Nên quy định mức “trần” học phí cho các nhóm trường

ANTĐ - ANTĐ Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội về vấn đề này:

- Thưa Giáo sư, ông nhìn nhận thế nào về việc “loạn” mức học phí các trường ĐHNCL hiện nay? 

- Sau khi Luật Giáo dục Đại học được ban hành thì trong đó có một ý rất quan trọng đó là “học phí theo chất lượng”, đây chính là điểm chưa được chặt chẽ bởi ai cũng nghĩ rằng với học phí như thế thì phải nâng cao về chất lượng. Có những trường cho rằng chất lượng cao, nhưng không có ai đứng ra giám sát, đánh giá, đảm bảo chất lượng có cao thật không hay chất lượng thấp. Điều này bắt nguồn từ hệ thống của chúng ta chưa đồng bộ dẫn đến việc các trường ĐHNCL “nhoai” ra nâng cao học phí mà cũng chẳng cần xin phép ai. Câu chuyện học phí đã được nói đến từ lâu, trong đó có quan điểm là hãy để cho xã hội quyết định là học ở đâu, mức học phí thế nào thì tương đối sát với quốc tế. 

- Các cấp quản lý Nhà nước có quyền hạn thế nào về quy định mức học phí của trường ĐHNCL? 

- Bộ GD-ĐT không có quyền đưa ra mức học phí cho các trường ĐHNCL, nhưng xét xung quanh hệ thống quản lý Nhà nước về vấn đề giáo dục thì Bộ GD-ĐT lại có những nội dung và quyền hạn quan trọng. Tức là có quyền căn cứ vào rất nhiều những quy định về chức năng quản lý Nhà nước để xem xét thực chất chất lượng các trường ĐHNCL như thế nào; Thanh tra Giáo dục cũng có thể vào cuộc khi có thể bắt đầu từ chính công luận, báo chí... Khi đó nhà trường phải có trách nhiệm giải trình vì tính tự chủ, chịu trách nhiệm của các trường ĐHNCL. 

- Theo ông có nên đưa ra một mức “trần” học phí cho trường ĐHNCL? 

- Theo tôi không nên quy định mức “trần” chung đối với những trường ĐHNCL vì xét trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay thì trường ở loại nào được thu tối đa đến đâu, điều này phải đồng bộ với việc đánh giá, xếp loại các trường đại học, nhưng chúng ta lại chưa thực hiện được việc này. Nếu đưa ra một mức “trần” học phí cho các trường ĐHNCL sẽ dẫn đến việc cào bằng, như thế thì trường chất lượng cao thật lại rơi vào tình huống khó khăn và bị “trói tay”, trong khi trường chất lượng thấp chẳng tội gì họ không thu tới mức kịch trần, bởi vì tôi tin rằng sẽ không có một trường nào chịu thu ở mức dưới giá “trần” mà sẽ “đu” ngay lên “trần”. Câu chuyện cào bằng sẽ không giống với thuộc tính và bản chất của việc giáo dục bậc ĐH là phân tầng, nó khác với giáo dục phổ thông là tạo nền công dân mà là cung cấp nguồn nhân lực.

- Với kinh nghiệm của ông thì phải làm thế nào để thiết lập trật tự cho mức học phí các trường ĐHNCL? 

- Cần có sự can thiệp của quản lý Nhà nước vào công việc này, đặc biệt là cần có những nghiên cứu để phân loại mang tính tương đối, hình thành các nhóm trường để đưa ra mức thu học phí theo nhóm, và đưa ra mức “trần” học phí cho các nhóm để tránh nhóm các trường chất lượng thấp không thể “đánh đu” học phí theo các trường chất lượng cao.  

- Cảm ơn ông!