Nghệ sĩ Hán Văn Tình: Nụ cười còn mãi với nhân gian

ANTD.VN -NSƯT Hán Văn Tình sinh năm 1957 là người của “làng cười” Văn Lang, Tam Nông, Phú Thọ. Đó là ngôi làng mà hàng năm, người dân ở đây đều tổ chức thi nói phét và kể chuyện cười. Hán Văn Tình lớn lên trong những câu chuyện dân gian và hài hước của cha mẹ và tắm gội trên con sông Thao mênh mông lộng gió. Chính vì thế học hết lớp 7, hồi năm 1973,  Hán Văn Tình xông thẳng lên Hà Nội để thi món chuyện cười của làng và thử sức hát ca. Không ngờ cái mặt cười rất quê của cậu bé làng Văn Lang trúng tuyển vào bộ môn Tuồng truyền thống. Từ đó Hán Văn Tình cắp sách vừa học tiếp văn hóa và bắt đầu những âm vận đầu tiên của âm nhạc Tuồng cổ. Bốn năm trời ra sức học hành, chẳng mấy khi Hán Văn Tình được phát huy cái trò nói phét của làng mình. Nhưng rồi đâm mê Tuồng. Hát hay học giỏi, Hán Văn Tình được về Nhà hát Tuồng làm việc và trở thành diễn viên chính thức từ đó.

  “Không nên hoãn cái sự sung sướng lại”

Mãi sau này, do tình cờ đạo diễn điện ảnh Lưu Trọng Ninh vào xem các nghệ sĩ Tuồng tập luyện, và đã phát hiện ra gương mặt có góc cạnh và rất bắt hình của Hán Văn Tình. Anh đã mời nghệ sĩ Hán Văn Tình vào vai Lão Trọc trong phim “Canh bạc”, năm 1991. Khi đó nghệ sĩ Hán Văn Tình đã nổi tiếng với các vai như Lý Đại Hải (HCB), trong vở “Hoàng Hôn Đen”-Hội diễn năm 1985; và vai Ngự Y (HCB), trong vở tuồng “Tiếng thét giữa hoàng cung”- Hội diễn năm 1990. Có thể nói duyên nghiệp với điện ảnh và phim truyền hình của anh bắt đầu từ đây.

Sau đó liên tiếp trong năm 2001 anh được mời đóng các phim như “Phía trước là bầu trời”, “Người vác tù và hàng tổng”, cùng với những tiểu phẩm hài trên truyền hình. Nhưng có lẽ phải đến vai Chu Văn Quềnh trong phim “Đất và người”, sản xuất năm 2002, Hán Văn Tình mới khẳng định được tài năng và khán giả nhớ đến anh.

Đây là nhân vật mang dáng dấp của một dạng Chí Phèo đời mới. Quềnh là một nông dân nghiện rượu và lắm tật xấu. Hắn luôn luôn bị kẻ khác lợi dụng và làm theo.

Hán Văn Tình đã có công nghiên cứu rất kỹ nhân vật đã dựng nên một đời sống tính cách độc đáo của Quềnh. Hình tượng nhân vật ẩn chứa chất nét hài của sân khấu truyền thống và với nụ cười mang đậm dấu ấn nét hồn nhiên hoang dã của làng quê “nói phét” Văn Lang của anh. Rất đời và rất xù xì.

Đây là một vai dài hơi nhất của Hán Văn Tình và thể hiện được đúng yếu tố hoạt kê dân gian. Và người xem đồ rằng câu nói nổi tiếng của vai Quềnh: “Không nên hoãn cái sự sung sướng lại”, chính là hiện diện gương mặt cười của làng anh. Tác giả của câu nói lạ kỳ ấy, có thể lắp vào mọi tình huống hài hước của đời sống thực tiễn, chính là từ miệng anh phát ra, hài hước hồn nhiên phản ánh đúng tính cách nhân vật. Khán giả mê anh từ vai đó.

Câu nói điển hình của Quềnh trở thành ngôn ngữ đời sống là vì thế. Sau này cho dù anh còn tham gia mấy phim nữa như “Bão qua làng”, vai ông Sở; hoặc phim “Vụ áp phe Đông Dương”, vai Vàng Đọ… nhưng tất cả các vai đều không lại được với Quềnh. Đó là nhân vật “hề say” trong dân gian và sống mãi.

Đã từng giống Kép Tư Bền

Giờ đây nhìn lại quãng đường anh đồng hành với sự nghiệp Tuồng đã 40 năm trôi qua, biết bao kỷ niệm. Nhắc đến Hán Văn Tình là người ta nhớ tới các vai nổi tiếng của anh như: Hạng Võ (trong trích đoạn Hạng Võ Bại Ô Giang), năm 1993; Sứ Nguyên (Tuồng Trần Hưng Đạo), năm 1995; hoặc vai Thổ Công (vở Bạch Tinh). Cùng với hai vai diễn Lý Đại Hải và Ngự Y đã kể trên, nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Tình đã đoạt tới 5 HCB và được Hội Nghệ sĩ Sân khấu tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam”-năm 1999.

Hiện anh là Trưởng đoàn Tuồng 2 của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nhưng mọi chuyện không hề có hồi kết tươi sáng với người nghệ sĩ ưu tú này. Trong một buổi tập vở tuồng “Tiếng gọi non sông” (2014) thì một cơn đau dữ dội bên sườn phải, đã báo động đến sức khỏe của nghệ sĩ Hán Văn Tình. Sau đó các bác sĩ khám hội chẩn và kết luận anh bị ung thư phổi.

Đó là tin dữ và đầy đe dọa số phận của Hán Văn Tình. Gia đình nghèo ngỡ như bó tay trong bạo bệnh bởi không thể đào đâu ra tiền để chữa bệnh. Trong cơn hoảng loạn về tinh thần những người thân cũng không biết bấu víu vào đâu. Nghệ sĩ Hán Văn Tình nghĩ chỉ còn một con đường là phải bán ngôi nhà cấp bốn hiện đang ở. Nhưng rồi sau đó ra sao? Liệu bệnh có khỏi và vợ con sẽ ở đâu. Đang trong sự lo sợ và bế tắc, thi may sao anh được tập thể bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt tận tình cứu chữa miễn phí trong suốt 52 ngày đêm, mới tạm qua giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng, và có thể trở về chữa bệnh ở nhà cho hồi sức trở lại.

 Sau đó anh được xuất viện với sức khỏe có phần tốt lên và gia đình tìm cách chữa theo phương pháp đông y để tăng sức đề kháng và it tổn hại đến sức khỏe vốn đã rất yếu ớt. Với tính cách lạc quan NSƯT Hán Văn Tình luôn đem lại niềm vui và nụ cười cho mọi người, nhưng phải nói nỗi lo cơm áo gạo tiền để nuôi con ăn học hết sức áp lực đến đời sống và tâm lý của hai vợ chồng anh. Bởi ai cũng biết ngôi nhà cấp bốn của anh không có gì đáng giá.

Tất cả mọi chuyện trông cậy vào đồng lương của anh và lương hưu của vợ để lo toan, hà tiện từng đồng một. Bạn đồng nghiệp còn nhớ, đóng vai Quềnh nổi tiếng thế, vậy mà Hán Văn Tình chỉ được nhận cái gọi là Cát xê với giá 10 triệu đồng. Đó có thể là món tiền đóng phim cao nhất của anh trong thời kỳ trở thành diễn viên màn ảnh. Nhưng giờ này còn đâu.

 Mọi người đều nói, NSƯT Hán Văn Tình là người luôn luôn gương mẫu trong tập luyện và biểu diễn phục vụ khán giả bất cứ đâu, và trong hoàn cảnh nào.

Đã có lần anh rơi đúng vào cảnh trớ trêu như trong truyện ngắn “Kép Tư Bền” của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết về thân phận người nghệ sĩ. Đó là đêm biểu diễn phục vụ khán giả trên huyện Lập Thạch- Vĩnh Phúc.

Khi anh chuẩn bị bước lên sân khấu thì người nhà báo tin bố anh vừa mới qua đời. Đúng là trớ trêu, anh không thể bỏ vai diễn nên đành nuốt nước mắt để bước ra sân khấu cất tiếng hát. Cha mất vẫn phải cất tiếng cười. Tiếng cười vang lên mà nhói con tim.

Có những nỗi niềm không thể nói ra. Có những hoàn cảnh không thể tâm sự cùng ai. Nhất là lúc này cái nghèo càng không thể bộc bạch để kêu gọi lòng thương. Lại thêm một lần nghẹn lòng và nuốt nước mắt vào trong. Đời nghệ sĩ nghèo là vậy. Anh tự an ủi nuôi được hai con ăn học tử tế đã là hạnh phúc lắm rồi. Còn cái chết ư? Đã là số mệnh phải chấp nhận đành chịu. Ông Trời đã gọi ai nấy dạ thôi. Biết sao!?

Ấy thế rồi, nghe chừng ông trời chẳng động lòng thương. Mới đây nghệ sĩ Hán Văn Tình lại phải đi cấp cứu vì tình hình sức khỏe có diễn biến xấu. Khán giả yêu mến anh thêm một lần lo lắng và thương anh.

Những bạn bè đồng nghiệp nghệ sĩ và các nhà báo đã từng làm mọi việc để giúp anh có số tiền thuốc thang dưỡng bệnh và ai cũng hy vọng anh tai qua nạn khỏi. Khán giả đã vui và tràn ngập hy vọng khi thấy anh tham gia đóng một vai trong bộ phim hài “Thông gia đón Tết”, được trình chiếu vào dịp xuân Bính Thân (2016).

Vậy mà anh lại rơi vào vòng nguy kịch của bệnh tật không thể vãn hồi. Mong sao mọi sự sẽ lại qua. Vậy mà mọi điều không thuận lòng người. Không thể tin cho dù mọi chuyện đã xảy ra.

NSƯT Hán Văn Tình đã chia tay với khán giả của mình trong nỗi đau nặng trĩu con tim. Những tiếng cười của Quềnh vẫn còn đó. Câu nói bất hủ đậm chất hoạt kê còn bật lên trong nỗi chia xa. Những nhân vật của anh trên sân khấu Tuồng mãi mãi còn sống động với tiếng trống rộn rã. Lời anh ca vẫn vang ngân trong tiếng kèn lảnh lót. Chiếc roi ngựa vẫn vung lên như những tia chớp lung linh trên sân khấu. Và chắc giờ này anh đã cưỡi gió xa lìa cõi tạm về trời...