Nghệ sỹ trẻ Hoàng Tùng: Cô đơn cùng kịch câm

ANTĐ - Đã lâu, sân khấu vắng bóng kịch câm. Nỗi buồn kéo dài khá lâu của bộ môn nghệ thuật này sẽ phần nào được giải tỏa với sự xuất hiện của một gương mặt mới - nghệ sỹ trẻ Hoàng Tùng, người sẽ tiếp nối thế hệ đi trước và khẳng định về sự hiện diện của kịch câm trong đời sống văn hóa ngày nay. 

Nghệ sỹ trẻ Hoàng Tùng: Cô đơn cùng kịch câm ảnh 1Chương trình do anh tự bỏ tiền túi ra nhận được sự tán dương của khán giả

Không dễ để bước chân sang

Hoàng Tùng hiện đang công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Anh là phó đoàn 3, đoàn kịch thể nghiệm do NSND Lan Hương làm trưởng đoàn. Sự gần gũi giữa kịch hình thể và kịch câm làm nhiều người lầm tưởng về sự thuận lợi để các diễn viên kịch hình thể bước một chân sang kịch câm. Ấy vậy mà, ngoài Hoàng Tùng, không thấy bóng dáng một gương mặt trẻ nào đồng hành cùng anh. Hoàng Tùng cho biết, anh thấy đơn độc trong hành trình chinh phục ngôn ngữ cơ thể, quay đi quay lại vẫn chỉ có mình trên sân khấu. Các nghệ sỹ kịch câm nổi tiếng của Việt Nam như Đào Kế Đoàn, Phúc Dzĩ, Phạm Tiến Dũng sẽ mãi là những tên tuổi nhưng sự liên tục với nghề không còn nhiệt huyết như thời trẻ. 

Hoàng Tùng yêu kịch câm, điều này dễ hiểu khi các nghệ sỹ trong đoàn mải miết chạy theo đóng phim, diễn hài, làm quảng cáo, còn anh thì lặng lẽ, kiên trì theo đuổi những động tác thay cho ngàn lời nói. Hoàng Tùng cũng thú thật “Theo đuổi kịch câm khó khăn hơn rất nhiều các bộ môn nghệ thuật khác. Không có lời thoại, không múa, chỉ có âm nhạc và những ngữ điệu cơ thể luôn tạo ra những thử thách cho người diễn ngay từ khi hình thành ý tưởng đến lúc hoàn thiện tác phẩm. Nhưng sợ nhất vẫn là cảm giác cô đơn khi một mình tập luyện mà không có người bạn đồng hành”. Rồi những chông gai như lâu nay khán giả không có thói quen xem kịch câm và định kiến rằng bộ môn nghệ thuật này chỉ dành cho con trẻ khiến không phải ai cũng đủ tự tin để bước vào. 

Nghệ sỹ trẻ Hoàng Tùng: Cô đơn cùng kịch câm ảnh 2Hoàng Tùng trong buổi diễn báo cáo chương trình “Kịch câm trở lại”

Phép cộng của đam mê

Tình yêu của Hoàng Tùng dành cho kịch câm đơn giản là một phép cộng của những năm tháng đam mê và học hỏi với nghề. Có nhiều nghệ sỹ ban đầu thì hăm hở nhưng cứ dần rơi rụng vì kịch câm không thể học trong vài tháng là xong. Chỉ khi thẩm thấu được cái hay, người nghệ sỹ mới có đủ kiên trì theo đuổi kịch câm. Hoàng Tùng là một trường hợp như thế. Làm quen với kịch câm ngay từ khi còn nhỏ, tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật này còn được anh nuôi dưỡng qua những năm tháng học phổ thông, học Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và khi đã là diễn viên kịch hình thể, anh vẫn tiếp tục theo đuổi và trau dồi. Anh say mê tập theo các băng đĩa dạy diễn kịch câm của các nghệ sỹ nước ngoài và tự tìm cho mình một phong cách trình diễn riêng. Hoàng Tùng không đóng khung mình trong những động tác kịch câm kinh điển của Macxen Macxo, anh mở rộng tư duy để kịch câm có thể truyền đạt những thông điệp lớn lao, tiết tấu trình diễn được đẩy nhanh hơn.

 

Kịch câm rất gần gũi trong đời sống của Hoàng Tùng. Khi chơi đùa với con, lúc vào bếp phụ giúp vợ, anh làm chị nhà cười ngất khi ngẫu hứng trình diễn những động tác nấu nướng bằng kịch câm. Có lẽ thế, suốt hơn chục năm qua, Hoàng Tùng chưa khi nào thôi đam mê và dừng tập luyện loại hình nghệ thuật này. Sau quãng thời gian tích lũy, anh thấy tự tin khi ra mắt chương trình “Kịch câm trở lại” như sự khẳng định bộ môn nghệ thuật này vẫn đang thực sự hiện diện trong đời sống. Hoàng Tùng sẽ trình diễn 8 tiểu phẩm đề cập tới các mặt trái trong đời sống như nạn phong bì trong bệnh viện, tự sướng chụp ảnh… Sự xuất hiện của anh chính là sự tiếp bước của thế hệ nghệ sỹ trẻ ở loại hình kịch câm. Tuy vậy, không biết đến khi nào, kịch câm mới có thêm được một gương mặt nghệ sỹ trẻ thứ hai?