Ngăn chặn "thỏa thuận ngầm", chọi trâu Đồ Sơn tiếp tục được tổ chức

ANTD.VN - Sáng 7-9, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn -  Hải Phòng”. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thời gian gần đây trở thành từ khóa “nóng” và được tranh luận trên nhiều diễn đàn bắt nguồn từ sự việc thương tâm xảy ra ngày 11-7 khi trâu chọi bỗng nhiên húc chết chủ ngay trên sân đấu. Nhiều ý kiến khi đó đề xuất, nên dừng tổ chức hội chọi trâu và rút lễ hội này ra khỏi danh mục di sản phi vật thể quốc gia. 

Sau tai nạn thương tâm, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn sẽ được tổ chức nhưng phải siết lại khâu quản lý, tổ chức

Chọi hay không chọi?

Sự việc đáng tiếc nói trên gây bàng hoàng dư luận, vì lẽ, nhiều năm qua, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chưa từng xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Đại diện lãnh đạo UBND TP Hải Phòng khẳng định rằng tai nạn tại vòng sơ loại lễ hội chọi trâu vào tháng 7 vừa qua là “tai nạn hy hữu”. 

GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia bày tỏ quan điểm, dù Bộ VH-TT&DL có muốn hay không, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia có ra quyết định nọ kia thì lễ hội chọi trâu vẫn là di sản văn hóa. Không phải thích thì công nhận, không thích thì thôi. Chấp nhận sự khác biệt là cái gốc của sự phát triển.

Đối xử với vấn đề này cần văn hóa chứ không phải mệnh lệnh hành chính; lại càng không thể nhân danh bất cứ cái gì để dẹp lễ hội này cả. Nếu bảo bỏ lễ hội chọi trâu ở đâu thì bỏ chứ người dân Đồ Sơn, Hải Phòng sẽ không bao giờ đồng ý cả.

“Địa phương phải có phương án tình thế, đảm bảo an toàn, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, gian lận thương mại như chặt chém, nâng khống giá trâu, các hiện tượng cờ bạc trá hình, giao dịch, thỏa thuận “ngầm”…”.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy

GS.TS Vũ Minh Giang cho biết thêm: “Ai nói xem chọi trâu là kích động bạo lực thì họ nhầm. Đấy chính là cách giải tỏa xung đột. Người ta tạo ra các cuộc đấu cho người xem để giải tỏa. Tôi đã từng sang Nhật Bản và thất kinh bởi được chứng kiến một khu vực rộng có cảnh sát đứng canh ngoài hàng rào, phía trong đó có những người đang đập phá, đánh nhau vỡ đầu. Tôi hỏi có chuyện gì thế này, họ trả lời rằng, những người trong đám hỗn loạn đó phải mua vé mới được vào đánh nhau. Nhật Bản tổ chức cho đánh nhau, cho đập phá để giải tỏa bởi đó là tự nguyện. Nhìn ra thế giới như đấu bò tót ở Tây Ban Nha hay như Canada có Lễ hội cưỡi bò điên. Phải chọn những con bò điên thật, trói hờ để nó lồng lên rồi ngồi lên lưng những con bò đó, ai ngồi lâu thì thắng. Cưỡi bò điên rất nguy hiểm và theo thống kê, từ khi tồn tại đến nay đã cả trăm người chết. Quyền tham gia trò chơi là tự nguyện, lễ hội làm phong phú thêm đời sống của người ta và mình không thể dùng cách này hay cách kia để dừng, không thể phê phán cái này là man rợ, là ngu ngốc!”.  

Xây dựng phương án đối phó tình huống xấu

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia cũng đã bày tỏ quan điểm nên tiếp tục duy trì lễ hội, tuy nhiên phần lớn khẳng định, phải thay đổi cách thức tổ chức sao cho an toàn và khoa học hơn. GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức cần sát sao hơn nữa, không để cho lễ hội chọi trâu biến tướng, trở thành một lễ hội mang tính chất thương mại.

Cũng đồng quan điểm, PGS.TS Trần Lâm Biền phản đối gay gắt hiện tượng giết và xẻ thịt trâu chọi bán ngay sau khi trận đấu xảy ra. Theo PGS.TS Trần Lâm Biền thì việc xẻ thịt trâu chọi rồi bán không hề có trong truyền thống và hành động kể trên là biểu hiện của sự “bần tiện hóa” lễ hội.

GS. Nguyễn Chí Bền nêu ý kiến: “Không thể cấm các di dản văn hóa phi vật thể theo tư duy thời chiến tranh và bao cấp. Tôi ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu, tuy nhiên duy trì như cũ thì không được. Giải pháp là phải đổi mới tổ chức lễ hội, chúng ta đang nói đến con vật chứ không phải con người. Con vật nằm ngoài tầm tay của chúng ta, không thể tiên liệu trước điều gì”… TS. Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho hay, trong thời điểm hiện tại không thể bỏ qua vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước bởi vai trò đó cực kỳ quan trọng.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy “chốt” lại cuộc tọa đàm với những giải pháp như: “Thu hẹp quy mô tổ chức lễ hội này”. Theo bà Trịnh Thị Thủy thì giá trị của lễ hội không phụ thuộc vào quy mô to hay bé mà cần phải tổ chức cho đúng với tính chất của một lễ hội văn hóa, thay vì tổ chức các vòng đấu loại thì chỉ đấu một trận duy nhất đúng như Hồ sơ di sản đã được phê duyệt.

Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị địa phương phải có phương án tình thế, đảm bảo an toàn, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, gian lận thương mại như chặt chém, nâng khống giá trâu, các hiện tượng cờ bạc trá hình, giao dịch, thỏa thuận “ngầm”… trong trận chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9-8 âm lịch tới. 

Đặc biệt, đơn vị tổ chức cũng cần có các phương án an toàn, chuẩn bị các công cụ hỗ trợ như súng gây mê, dụng cụ chuyên dụng… để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra trong lễ hội này.

“Trong thời gian tới việc sử dụng chất kích thích sẽ phải được quản lý chặt. Chủ trâu tham gia lễ hội sẽ phải được lựa chọn thông qua ý kiến bầu của đại biểu cộng đồng dân cư. Về sân thi đấu, ban tổ chức lễ hội chọi trâu cho hay, sẽ tăng cường lắp dựng thêm hàng rào bảo vệ trong sân, xây dựng trại trâu; thành lập hội đồng và tăng cường công tác kiểm tra chất lượng trâu tham gia lễ hội, gia cố đường thoát zíc-zắc bằng cọc sắt, thu gọn diện tích sân thi đấu; tập huấn lực lượng bắt trâu, tổ trọng tài điều hành. Trong quá trình thi đấu không có người đứng trong sân; đưa ra các giải pháp xử lý đối với các trâu có biểu hiện bất thường”.

UBND quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng