"Ngàn năm mây trắng": Kể một câu chuyện khác về nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng

ANTD.VN - Điểm nhấn của vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng" (tác giả kịch bản: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ) vừa ra mắt khán giả là sự pha trộn của chèo, cải lương và xẩm trong cùng một tác phẩm. Đó cũng là phép thử của ê kíp sáng tạo với mong muốn đổi mới sân khấu nghệ thuật truyền thống để tiếp cận với khán giả. 

Sự xuất hiện của nhiều loại nghệ thuật trong cùng một tác phẩm không phải là điều mới của sân khấu, khi trước đây nhiều đoàn nghệ thuật đã đưa các công nghệ mới như màn hình Led, kỹ xảo điện ảnh song hành cũng nghệ thuật cải lương hay chèo. 

Tuy nhiên, ở "Ngàn năm mây trắng", phép thử của đạo diễn Triệu Trung Kiên và NSND Thanh Ngoan lại mạnh bạo hơn khi "trộn lẫn" cả 3 loại hình là chèo, cải lương và xẩm trong cùng một tác phẩm.

Việc phân bổ và sắp sắp các loại hình này xuất hiện trên sân khấu sao cho không vênh và đối chọi lẫn nhau mới thực cần đến cái tài của người đạo diễn. Ở vở diễn này, dù có phần phức tạp khi ê kíp sáng tạo đã sử dụng tới 3 loại hình để diễn tả 1 câu chuyện không mấy phức tạp nhưng hiệu quả nghệ thuật mang lại cho khán giả rõ ràng không thể phủ nhận. 

Lớp chèo xuất hiện trong vở diễn

Đó là việc vừa phô diễn vẻ đẹp của các câu cải lương mùi mẫn, câu chèo í a và câu hát xẩm tự sự, lại vừa dẫn đắt khán giả đi hết câu chuyện. 

Vở kịch hát xoay quanh hành trình đi tìm chồng, người lính được cho là đã chết trận của nàng Tô Thị. Nàng đã ôm đứa con thơ đi đến nhiều vùng đất với niềm tin, chồng nàng không thể chết. 

Tới mỗi vùng quê, nàng lại được nghe một câu chuyện kể về chồng bằng chính chất liệu nghệ thuật của vùng đất đó. Đó là Trần Khôi (chồng nàng Tô Thị) của lớp chèo trung với nước, một lòng yêu vợ, thà chết chứ không chịu lấy con gái hoàng đế phương Bắc. 

Đến vùng quê khác, nàng Tô Thị lại được nghe kể về Trần Khôi bằng xẩm. Chồng nàng đã không thắng nổi những cám dỗ của thương nhân phương Bắc, bỏ xứ mà đi.

Kịch tính được đẩy lên đỉnh cao khi Tô Thị (NSƯT Thu Trang) và Trương Lỗ (Quang Khải) người em kết nghĩa của Trần Khôi đi qua một ngôi đền linh thiêng, tiếng ca Huế của một cô đồng vang lên, kể câu chuyện về một Trần Khôi bị người anh em kết nghĩa của mình hãm hại nơi chiến trận… 

Ở đó, chân dung của người em Trương Lỗ đã bị bóc trần khi hắn có dã tâm giết Trần Khôi để trở về chiếm đoạt Tô Thị vì quá yêu nàng.

Cô đồng vạch trần tội lỗi của Trương Lỗ bằng nghệ thuật ca Huế

Trương Lỗ sau đó đã bị rắn cắn chết. Còn nàng Tô Thị ôm đứa con đứng trên đỉnh núi, hóa đá chờ chồng. 

Theo tác giả Nguyễn Thế Kỷ, câu chuyện dân gian về nàng Tô Thị mà nhiều người được nghe là một câu chuyện quá xót xa: hai anh em vì lưu lạc, không nhận ra nhau lại lấy nhau ở một nơi xa xứ. Vì vậy, ông muốn mang đến một câu chuyện bớt đau đớn hơn về nàng Tô Thị.

Còn với đạo diễn Triệu Trung Kiên, khi pha trộn cải lương, chèo và xẩm, anh biết mình đang đương đầu với cái khó. Thế nhưng, thử nghiệm là làm những thứ người khác chưa từng làm. Đương nhiên cái mới có thể sẽ tạo sự băn khoăn và cả hồ nghi. Nhưng cả anh và NSND Thanh Ngoan đều chắc chắn, mỗi loạn hình sân khấu trong vở diễn vẫn giữ được nguyên tác mà không bị nhào trộn, bị nhòe vào nhau hoặc ảnh hưởng đến nhau.

"Chúng tôi cố gắng để cho mỗi không gian của các loại hình đó được hòa nhập mà không hòa tan, tạo nên một không gian đặc sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam", NSND Triệu Trung Kiên nói. 

Vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng" sẽ tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019 tại Hà Nội, do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Sau đó sẽ phục vụ công chúng ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam.