"Nếu mặc nhầm áo thì nên trả lại"

ANTĐ - “Việc lấy phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên như cơm phải ăn, nước phải uống, áo phải mặc… Đối với người được mặc áo nếu nhận thấy mình đã mặc nhầm chiếc áo quá rộng hay quá chật cũng nên tự nguyện đề nghị được thay đổi ngay để mặc chiếc áo khác vừa vặn hơn… Nếu qua lấy phiếu tín nhiệm đạt mức độ thấp, chậm khắc phục, không sửa chữa cũng đồng nghĩa với việc mặc nhầm áo, hãy khuyên họ trả lại áo, đó là văn hóa từ chức". Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đã nói như vậy trong phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn diễn ra vào sáng qua 10-11.

Góp ý cho dự thảo Nghị quyết này đã có 45 đại biểu đăng ký phát biểu tập trung vào một số vấn đề chính như việc cần thiết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, phạm vi những chức danh lấy phiếu tín nhiệm; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm… Trong đó nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm bởi việc làm này sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND mà qua đó còn làm rõ thêm trách nhiệm cá nhân của mỗi chức danh trước Quốc hội, HĐND.

Nên thu hẹp phạm vi lấy phiếu tín nhiệm

Nên thu hẹp phạm vi lấy phiếu tín nhiệm và không lấy phiếu tín nhiệm của các Ủy viên kiêm nhiệm là ý kiến của đa số đại biểu trong phiên thảo luận sáng qua. Theo ĐB Đặng Thị Kim Chi - Ủy viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm cho nên họ phải vừa làm việc chuyên môn ở cơ quan, vừa tham gia công tác của đoàn là tham gia hoạt động của Ủy ban, như vậy có những lúc lịch trùng vào công việc thì chắc chắn việc tham gia hoạt động của Ủy ban sẽ không được thường xuyên. Như vậy, mặc dù đại biểu đó có hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan đơn vị mình nhưng không thường xuyên tham gia hoạt động của Ủy ban thì có bị bỏ phiếu không tín nhiệm hoặc tín nhiệm thấp hay không?

Đồng quan điểm với ĐB Đặng Thị Kim Chi, đại biểu tỉnh Nghệ An - Vi Thị Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nam - Nghệ An nêu ý kiến: “Nếu lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND tỉnh với mức độ tín nhiệm cao nhưng vì không có thời gian tham gia hoạt động của Ủy ban Quốc hội mà mình là thành viên nên đạt mức tín nhiệm thấp thì đánh giá hoạt động của đại biểu đó như thế nào?”. Theo các đại biểu, trong phạm vi lấy phiếu tín nhiệm có rất nhiều người cùng lúc giữ nhiều chức danh, thậm chí là chức danh chủ chốt cả về chuyên môn. Do đó, nếu dành thời gian tập trung cho chuyên môn mà không có thời gian tham gia các hoạt động hội họp của các ủy ban mà đánh giá cá nhân thì không công bằng, chưa đảm bảo được mục đích lấy phiếu tín nhiệm để làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ mà nghị quyết đưa ra. 

Thế nào là “tín nhiệm trung bình”?

Dự thảo của Nghị quyết đưa ra 4 mức tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp và chưa có ý kiến, có nhiều đại biểu cho rằng là đại biểu Quốc hội thì phải có chính kiến, hơn nữa việc có đưa ra ý kiến hay không còn liên quan đến việc xử lý kết quả tín nhiệm. Chính vì vậy nhiều đại biểu đề nghị nên bỏ mức “chưa có ý kiến”. Song đa phần các đại biểu đều đồng tình là chỉ nên để 2 mức tín nhiệm rõ ràng là: mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Vì nếu đưa ra đánh giá 4 mức như dự thảo nghị quyết thì việc lượng hóa tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp, tín nhiệm trung bình là rất khó, dựa vào ý kiến chủ quan của người đánh giá là chính.

Đại biểu tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho rằng nếu đánh giá như vậy thì kết quả thu nhận được sẽ thiếu khách quan, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người đang giữ chức vụ đó. Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh đề nghị, phải xây dựng bộ câu hỏi, bộ tiêu chí để đại biểu trả lời và chấm điểm. Căn cứ trên bảng điểm này đánh giá được mức độ là tín nhiệm ở mức nào? Đại biểu này đặt câu hỏi: “Nếu để các mức tín nhiệm như dự thảo thì việc xử lý kết quả sẽ như thế nào? Nếu mà một người nhận được 40% là phiếu tín nhiệm thấp, trên 20% ý kiến khác là đề nghị xem xét cân nhắc thêm hoặc 40% tín nhiệm thấp, 40% tín nhiệm cao và 20% ý kiến lại rơi vào trung bình hay ý kiến khác thì xử lý này sẽ như thế nào?”.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà  nước để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Mục đích của việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là để những người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, qua đó phấn đấu rèn luyện, nâng cao hiệu quả công tác, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Các ý kiến phát biểu và văn bản gửi về đoàn thư ký sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ để trình Quốc hội thông qua nghị quyết vào cuối kỳ họp này.