“Nghệ thuật cộng đồng” cần có những chuẩn mực

(ANTĐ) - Mới mẻ và lạ lẫm là 2 từ được người ta nhắc đến nhiều nhất để nói về nghệ thuật cộng đồng ở Việt Nam. Các dự án này đã và đang tạo ra những màu sắc mới trong đời sống mỹ thuật nước nhà nhưng thực chất cái tính “cộng đồng” của mỗi công trình đến mức độ nào thì cũng còn không ít điều cần bàn.

“Nghệ thuật cộng đồng” cần có những chuẩn mực

(ANTĐ) - Mới mẻ và lạ lẫm là 2 từ được người ta nhắc đến nhiều nhất để nói về nghệ thuật cộng đồng ở Việt Nam. Các dự án này đã và đang tạo ra những màu sắc mới trong đời sống mỹ thuật nước nhà nhưng thực chất cái tính “cộng đồng” của mỗi công trình đến mức độ nào thì cũng còn không ít điều cần bàn.

Cũ người mới ta...

Thoát ra khỏi không gian chật hẹp ở phòng triển lãm, đưa tác phẩm của mình tiếp cận với công chúng một cách trực diện là xu hướng thường bắt gặp trong một số công trình của nghệ thuật Việt gần đây. Muốn công chúng vừa là người thưởng thức nhưng đồng thời cũng là người sáng tạo, là nhân vật trong tác phẩm của mình - đấy là những ý tưởng hết sức táo bạo được thực hiện bởi những tác giả có tuổi đời còn rất trẻ như: Phan ý Ly, Nguyễn Thu Thủy, Ngô Lực…

Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy lại khởi xướng và miệt mài bám đuổi dự án “con đường gốm sứ ven sông Hồng – Quà tặng Hà Nội 1.000 năm tuổi”, bởi lẽ hơn ai hết chị hiểu ý nghĩa lớn lao mà dự án cộng động này đang hướng tới. Bức tranh tường gốm hoành tráng sẽ làm mới “bộ mặt” đường đê đã được bê tông hóa trải dài trên địa phận các phường: Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật... Dự án đã thu hút được một lực lượng đông đảo các nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế, đặc biệt có không ít chuyển thể gốm thành công từ các bức tranh vẽ của các em thiếu nhi trường tiểu học An Dương.

Những mảng tường gốm lung linh màu sắc sẽ xóa bỏ đi cái ấn tượng xám xịt lạnh lùng bao phủ lên các các khối bê tông. Bức tường gốm chạy dài ven sông Hồng đã và đang tạo nên một không gian thẩm mỹ tác động tích cực đối với những người tham gia giao thông, tôn thêm vẻ đẹp yêu kiều của Thủ đô ngàn năm tuổi và là một điểm tham quan thú vị mỗi khi du khách gần xa có dịp tới Hà Nội. Để cho công trình được trường tồn với thời gian, dự án đã tổ chức nhiều hoạt động, giao lưu, tiếp xúc với cộng đồng dân cư khu vực quanh đoạn đê để người dân hiểu rõ vai trò của mình trong công tác bảo vệ và giữ gìn cảnh quan bức tranh tường với quy mô lớn chưa từng có ở Việt Nam.

Nghệ thuật cộng đồng đặc biệt ở chỗ: không có khái niệm ai là tác giả và tác phẩm là gì. Các tác phẩm không chỉ nằm im bất động trên các khung kính vô cảm mà nó sẽ xuất hiện với người xem trong không gian công cộng ở dạng đa chiều, buộc người xem phải động não tư duy và chiêm nghiệm. Vô hình trung trong quá trình quan sát và tương tác ấy, công chúng đã tự biến mình thành tác giả, tác phẩm từ lúc nào không hay.

Đơn cử như cuộc “Ra đường” vừa rồi của nhóm nghệ sĩ Hà Nội do họa sĩ Ngô Lực tổ chức đã đưa ra một cách thức tiếp cận cộng đồng của các tác phẩm nghệ thuật. Nhà văn Lê Anh Hoài đã tự biến mình thành cây cột điện vô thức để những người đi qua dán lên người đủ các loại giấy tờ quảng cáo, viết vẽ bậy hoặc thậm chí để cả em nhỏ tè lên người mình. Song điều đáng trân trọng ở đây chính là việc tác giả đã dám làm, dám thử nghiệm một loại hình nghệ thuật còn rất mới mẻ ở Việt Nam không chút đắn đo ngần ngại.

“Lạc” giữa lòng khán giả...

Không thể phủ nhận ý nghĩa tốt đẹp từ phía các cuộc trình diễn nghệ thuật cộng đồng, song nhìn từ phương diện nào đó thì dường như phần lớn chúng lại chưa đạt đến hiệu quả tích cực như mong muốn. Thử nhìn lại cuộc trình diễn “Sneaky week” (“Luồn lách”) với sự tham gia của 40 họa sĩ được thực hiện trải dài khắp Bắc, Trung, Nam vào năm 2007 thì thấy, sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả đã tạo ra những “tai nạn” đáng tiếc. Khi ấy, họa sỹ Anh Tuấn say mê trình bày tác phẩm của mình tại ngã ba Nhà Thờ -  Nhà Chung vào đúng giờ cao điểm nên vô tình gây ra ùn tắc giao thông.

Chưa tìm ra cho mình một hình thức thể hiện phù hợp với không gian công cộng và đặc biệt là thuần phong mỹ tục người Việt có lẽ là lý do khiến những cuộc trình diễn “lạc” trong lòng khán giả. Người Việt ta vốn kín đáo trong cách ăn mặc nên không dễ gì chấp nhận một tác phẩm bằng xương bằng thịt trong trạng thái gần như “nuy” hoàn toàn và sơn trắng toát toàn thân của nghệ sĩ Trần Mạnh. Không ít người chỉ trỏ xì xào và nhìn anh với con mắt không bình thường. Quả thực anh đã thành công khi thu hút sự chú ý của người khác nhưng lại thất bại khi không hướng họ đến cái thông điệp muốn chuyển tải ban đầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo đánh giá: “Các cuộc “ra đường” chỉ là một trò “bịp bợm” gây scandal, không làm cho xã hội đẹp hơn bởi nghệ thuật phải làm được một nhiệm vụ chính yếu là giải tỏa nỗi niềm của công chúng và làm cho công chúng thêm yêu mến cái đẹp”. Tuy vậy, nghệ sĩ Ngô Lực lại cho rằng vấn đề thành bại của mỗi tác phẩm không mấy quan trọng, kể cả khi tác phẩm chưa kết thúc thì chính sự trải nghiệm và thu nhận của người nghệ sĩ hay mỗi hành động nhỏ diễn ra trong quá trình trình diễn tác phẩm đã là kết quả nghệ thuật rồi.

Các dự án nghệ thuật cộng đồng đã làm được một điều là đem nghệ thuật đến trực tiếp với công chúng, nhưng để thể hiện được trọn vẹn tính “cộng đồng”, các tác giả cần có sự trau dồi kỹ năng thể hiện nghệ thuật trình diễn tránh đưa đến cho công chúng những khái niệm mù mờ về nghệ thuật cộng đồng.

Phạm Thu Hương