Nghèo nàn phim thiếu nhi

(ANTĐ) - Khán giả trẻ vẫn luôn được xem là “thị phần chính” của phim Việt. Thế nhưng, mỗi dịp hè điện ảnh Việt Nam lại chứng kiến sự nghèo nàn của dòng phim thiếu nhi. Đã đến lúc cần thay đổi quan niệm làm phim hè cho khán giả trẻ.
“Hồi chuông” cảnh báo về sự thiếu vắng phim thiếu nhi trong dịp hè đã được “gióng” lên từ lâu. Nhưng những năm gần đây, khán giả vẫn mỏi cổ ngóng trông phim dành cho thiếu nhi. Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình Việt Nam (VFC) là đơn vị sản xuất phim truyền hình chủ lực nhưng nhiều năm nay không có lấy một bộ phim thiếu nhi cho ra hồn. Trung tâm Điện ảnh chiều thứ bảy - Cục Điện ảnh vài năm trước thỉnh thoảng còn xuất xưởng đôi ba tập phim thiếu nhi như “Bố ơi; Lòng mẹ”… nhưng 2 năm trở lại đây cũng không có thêm phim thiếu nhi nào. Vì thế thật dễ hiểu, cứ đến dịp hè khán giả lại ca điệp khúc cũ - khát phim thiếu nhi. Theo thông kê, hiện cả nước có khoảng hơn 500 đơn vị có giấy phép sản xuất phim. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhà sản xuất xã hội hóa nào làm phim thiếu nhi. Quan tâm tới dòng phim thiếu nhi và đều đặn sản xuất phim thiếu nhi trong những năm gần đây có thể nói chỉ mình Hãng Phim Truyền hình TP.HCM (TFS). Một mình một chợ, nhưng số lượng phim thiếu nhi của TFS cũng chỉ chiếm 1/10 tổng số tập phim do Hãng sản xuất. Đấy thực sự là một con số đáng buồn cho phim thiếu nhi. Thế nên thật dễ hiểu, 15 tập phim “Phiêu lưu mùa hè” vừa trình chiếu trên HTV9 đã được đông đảo khán giả hưởng ứng, đánh giá cao. Điều đó thật dễ hiểu, vì sau những mùa hè “hạn hán” phim thiếu nhi, sự góp mặt của phim thiếu nhi “Phiêu lưu mùa hè” trên sóng truyền hình khán giả đành ngậm ngùi méo mó có hơn không.
Nghèo nàn phim thiếu nhi  ảnh 1
Cảnh trong phim “Kính vạn hoa” - một  phim hiếm hoi dành cho thiếu nhi
Đề cập đến dòng phim thiếu nhi, đa phần nhà sản xuất phim đều khẳng định đây là khoảng trống rất hấp dẫn. Bởi nhu cầu thưởng thức phim của khán giả nhỏ tuổi thực sự lớn. Thực hiện những cảnh quay phim thiếu nhi cũng đơn giản hơn, ít phải dùng kỹ xảo hay dựng trường quay, bối cảnh phức tạp. Hơn thế, phim thiếu nhi không chỉ dành cho những người nhỏ tuổi mà luôn thu hút khán giả lớn tuổi quan tâm. Thực tế, ngay sau khi trình làng, đĩa phim “Kính vạn hoa” đã được tiêu thụ rất nhanh. Ngay lập tức, Phương Nam Film - đơn vị phát hành đĩa phim này và TFS - nhà sản xuất bộ phim đã triển khai thực hiện phần 2 của bộ phim… Dòng phim truyền hình dành cho thiếu nhi đã nghèo nàn, nhìn sang lĩnh vực điện ảnh còn buồn tủi hơn. Cho đến nay, gần 20 năm trình làng nhưng bộ phim “Mãi mãi tuổi 17” vẫn ngự trị như một đỉnh cao của dòng phim giành cho thiếu nhi. Năm 2003, Hãng Phim truyện Việt Nam mạnh dạn giao cho đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc một bộ phim dành cho tuổi học trò - “Chiến dịch trái tim bên phải”. Phim được đầu tư tương đối, bên cạnh các diễn viên nhí còn có các ngôi sao tham gia như Trần Lực, Hồ Ngọc Hà, Minh Châu… nhưng bộ phim cũng đạt chất lượng khá và gây tiếng vang trong quá trình làm phim hơn là sau khi phim trình chiếu. Kế đến, đạo diễn Vũ Châu thử sức với bộ phim “9X” nhưng cũng không chiếm được cảm tình khán giả, phim làm xong “đắp chiếu” chứ phát hành chẳng được là bao. Vì thế, thật dễ hiểu hơn 3 năm trở lại đây điện ảnh Việt không có lấy một dự án làm phim nhựa nào về đề tài phim thiếu nhi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng phim thiếu nhi nghèo nàn như vậy được lý giải là do thiếu kịch bản hay. Đấy là chưa nói, đa số kịch bản phim thiếu nhi hiện xếp trên giá của nhà sản xuất có lẽ còn lâu mới thành phim bởi khi đề cập tới mảng đề tài này, nhiều nhà biên kịch vẫn sa vào lối mòn cũ là chuyển tải thông điệp giáo dục… Trong khi đó, các nhà văn chuyên viết văn học thiếu nhi hiện nay gần như không màng tới viết kịch bản phim thiếu nhi. Điều đó thật dễ hiểu vì nhuận bút cho kịch bản phim thiếu nhi xưa nay chưa bao giờ hấp dẫn. Trong khi thị trường sách văn học thiếu nhi vẫn luôn đặt hàng nhà văn những dự án, tác phẩm luôn được độc giả nhí chờ đợi. Điều đáng nói là dường như Việt Nam chưa xác định thị trường phim hè như một vụ mùa của những người làm nghệ thuật thứ bảy. Khác với nhiều nước trên thế giới vẫn thường xuyên trình làng những bộ phim bom tấn vào mùa hè thì những bộ phim được đầu tư, quảng bá rầm rộ… của điện ảnh Việt những năm gần đây chỉ chọn dịp Tết để ra rạp. Không thể phủ nhận mảnh đất phim hè thực sự màu mỡ. Nhưng điều quan trọng là chúng ta chưa có những bước chạy đà tích cực cho phim hè, cũng như phim thiếu nhi nói riêng. Nhìn lại, để tạo dựng thói quen xem phim Việt vào dịp Tết như hiện nay, điện ảnh Việt đã kiên trì trình làng phim nội vào dịp Tết. Thời gian đầu, nhiều bộ phim chưa thật sự thu hút khán giả như “Tết này ai đến xông nhà; Thung lũng hoang vắng”… nhưng dần dà khán giả đã đến với phim Tết nhiều hơn sau cú hích của “Gái nhảy; Lọ lem hè phố”… Vì thế, nên chăng đã đến lúc điện ảnh Việt cũng cần có chiến lược phát triển phim hè, dù biết đấy không phải là chuyện dễ thực hiện trong ngày một ngày hai.