sản sinh. Điều đó đòi hỏi một sự hội tụ của trí tuệ, của óc tưởng tượng, của tình cảm và tài nghệ điêu luyện của những nghệ nhân bậc thầy, để có thể sáng tạo nên những tác phẩm quý giá như thế.

Ngoài vai trò là di sản điêu khắc Phật giáo sớm nhất và đẹp nhất thuộc thời Lý hiện còn ở Việt Nam, thì đây còn là tác phẩm điêu khắc đá mang tính phù điêu điển hình. Những thành tựu, thế mạnh của điêu khắc Phật giáo thời Lý được hội tụ trong tác phẩm này, tạo nên sự độc đáo chưa từng thấy trong nghệ thuật điêu khắc đá và đất nung thời Lý.

Khán thờ bằng gỗ, nghệ thuật tiêu biểu thời Mạc tại chùa Bà Tấm

Khán thờ bằng gỗ, nghệ thuật tiêu biểu thời Mạc tại chùa Bà Tấm

Nét tài hoa kỹ nghệ sơn thếp cổ truyền người Việt thời Mạc

Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu lịch sử, khám thờ là một minh chứng sinh động về nghệ thuật trang trí kiến trúc của người Việt ở thế kỷ XVI. So với khám thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở di tích chùa Thầy (Quốc Oai - Hà Nội) và khám thờ tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khám thờ ở di tích đền Bà Tấm là một trong 3 chiếc khám thờ có niên đại sớm nhất hiện biết, mang phong cách trang trí nghệ thuật thế kỷ XVI.

Đây được xem là hiện vật tương đối hiếm trong các di tích, được bắt nguồn từ “am thờ” trong kiến trúc. Về tinh thần, khám thờ làm tăng thêm ý nghĩa thâm nghiêm của vị thần được thờ. Khám thờ tại di tích đền Bà Tấm mang tư cách là một am thờ nhỏ, được làm theo kiểu long đình, hình thức của một kiến trúc thu nhỏ nhưng khá chi tiết.

Khám thờ chùa Bà Tấm bằng gỗ, cao 170cm; Rộng thân: 63cm; Rộng chân: 67cm, khám được tạo tác với dáng dấp của một tòa kiến trúc đồ sộ gồm 3 phần: bộ mái, thân và chân đế, liên kết với nhau bằng hệ thống mộng và chồng đấu. Bộ mái được tạo tác theo kiểu thức chồng diêm hai tầng tám mái, dật cấp, lợp ngói âm dương. Tầng mái trên thu nhỏ, gồm 2 mái chính và hai mái phụ (chái), nối với nhau bởi các bờ nóc, bờ giải có trang trí hoa chanh, hoa thị. Hai đầu bờ nóc có hai con kìm chạm hình rồng nhô cao. Tầng mái dưới xòe rộng, bốn mặt mái hình thang cân. Dưới mỗi tầng mái là bộ con sơn (đấu củng) chạc ba (mang tính chất trang trí nhiều hơn là chống đỡ hay chịu lực).

Thân khám gồm 2 lớp, lớp trong hình khối hộp chữ nhật, mặt trước trổ cửa bức bàn, có lan can vây quanh và ngưỡng cửa, với y môn (áo cửa) chạm rồng chầu hoa cúc. Ba mặt bên là ván bưng, chạm lộng hình rồng trong ô tròn và ô-van, hoa cúc, dây xoắn trong ô chữ nhật đứng và nằm ngang. Bốn góc là 4 cột trụ, có mộng liên kết và đỡ 2 tầng mái.

Lớp ngoài (mang tính chất trang trí, không có chức năng chịu lực và chống đỡ) là 4 trụ ở 4 góc, liên kết với nhau bằng đố ngang và lan can, chạm nổi hình rồng trên thân trụ, chạm lộng lưỡng long chầu nguyệt ở 4 mặt diềm cửa võng. Chân đế khám được tạo theo kiểu bốn chân quỳ dạ cá, chạm nổi đao mác và văn xoắn.

Bảo vật quốc gia khám thờ bằng gỗ chùa Bà Tấm hiện trạng khá hoàn hảo và nguyên vẹn, đây là hiện vật gốc, độc bản, tiêu biểu về loại hình đồ thờ trong đền - chùa, đại diện cho kỹ nghệ chạm gỗ, sơn son thếp vàng của đồ sơn gỗ sơn thếp.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, sở dĩ khám thờ chùa Bà Tấm được công nhận là bảo vật quốc gia là bởi, di vật đặc biệt ở giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Mạc, đóng góp một loại hình khá đặc biệt về đồ thờ trong thiết chế tôn giáo của người Việt nói chung, thời Mạc nói riêng. Trên khám thờ trang trí nhiều họa tiết hoa văn như: hình hoa cúc, hình rồng mang phong cách thời Mạc khá rõ rệt. Ngoài giá trị thẩm mỹ, nó còn cung cấp những hình dung về kiến trúc thời Mạc, một triều đại không lưu lại nhiều tư liệu bởi sự huỷ hoại của thời gian, thời tiết và đặc biệt là chiến tranh loạn lạc và ý thức của con người.

Độc đáo hơn nữa, khám thờ này mang những nét tiêu biểu nghệ thuật thời Mạc. Đó là một thời mà nghệ thuật dân tộc trở về với bản thể, với truyền thống của mình. Cũng nhờ sự “trở về” với truyền thống, với bản sắc, nên nghệ thuật kiến trúc thời Mạc đã sáng tạo nên những công trình có giá trị nghệ thuật cao như di tích nghệ thuật kiến trúc chùa Mui (Thường Tín - Hà Nội).

Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng ở di tích đền Bà Tấm với kết cấu mái tương tự mái chùa Mui trong mô hình thu nhỏ, còn tồn tại đến ngày nay là một hiện vật thực sự có giá trị, chúng đóng góp vào gia tài kiến trúc cổ Việt Nam.

Hà Nội (sau 8 đợt công nhận bảo vật quốc gia) hiện có tổng cộng 15 nhóm hiện vật đang được bảo quản, giữ gìn và phát huy:

* 82 bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám

* Chuông Thanh Mai

* Tượng Trấn Vũ (đền Quán Thánh)

* Tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (chùa Thánh Ân)

* Bộ tượng Di Đà Tam (chùa Thầy)

* 34 pho tượng Phật thời Tây Sơn (chùa Tây Phương)

* 2 tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường (chùa Đậu)…