Nghiệp dư vì còn dễ dãi!

ANTĐ - Sau nửa tháng sáng đèn, cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 đã khép màn để lại nhiều tiếc nuối…

Nghiệp dư vì còn dễ dãi! ảnh 1Quá chiều khán giả, sân khấu chuyên nghiệp sẽ thành nghiệp dư

Chất lượng tác phẩm chưa đạt

Cuộc thi năm nay ghi nhận nhiều kỷ lục: kỷ lục về số lượng vở diễn tham gia với sự góp mặt của 29 vở, trong đó các đoàn kịch xã hội hóa cũng ghi tên tranh tài đông nhất từ trước đến nay. Mặc dù đông về số lượng nhưng chất lượng của các tác phẩm lại không được đánh giá cao. Nói như lời PGS Tất Thắng - Chủ tịch Hội đồng giám khảo thì có rất nhiều vở diễn, chi tiết sa đà vào sự hưởng ứng bất chợt của khán giả. Nhiều diễn viên đứng trên sân khấu bằng lòng với diễn xuất dễ dãi để chiều theo thị hiếu của số đông. 

NSƯT Đàm Loan, giảng viên trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, chia sẻ xu hướng dễ dãi đang xâm nhập vào các vở diễn trên nhiều sân khấu kịch ở TP.HCM. Các diễn viên khi được sự hưởng ứng của khán giả thì sẵn sàng chiều theo, bất kể điều này sẽ làm câu chuyện bị lạc hướng. Nữ nghệ sĩ cho biết: “nhiều lúc muốn “kìm” các em lại song cũng không dễ vì đa số họ là những người trẻ, thích thể nghiệm, thích làm khác và cái chính họ bị áp lực bởi khán giả”. Với sân khấu xã hội hóa, không có người xem thì coi như chết, vì vậy chiều theo ý số đông không có gì là khó hiểu. Tuy nhiên, theo NSƯT Đàm Loan, việc chiều theo khán giả là cần thiết song nếu quá đã sẽ biến một nền sân khấu chuyên nghiệp thành nghiệp dư. 

Nghiệp dư vì còn dễ dãi! ảnh 2Một cảnh trong vở “Đường đua trong bóng tối”

Khan hiếm nhân lực

Tham dự cuộc thi năm nay vẫn là những cây bút quá quen và đã quá cao tuổi đến nỗi có khi người tinh ý không cần nhìn tên vẫn biết vở này do ai viết. Đó cũng là lý do sân khấu dễ đi vào lối mòn. Giải tác giả xuất sắc được trao cho nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương với tác phẩm “Đường đua trong bóng tối” - tác phẩm ra đời đã mấy năm và cũng đã nhận giải ở một số cuộc thi. Việc khan hiếm nguồn nhân lực sáng tạo bức thiết đến mức PGS Tất Thắng phải thốt lên: “Không nên chỉ đầu tư  vào những trại sáng tác nữa mà việc cần kíp phải làm ngay là tuyển nhân tài đưa đi đào tạo tại nước ngoài”.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo cũng nhận định, có những tác phẩm được viết hết sức tự do, tác giả không lý giải nguyên nhân mà bỗng chốc đưa ra kết quả khiến người xem không hiểu tại sao. Theo ông thì hiện không chỉ thiếu người viết mà cách viết kịch bản cũng có vấn đề. 

Trong khi đó, Trần Kim Khôi - tác giả trẻ duy nhất tại cuộc thi tâm sự, anh đang muốn viết khác những gì các bậc tiền bối đã dạy, khác những gì đang được coi là quy ước hiện nay. Kịch bản “Bông hồng vàng” của Kim Khôi thực chất được viết theo đơn đặt hàng và cũng vừa tham dự trại sáng tác tại Đại Lải do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức hồi tháng 5 vừa qua. Anh là một trong số ít các cây bút trẻ đang sống được bằng nghề hiện nay tại TP.HCM.