Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Trăn trở với nghệ thuật hát xẩm

ANTĐ - “Thực tế đào tạo được một nghệ sĩ hát xẩm là rất khó, nếu chúng ta đào tạo đại trà vài chục người hay vài trăm người, thì tôi nói thật cuối cùng cũng rơi rụng hết và chẳng đi đến đâu cả”, nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa cho biết.

- PV: Xin chào nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa. Ở độ tuổi được xem là “trẻ” so với những nghệ nhân âm nhạc dân tộc lại mang trên vai trọng trách một giám đốc trung tâm đào tạo, một biên tập viên truyền hình và một nghệ sĩ hát xẩm, chị có đánh giá như thế nào về sự quan tâm của giới trẻ hiện này với âm nhạc dân tộc nói chung và nghệ thuật hát xẩm nói riêng?

- Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Ở một cách nhìn khách quan thì rõ ràng mặt bằng chung bây giờ giới trẻ ít quan tâm đến âm nhạc dân tộc, đặc biệt với hát xẩm thì lại càng hiếm hoi hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chúng ta cũng không nên đổ lỗi hết cho giới trẻ, bởi vì trước sự “tấn công ồ ạt” của trào lưu âm nhạc, văn hoá ngoại nhập, các em lại hầu như không còn cơ hội để tiếp cận với âm nhạc dân tộc.

Nguyên nhân của việc này, theo tôi, một phần cũng là lỗi của các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó rất rõ khi trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay thì hầu như các chương trình âm nhạc, văn hóa đều là các chương trình ca nhạc nước ngoài hay những trào lưu âm nhạc mới. Cũng chính vì điều đó đã làm giảm tải thời gian để âm nhạc dân tộc đến được với công chúng.

Bên cạnh đó, cũng cần phải tính việc các chính sách của chúng ta chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, đừng đổ lỗi hết cho giới trẻ rằng họ không yêu âm nhạc dân tộc. Vì đơn giản khi họ chưa biết cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc thì lấy gì để mà yêu.

Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa biểu diễn hát Xẩm

- Vậy theo chị, đâu là giải pháp để khắc phục thực trạng này?

Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành một dự án mang tên “Sân khấu học đường” nhằm mục đích đưa âm nhạc dân tộc vào trong các trường học. Đây là cơ hội tốt để cho các bạn trẻ có thể yêu và hiểu được âm nhạc dân tộc. Bởi ngay trong chính các khóa học, các bạn trẻ sẽ nhiều cơ hội để hiểu được những cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn có nhiều điều để bàn luận.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, nếu như được tiếp xúc nhiều với âm nhạc dân tộc, đặc biệt là âm nhạc dân gian thì bảo đảm là các bạn trẻ sẽ rất thích. Một bằng chứng rất là thực tế là tại sân khấu hát xẩm tại trước cửa chợ Đồng Xuân đã hoạt động được 8 năm thu hút được rất nhiều giới trẻ. Hiện nay, cũng có rất nhiều bạn trẻ đang theo học hát xẩm. Trong thời gian tới tôi cũng sẽ mở một khóa đào tạo về hát xẩm cho các bạn trẻ. Vẫn biết việc học và đào tạo sẽ hết sức gian nan, vì để đào tạo được một người yêu, học và hát xẩm đúng làn, đúng điệu thì quả thật “đãi cát tìm vàng”, nhưng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm và đào tạo ra một số bạn trẻ có thể theo được nghề.

- Chị có thể chia sẻ những định hướng của bản thân chị và trung tâm để thu hút được nhiều học viên theo học trong thời gian tới?

Khi đặt ra mục đích đào tạo chúng tôi xác định phải làm đến nơi đến chốn, chứ không chỉ là dạy hát được vài bài rồi thôi. Chúng tôi đào tạo bài bản và dốc hết sức để về sau này chính các em là những hạt nhân để đào tạo những lứa kế tiếp. Thực tế đào tạo được một nghệ sĩ hát xẩm là rất khó, nếu chúng ta đào tạo đại trà vài chục người hay vài trăm người, thì tôi nói thật cuối cùng cũng rơi rụng hết và chẳng đi đến đâu cả.

Hiện nay số lượng các nghệ sĩ hát xẩm ngày càng vắng bóng, đặc biệt sau khi nghệ nhân Hà Thị Cầu mất. Tôi nghĩ là cần phải có sự chăm chút cho nghệ thuật hát xẩm ngày một nhiều hơn!

Bên cạnh việc sẽ tổ chức Lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm hàng năm tại đình Kim Liên, trong thời gian tới, chúng tôi cũng đang có ý định tổ chức một “Không gian văn hóa Xẩm” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tôi cũng rất mong là hoạt động này sẽ sớm đi vào hiện thực khi lớp đào tạo trong dự án hát Xẩm của Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam đã có được những nhân lực cụ thể. Hy vọng có thể duy trì được hoạt động một tháng tái ngộ với khán giả một lần. Chúng tôi rất mong muốn bằng những nỗ lực của mình hát xẩm sẽ vẫn thuyết phục được lòng người.

- Xin cám ơn chị và chúc cho tâm nguyện của chị sẽ thành công!